Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyện các o xứ Huế mang đặc sản đất kinh kỳ đi xa

Nhân Tâm

(KTSG Online) - Từ các nguyên liệu được cho là đặc trưng của cố đô như sen, cỏ bàng, những nữ doanh nhân trẻ đang ấp ủ ước mơ cùng cộng đồng lan tỏa các sản phẩm đặc trưng xứ Huế cho dù phải đối đầu không ít chông gai.

Ngày 22-6, chị Phạm Thị Diệu Huyền đã đưa vào hoạt động cửa hàng thứ hai, thương hiệu Đặc sản Mộc Truly Hue’s tại 66 Lê Duẩn, thành phố Huế, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình đưa các sản phẩm làm từ sen cùng các nguyên liệu khác của Huế đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Chị Huyền kể lại, nhiều năm trước, trong những lần hướng dẫn các bạn của mình ở Sài Gòn đến Huế chơi, chị nhận ra rằng không dễ tìm ra những sản phẩm đặc trưng của Huế, có chất lượng cao để làm quà hoặc giới thiệu với những người có nhu cầu.

Từ đó, chị ấp ủ phát triển các sản phẩm đặc trưng chất lượng của Huế. Là người tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, chị tự đặt câu hỏi tại sao không đưa công nghệ vào sản phẩm, đưa văn hóa vào sản phẩm để kinh doanh, quảng bá.

Ảnh: NVCC

Nói là làm, năm 2009 chị bỏ công việc lương cao ở Sài Gòn về quê lập nghiệp. Chị chọn cách bán hàng ở phố đêm ở thành phố Huế để lắng nghe tâm tư của người tiêu dùng và du khách nhằm phát triển sản phẩm tốt hơn. Chị hiểu rằng, chỉ khi tự đặt bản thân vào vị trí của khách hàng, có đánh giá một cách khách quan thì mới tạo ra được những sản phẩm thành công và phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Sau 2 lần khởi nghiệp với các sản phẩm khác nhau chưa được thành công, nữ doanh nhân sinh năm 1985 này quyết định khởi nghiệp lần thứ 3 với sen.

Trước đó, chị cùng chồng mình đã mày mò tìm hiểu về loài sen trắng cổ của Huế. Hai vợ chồng mất khá nhiều thời gian tìm đọc các tư liệu về trồng sen, những khó khăn, các loại bệnh của cây sen, tìm gặp các nông dân trồng sen lâu năm để học tập kinh nghiệm và hợp tác trong việc tìm giống, nuôi trồng và chăm sóc cây sen trắng…

Trồng sen trắng cổ không hề đơn giản. Tỷ lệ chết hiện rất cao. Mộc Truly Hue’s có 6 hồ trồng sen trắng với tổng diện tích 20 hecta thì năm ngoái có 3 hồ sen đã chết do nấm (ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt) và năm nay có đến 5 hồ sen chết. Vì vậy, chị Huyền lại miệt mài làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia để tìm cách chữa bệnh cho loài sen trắng cổ này.

Chị cũng dùng kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ sấy lạnh để giữ được 85% nguyên liệu từ cây sen trắng như tim sen, hoa sen, củ sen.., để có thể làm các sản phẩm bán quanh năm thay vì chỉ một mùa như trước kia. Thêm vào đó là đưa công nghệ vào ướp sen, hạn chế đến mức tối đa tỉ lệ hư hại và lưu giữ hương và sắc của hoa một cách tối đa nhất.

Ảnh: NVCC

Chị Huyền mong muốn Mộc Truly Hue’s không chỉ đem đến cho khách hàng những đặc sản đậm đà hương vị bản địa mà đậm giá trị văn hóa Huế. Vì vậy, các sản phẩm của Mộc Truly Hue’s đều được đựng trong các bao bì thể hiện văn hóa Huế như tranh làng Sình, các danh lam thắng cảnh của cố đô... Các sản phẩm xưa hộp màu bánh pháp lam, kẹo kéo, sen chấy cuộn lò than cũng được khôi phục để có "kể" nhiều hơn về văn hóa Huế với khách hàng.

“Chiến lược lâu dài của chúng tôi là tiếp cận khách du lịch trong nước và quốc tế vì những khách hàng này quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa tinh thần, có nhu cầu cao tìm mua những đặc sản địa phương về làm quà”, chị Huyền nói.

Ảnh: NVCC

Theo đó, Mộc Truly Hue’s đã kết nối hệ thống phân phối trên cả nước với hơn 110 cửa hàng, bao gồm các cửa hàng tại sân bay, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên sang Mỹ.

“Chúng tôi phải luôn đảm bảo quy trình, có đầu ra và nguồn thu để người trồng sen có thể gắn bó với mình lâu dài. Chỉ riêng trong mùa sen vừa qua, chúng tôi bán được 10 tấn hạt sen, chưa kể hoa và sản phẩm khác”, chị Huyền nói.

Nói về những ấp ủ của cho tương lai, chị Huyền cho biết, muốn đưa công nghệ tốt hơn vào sản phẩm để có thể giữ được 95% sen và nâng giá trị của sen. Giải A cho dự án Đặc sản Mộc Truly Hue’s với các sản phẩm từ sen tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 là động lực để chị bước tiếp con đường này.

Ảnh: NVCC

Sau gần 15 năm làm nghề du lịch, cũng như bao doanh nhân khác, chị Hồ Sương Lan không ngờ lại gặp khủng hoảng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Ngành du lịch bị “đóng băng” từ đầu năm 2020. Chị vừa nỗ lực duy trì công ty để chờ ngày du lịch phục hồi vừa tìm kiếm hướng đi mới để có thể duy trì đời sống, ổn định kinh doanh cho bản thân và người lao động.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cố đô lịch sử, mang sẵn trong mình tình yêu cộng đồng, từ lâu chị Lan đã muốn gầy dựng sản phẩm hàng thủ công có thương hiệu, mang tính độc đáo và có giá trị thẩm mỹ cao.

Thêm vào đó, chị cũng muốn cùng cộng đồng xây dựng sinh kế bền vững hơn, để người dân vừa duy trì được công việc truyền thống vừa nâng cao thu nhập ngay tại quê hương. Biến cố Covid-19 tuy làm nhiều việc phải đình trệ nhưng lại cũng là dịp để chị thực hiện mong muốn đã ấp ủ từ lâu.

Ảnh: NVCC

Chị Lan nhận thấy sản phẩm được các nghệ nhân Huế làm rất đẹp và chỉn chu nhưng chưa phát triển tiếp thị và truyền thông, chưa có sự đầu tư về thương mại. Chính vì vậy, doanh nhân này đã thử làm kênh phân phối sản phẩm và sau khi nhen nhóm tình yêu với hàng thủ công, chị đã đi khắp nơi để tìm kiếm những sản phẩm khác của Huế. Cơ duyên đưa chị đến với cỏ bàng xứ Huế là từ đây.

“Tôi tìm đến Làng Phò Trạch (Huế) và được biết ở đây có một vài cơ sở nhỏ làm hàng thủ công đã tồn tại rất nhiều năm. Tôi đã nghiên cứu kỹ các sản phẩm và lên ý tưởng cải tiến, đổi mới cũng như thời trang hóa các sản phẩm đậm chất quê và thân thiện với môi trường này”, chị Lan cho biết.

Sau khi tìm hiểu kỹ từ tính năng, độ bền, chất liệu và so sánh với các dòng sản phẩm tương tự như cói và lục bình, nữ doanh nhân thế hệ 8X đời đầu nhận thấy, cỏ bàng có nhiều tính năng ưu việt hơn như ít ẩm mốc hơn, có bề mặt phẳng nên rất dễ để lên họa tiết vẽ bằng màu acrylic.

Sau khi tham khảo các sản phẩm và các nguồn nguyên liệu thiên nhiên địa phương, chị yên tâm khởi động dự án với thương hiệu Marie’s.

Chị và đội ngũ mất nhiều thời gian để đi tìm hiểu và nghiên cứu mẫu, sau đó làm mẫu, rồi liên tục cải tiến, thay đổi mẫu để cho ra sản phẩm cuối cùng ưng ý. Tuy nhiên, cho đến khi bắt đầu thương mại hóa thì lại gặp khó khăn vì sản phẩm làm ra đẹp, độc, lạ và thân thiện với môi trường thì giá thành cao hơn các sản phẩm công nghiệp khác, làm khó cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chị cũng gặp khó khăn về vốn, do số vốn từ kinh doanh du lịch đã bị “bào mòn” vì dịch Covid-19 cho nên việc đầu tư một ngành nghề sản xuất mới, không phải là thế mạnh trở nên nhiều thách thức và tiềm ẩn rủi ro cao.

Khó khăn nhiều nhưng chị vẫn quyết tâm “đặt cược” với công việc mới, mong muốn sẽ mang lại sinh kế bền vững cho người phụ nữ nông thôn làng nghề.

Để mang đến "một cuộc đời mới cho cỏ bàng, chị cùng cộng sự đã từng bước hành động để có sản phẩm cao cấp hơn. Chị nhập hàng thô từ làng Phò Trạch, tìm những họa sĩ, thợ may lành nghề, tỉ mỉ, chịu khó để trao đổi về ý tưởng đưa màu vẽ acrylic vào để tạo nên các họa tiết vẽ bằng tay trên túi cho cỏ bàng.

Chị cũng sử dụng chất liệu phụ kiện sáng tạo để phối kết cho sản phẩm truyền thống, vốn quen mặt trở nên lạ và độc đáo hơn, hướng tới phân khúc khách hàng là phụ nữ có nhu cầu thích hàng phụ kiện thời trang và làm quà tặng cho bạn bè đối tác.

Ảnh: NVCC

Hiểu được nhu cầu của thị trường và phân khúc khách hàng chọn lựa, chị liên tục cải tiến cho ra sản phẩm mới với thiết kế "không giống ai". Trong đó, dòng sản phẩm nón cỏ bàng cải tiến từ chiếc nón lá truyền thống 16 vành của Huế được chằm tỉ mỉ, kết hợp họa tiết vẽ tay được ưa chuộng nhất. Cùng với đó, những chiếc nón cỏ bàng vẽ chân dung, logo, đình, chùa, hoa, bản đồ thế giới… với dấu ấn cá nhân, mới lạ cũng tạo được sức hút lớn với khách hàng.

Sau hơn một năm, Marie’s đã nhận nhiều đơn hàng sỉ lẻ trên 30 tỉnh, thành tại Việt Nam và cả ngoài nước dù công ty chưa xuất khẩu chính ngạch do còn nhiều rào cản về hạ tầng logistics.

Ảnh: NVCC

Công ty đã tạo việc làm cho nhiều người thợ may thất nghiệp, thu hút được nhiều họa sĩ nữ trẻ làm việc, giúp nhiều phụ nữ ở các làng nghề đan đệm và chằm nón trở lại với nghề truyền thống và nâng cao thu nhập.

Hiện nay, Marie’s đang hợp tác với 20-30 nghệ nhân làm sản phẩm. Cùng với đội ngũ thiết kế và ứng dụng công nghệ, thương hiệu này đã tạo nên hơn 1.000 mẫu mã sản phẩm.

Qua những sản phẩm thủ công truyền thống này, chị Hồ Sương Lan mong ước bạn bè quốc tế sẽ luôn nhớ về những người thợ thủ công lành nghề ở Việt Nam. Đặc biệt, là những người phụ nữ nông thôn, những người họa sĩ trẻ khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế đã tạo ra những sản phẩm thời trang đẹp mắt, thân thiện môi trường và góp phần vào xu hướng thời trang quốc tế.

Tin mới