Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyện cũ… thách thức mới của dệt may

Minh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Không phải đến khi Liên minh châu Âu (EU) sốt sắng với “Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may” đầu năm nay, ngành dệt may Việt Nam mới tính đến chuyện “xanh hóa”. Với những đặc thù của Việt Nam, lời giải vẫn bỏ ngỏ nhiều năm dù bài toán liên tục được bổ sung nhiều ý phụ.

Tiếp nhận thông tin EU yêu cầu sản phẩm xuất sang thị trường này phải bền vững hơn, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT May Hưng Yên, cũng là người từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong các hiệp hội dệt may bình luận ngắn gọn: “Không mới!”.

Các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhiều năm nay liên tục đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất. Những yêu cầu sau này càng nghiêm ngặt hơn yêu cầu trước. Tới “Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may” này, các sản phẩm may mặc được yêu cầu “thiết kế sinh thái để tăng độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế”. Với yêu cầu này, vải vóc nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may phải thay đổi, không giống kỷ nguyên thời trang nhanh hiện tại.

Trong cái rủi có cái may. Ngay lập tức thì các công ty may Việt Nam chưa phải lo lắng bởi hơn 90% doanh nghiệp hiện nay làm công việc gia công cắt, may (CMT - cut, make trim). “Sản xuất gia công hiện nay có khi an toàn hơn đứng ra mua nguyên phụ liệu. Thị trường hiện nay không dài hạn như trước. Các chủ hàng ký kết thời gian ngắn trong khi nguyên phụ liệu phải đặt trước thời gian dài”, ông Dương nói. Mấy năm trở lại đây, đàm phán các đơn hàng dệt may khó khăn hơn khi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia như Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ và thị trường mới nổi Campuchia.

Ai cũng hiểu biên lợi nhuận gia công CMT nhỏ hơn ODM (chủ động từ thiết kế, nguyên liệu, cắt may ra thành phẩm và FOB (từ nguyên liệu, cắt may, gửi hàng). Ngành dệt may tính toán, lợi nhuận bình quân của CMT là 1-3% doanh thu thuần, trong khi lợi nhuận của FOB là 3-7%. Dù vậy, chủ động nguồn nguyên vật liệu vẫn là câu chuyện ngành dệt may bàn thảo hàng chục năm nay.

Trong một chia sẻ với báo chí đầu năm 2019, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex phân tích, Trung Quốc hiện cung cấp 53% lượng vải cho thế giới. Quy chuẩn của nghề dệt nhuộm là làm dư 3% (tức cần 1.000 mét vải, theo quy chuẩn sẽ làm 1.030 mét). Khối lượng vải dư cho phép của Trung Quốc tương đương mức tiêu dùng của Việt Nam tại thời điểm đó. Ngành dệt may không phải là ngành được bảo hộ. Một doanh nghiệp mở ra sẽ khó sống nếu phía Trung Quốc hạ giá lượng vải dư đến 0 đồng.

Trong khi đó, ngành sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may phụ thuộc nhiều hơn vào vốn. Quy mô đầu tư cho một chỗ làm việc của công nhân ngành may khoảng 4.000 đô la Mỹ nhưng với ngành dệt nhuộm là khoảng 15.000-20.000 đô la. “Quy mô thông thường của nhà máy sản xuất sợi, vải phải có mức đầu tư từ 30-50 triệu đô la chứ không chỉ 5-7 triệu đô la như ngành may”, ông Trường nói hồi tháng 3, theo Vinatex.

Ngay cả khi đáp ứng nguồn nguyên phụ liệu, giá trị hàng dệt may vẫn chưa cao. Toàn bộ bốn công đoạn từ bông, sợi, vải đến may chỉ chiếm 40% tổng giá trị sản phẩm, theo ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtex), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans chia sẻ tại hội thảo “Doanh nghiệp dệt may phát triển thị trường quốc tế” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức cuối năm 2021. Phát triển chuỗi cung ứng phải có khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Doanh nghiệp phát triển thương hiệu V-SixtyFour với tham vọng này.

Chia sẻ kinh nghiệm để thâm nhập thị trường EU, ông Việt cho biết tiêu chuẩn để một doanh nghiệp vào được EU cao hơn rất nhiều, không chỉ đòi hỏi về mặt trách nhiệm xã hội mà còn thân thiện với môi trường. Ngay từ năm 2012, doanh nghiệp của ông đã tiếp nhận và trải qua những lần kiểm tra theo tiêu chuẩn khắt khe đó. Cách giải theo ông Việt là đầu tư vào công nghệ. Công nghệ giải quyết thâm hụt lao động và cả vấn đề môi trường.

Lãnh đạo Việt Thắng Jeans chia sẻ, năm 2012 bắt đầu tìm hiểu, mua sắm công nghệ và khai thác, mất bốn năm để các sản phẩm ra thị trường. Thêm ba năm nữa doanh nghiệp đã có thể lấy lại vốn 5-10 triệu đô la đầu tư cho công nghệ có thời hạn khoảng 10 năm. “Tôi làm như vậy (vì) nếu các doanh nghiệp không chuyển đổi (thì) bị đào thải ngay lập tức”, ông Thắng nói trong bối cảnh giá nhân công ngày càng tăng, thâm dụng lao động không còn là lợi thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới