Chương trình "Nông thôn mới" nợ đọng quá lớn
Kiều Phong
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới - Ảnh: Kiều Phong |
(TBKTSG Online) – Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, tính đến hết tháng 1-2016, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tại 52/62 tỉnh thành đã lên con số 15.212 tỉ đồng và chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Ngày 28-6, Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2016.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tính đến hết tháng 5-2016, cả nước có 1.965 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 22%), tăng 4,9% so với cuối năm 2015 và 23 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhân đạt chuẩn NTM.
Để đạt được kết quả này, tổng nguồn lực đã đầu tư xây dựng NTM đạt khoảng trên 263.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương đã bố trí 7.374 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM tại nhiều địa phương đang là vấn đề lớn, vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Theo báo cáo của 52/62 tỉnh, thành phố, tổng số nợ đọng tính đến hết hết tháng 1-2016 khoảng hơn 15.200 tỉ đồng.
Liên quan tới vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho hay, nguyên nhân là một số địa phương do chạy theo mục tiêu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt chuẩn NTM nên kêu gọi doanh nghiệp ứng trước vốn.
Trong khi đó kinh phí phân bổ trung hạn của Chính phủ chưa có, thu đấu giá quyền sử dụng đất và huy động nguồn lực xã hội hóa không đạt được như mong đợi. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phân tích rõ thực trạng để có giải pháp hợp lý chấn chỉnh, xử lý vi phạm và rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới.
Để có cơ sở tham mưu, đề xuất giải pháp với Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã thành lập 3 đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, làm trưởng các đoàn công tác. Ba đoàn này sẽ đi khảo sát kỹ tại một số địa phương, tập trung vào các tỉnh ở 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc để nắm bắt tình hình và có cơ sở tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tìm biện pháp tháo gỡ.
Đọc thêm: