(KTSG Online) – Lượng đặt mua máy bay lớn trong thời gian gần đây đang đặt chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp hàng không vào cơn căng thẳng chưa có tiền lệ khi các nhà cung cấp nhỏ chật vật mở rộng năng lực sau đại dịch.
- Đơn hàng mua máy bay bùng nổ khi các hãng bay đua giành thị phần
- Thế giới thiếu máy bay khi nhu cầu du lịch phục hồi mạnh
Các nền kinh tế trên khắp thế giới đang đối mặt bất ổn lớn do lạm phát và lãi suất tăng. Nhưng điều đó không ngăn cản nhu cầu đi lại hàng không. Theo các lãnh đạo của ngành hàng không tham gia cuộc triển lãm hàng không Paris trong tuần qua, nhu cầu đi lại bằng máy bay sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Họ chỉ ra các đơn đặt hàng máy bay lớn gần đây. Chẳng hạn, hãng không giá rẻ Ấn Độ IndiGo đặt mua kỷ lục 500 máy bay của Airbus vào đầu tuần này.
Guillaume Faury, CEO Airbus, nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới, nói: “Dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy yếu, các hãng bay không nhận thấy lượng đặt vé chậm lại, thay vào đó, họ tiếp tục chứng kiến nhu cầu rất lớn bất chấp giá vé cao”.
Nhu cầu đó xung đột với năng lực hạn chế của ngành trong việc tăng nhanh sản lượng máy bay. Airbus và đối thủ Boeing đang đối mặt với những hạn chế nguồn cung về động cơ, chip và công nhân. Cả hai đều có đơn đặt hàng tồn đọng khổng lồ.
Chuỗi cung ứng máy bay “bầm dập” trong đại dịch Covid-19 và chưa thể phục hồi đầy đủ. Các nhà cung cấp nhỏ gánh thêm khoản nợ lớn trong đại dịch và hiện phải vật lộn để đầu tư cho năng lực.
Andy Cronin, CEO của hãng cho thuê Avolon, nói: “Vấn đề bây giờ nằm sâu trong chuỗi cung ứng, các nhà cung cấp lớp 3 trở xuống, nơi mà nguồn tiền đầu tư và số lượng nhân viên cần thiết để đáp ứng nhu cầu khiến họ rất lo lắng”.
Mike Madsen, CEO của nhà sản xuất động cơ máy bay Honeywell Aerospace, cho biết đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn lớn cho các nhà cung cấp nhỏ. Tình trạng thiếu lao động đang gây trì trệ cho toàn bộ hệ sinh thái từ lắp ráp mới đến dịch vụ bảo dưỡng khi nhu cầu đi lại hàng không tăng trở lại.
“Mỗi ngày, chúng tôi nhận được một cuộc gọi từ ai đó trong ngành hàng không yêu cầu trợ giúp khắc phục chuỗi cung ứng của họ”, Eric Bernardini, CEO của Công ty tư vấn AlixPartners, nói.
Olivier Andriès, CEO của Safran, nhà sản xuất động cơ máy bay của Pháp, cảnh báo “cuộc khủng hoảng nguồn cung chưa từng có” trong ngành hàng không sẽ kéo dài sang năm tới khi các nhà sản xuất máy bay phải vật lộn để tìm nguồn cung ứng các bộ phận và lao động mà họ cần để bắt kịp nhu cầu.
“Chúng tôi phải chiến đấu hàng ngày để có được các linh kiện. Điều này diễn ra không chỉ với Safran và cả ngành công nghiệp hàng không. Chúng ta đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhu cầu chưa từng có vào năm 2020. Bây giờ, nhu cầu đã trở lại, nhưng chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng nguồn cung chưa từng có. Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều này trước đây”, Andriès nói.
Trong số các mặt hàng khan hiếm gần đây là radar thời tiết và máy phát định vị khẩn cấp (ELT) cho cả máy bay thân hẹp của Airbus lẫn Boeing, hai nguồn tin trong ngành cho hay.
Các hãng bay đã nhận ra những hạn chế này và đua nhau đặt mua một lượng máy bay sớm dù chúng sẽ chưa được giao trong nhiều năm tới.
