(KTSG Online) - Thông tin hai hãng thời trang nổi tiếng thế giới Nike và Adidas chuyển nhà máy ra khỏi Việt Nam hồi tháng 8 và tháng 9 vừa qua là không chính xác. Hai nhãn hàng này có hệ thống sản xuất ở Việt Nam trong lĩnh vực may mặc và giày dép nhưng họ không hề trực tiếp đầu tư nhà máy.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang, đã khẳng định như vậy trước câu hỏi của đại diện hãng tin Nikkei về việc hai hãng thời trang nổi tiếng thế giới nói trên dịch chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Việt Nam do ảnh hưởng của đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19 ở TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Theo ông Giang, họ không có đầu tư nhà máy ở Việt Nam thì không có chuyện dịch chuyển nhà máy được, có chăng chỉ là dịch chuyển đơn hàng sản xuất trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nên không kịp giao hàng.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển đơn hàng sản xuất này cũng không hề đơn giản với các nhãn hàng, ông Giang nói. Ông lấy trường hợp điển hình như tại Tổng công ty May Việt Tiến có thực hiện gia công sản xuất cho hãng Nike. Tuy nhiên, cho đến nay doanh nghiệp trong nước này cũng chưa mất đơn hàng nào của hãng thời trang này.
"Tính đến thời điểm tháng 10 khi chúng ta mở cửa trở lại, ở công ty may Việt Tiến, nhãn hàng Nike cũng chưa chuyển đơn hàng nào đi bởi không chọn được nhà sản xuất khác đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đòi hỏi của Nike về thời gian, chất lượng, hệ thống đánh giá sản xuất... rất khắc khe và mất nhiều thời gian", ông Giang chia sẻ thêm.
Thông tin nói trên của vị Chủ tịch Vitas khá trùng hợp với thông tin báo chí đã đưa gần đây rằng khi trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị COP26 tại Scotland vào đầu tháng 11 rồi, Giám đốc phát triển bền vững Noel Kinder của Tập đoàn Nike đã thông báo toàn bộ gần 200 nhà máy cung cấp hàng cho Nike ở các địa phương đã quay lại sản xuất sau khi bị đứt gãy do đại dịch Covid-19.
Thay mặt Tập đoàn Nike, ông Kinder cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Dù không sở hữu nhà máy ở Việt Nam nhưng Nike hiện đang làm việc với rất nhiều nhà máy của 200 nhà cung cấp ở Việt Nam. Trước đó, Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (LEFASO) và Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công thương đều đã bác bỏ thông tin này. Theo LEFASO, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Nike có chuyển một số đơn hàng sang các quốc gia khác nhưng không dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Việt Nam.
Trong khi đó, Cục Công nghiệp khẳng định đây là thông tin không chính xác và chính Nike đã xác nhận không chuyển chuỗi sản xuất khỏi Việt Nam.
Cũng theo Chủ tịch Vitas, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đáp ứng được tiến độ giao hàng nên đã có số lượng đơn hàng nhất định giao tháng 11, 12 phục vụ Tết 2022 được chuyển đi, ước tính khoảng 13%-14%.
Tuy vậy, theo ông Giang, đã có dấu hiệu các đơn hàng quay trở lại ở niên vụ của năm 2022, kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về kiểm soát, sống chung với Covid-19 trong tình hình mới. Và tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành hiện đang tốt trở lại. "Chính vì vậy, chúng tôi đặt niềm tin và đưa ra mục tiêu cho dệt may Việt Nam năm 2022 là xuất khẩu khoảng 43,5 tỉ đô la dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu," ông Giang kỳ vọng. Dự báo toàn ngành sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 38 tỉ đô la khi kết thúc năm 2021, cao hơn khoảng 3 tỉ đô la so với kết quả năm 2020.