“Chúng tôi không thể chế tạo máy bay đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu”, Guillaume Faury nói và cho biết thêm các đơn hàng vừa ký kết là nhằm giành chỗ trong danh sách tồn đọng. Airbus chỉ có thể giao máy bay cho IndiGo sớm nhất là vào năm 2030.
David Calhoun, CEO của Boeing, cho biết chuỗi cung ứng của Boeing sẽ chưa ổn định cho đến cuối năm sau.
Ngành hàng không thường trải qua các thời kỳ bùng nổ và sụp đổ nhưng chu kỳ nhu cầu trong vài năm qua gây bất ngờ lớn.
Nhu cầu bay chỉ tạm thời gián đoạn trong đại dịch. Khi các hạn chế đi lại bắt đầu được dỡ bỏ vào năm 2022, các hãng bay đã rất ngạc nhiên trước nhu cầu bật dậy mạnh mẽ sau một thời gian bị dồn nén. Hàng loạt sân bay ở Mỹ và châu Âu bị quá tải vào mùa hè năm ngoái. Các hãng bay phải vật lộn để tuyển dụng lại nhân viên mà họ sa thải và đưa máy bay trở lại hoạt động.
Trong những tháng gần đây, nhiều hãng đã chuyển từ chế độ phục hồi sang chế độ tăng trưởng. IndiGo đã đặt hàng kỷ lục 500 máy bay thân hẹp dòng A320 của Airbus để xây dựng mạng bay nội địa và mở rộng các chuyến bay quốc tế. Hồi tháng 2, Air India cũng đặt mua 470 máy bay của Airbus và Boeing.
Đầu năm nay, hai hãng hàng không của Saudi Arabia cho biết họ sẽ mua gần 80 chiếc Boeing 787 Dreamliners, loại máy bay lớn nhất của Boeing, như một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy du lịch ở vương quốc giàu dầu mỏ này.
Cuối năm ngoái, United Airlines (Mỹ) đặt hàng 100 chiếc máy bay thân rộng của Boeing. Tháng trước, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu, đặt mua tới 300 chiếc Boeing 737 MAX.
Từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không và công ty thuê máy bay đã đặt mua 1.429 máy bay của Airbus và Boeing, bao gồm cả các hợp đồng được công bố trong tuần qua. Con số này cao hơn tổng số đơn đặt hàng cả năm là 1.377 chiếc vào năm 2019. Đơn đặt hàng được xác nhận tại cuộc triển lãm hàng không Paris trong năm nay là mức cao nhất kể từ năm 2011, theo Agency Partners.
737 MAX của Boeing cạnh tranh với A320 của Airbus trong phân khúc nóng nhất của thị trường hàng không thương mại. Những mẫu máy bay này thường bay các chuyến bay ngắn hơn với lượng hành khách ít hơn. Thị trường đó đã phục hồi sớm hơn so với du lịch đường dài.
Ngay trước khi đại dịch xảy ra, Boeing lao đao vì hai vụ tai nạn máy bay 737 Max nghiêm trọng, khiến dòng máy bay này bị cấm bay trong thời gian dài. Đó cũng là nguyên nhân khiến Boeing bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh với đối thủ Airbus. Năm 2019, Airbus vượt mặt Boeing để trở thành nhà sản xuất máy bay lớn nhất cả về số lượng giao máy bay hàng năm và tổng số lượng đơn hàng tồn đọng.
Trong nhiều năm, Boeing và Airbus có tỷ lệ phân chia đơn đặt hàng toàn cầu là 50-50 đối với máy bay thân hẹp, phân khúc sinh lời nhiều nhất của họ. Hiện nay, Airbus chiếm khoảng 62% thị trường đó.
Guillaume Faury, CEO của Boeing, nói rằng việc Boeing giành lại 50% thị phần máy bay thân hẹp không quan trọng bằng việc hãng phục hồi như thế nào sau khi gặp khó khăn trong sản xuất.
Boeing vẫn dẫn đầu thị trường máy bay thương mại cỡ lớn. “Việc kinh doanh máy bay thân rộng là một tình huống khác. Đó vẫn là một cuộc cạnh tranh sít sao”, Faury nói.
Theo WSJ, Reuters