(KTSG) - Như một trợ lực cho quá trình sắp xếp, tinh giản bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động, hành trình chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan nhà nước đang đi tới đâu, đang vướng gì, làm thế nào để đến đích hứa hẹn “hoa tươi trái ngọt”? Trên hành trình chuyển đổi số, một điều quan trọng là làm thế nào để có nhân lực số đủ năng lực số...
- Thủ tướng yêu cầu hoàn thành đề án chuyển đổi số trước cuối năm 2025
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Phổ cập về chuyển đổi số cho toàn dân là vấn đề cấp thiết
Ở một tỉnh, công chức phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) của sở giáo dục và đào tạo chia sẻ những nỗi gian truân trong chuyển đổi số. Trước đây, sở này có phòng CNTT gồm bốn người, nhưng hai năm trước phòng đã bị giải thể, chỉ còn một mình anh phụ trách mảng này cho toàn bộ ngành giáo dục, đủ các việc đều đổ lên đầu, từ lo bảo đảm hệ thống thông tin điện tử của ngành, phần mềm, phần cứng, hướng dẫn, cho đến đầu mối tập huấn các trường...
Thậm chí như để bảo đảm chỉ tiêu 100% nhân sự ngành giáo dục ở tỉnh cài đặt VNeID, riêng việc trả lời thắc mắc, hướng dẫn các trường, các thầy cô giáo đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, năng lượng. Anh nói: “Thực sự tôi thấy cạn kiệt sức lực, “oải” lắm rồi, mà vẫn phải cố gắng làm, vì còn ai đâu. Nhưng tôi không biết còn cố được bao lâu nữa”. Trường hợp này là điển hình cho hầu hết những khó khăn, hạn chế trong chuyển đổi số ở khu vực nhà nước: con người, cơ chế tài chính, dữ liệu, đánh giá, quy trình, phối hợp...
Chuyển đổi số: thiếu người làm, khó chi tiền, ít khai thác dữ liệu
Thiếu người làm:
Câu chuyện của công chức CNTT nói trên cho thấy rõ những vướng mắc về nhân lực, sử dụng nhân lực hiện nay ở các địa phương trong chuyển đổi số. Để triển khai hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, ứng dụng, nền tảng mới, chưa kể những việc “trên trời rơi xuống” như hướng dẫn cài đặt VNeID, chỉ có một đến hai người có chuyên môn CNTT ở một sở, ngành hoặc văn phòng UBND cấp huyện. Tình trạng quá tải công việc, dẫn đến căng thẳng, thiếu động lực làm việc đã xuất hiện.
Trong khi đó, ở các tỉnh, thành đều có đơn vị sự nghiệp công lập CNTT có thể làm những việc chuyên môn, kỹ thuật cho các sở, ngành, nhưng lại thiếu cơ chế, nhất là cơ chế tài chính để bên có “cầu” chi trả để tận dụng nhân lực của bên có “cung”.
Trong số các kỹ năng mới đối với những người không chuyên về công nghệ, điều đặc biệt quan trọng là nhận diện và đặt ra những “bài toán” ứng dụng công nghệ để cùng với người làm công nghệ “giải bài toán”, kiểm chứng “đáp án” trên thực tế.
Đặc biệt, nhân lực lõi trong chuyển đổi số - công chức, viên chức có chuyên môn CNTT, công nghệ số - vẫn còn “mỏng”, chưa được trang bị chuyên môn liên quan tới công nghệ tiên tiến (ví dụ như trí tuệ nhân tạo - AI, phân tích dữ liệu). Hạn chế này gặp phải trở ngại về biên chế, lương thưởng, khó có thể tuyển dụng “nhân tài” công nghệ từ các trường hay khu vực tư.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn phụ thuộc vào nhân sự ở các ngành khác, nhưng họ lại thiếu năng lực ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực được giao phụ trách như nông nghiệp, du lịch, môi trường. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi số cho công chức, viên chức mới chỉ tác động được đến nhận thức, chưa bước vào giai đoạn giới thiệu, đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong công việc hàng ngày; đặc biệt là các kỹ năng như phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ cho công việc hiện hành.
Khó chi tiền cho sản phẩm, dịch vụ số:
Chủ một doanh nghiệp CNTT kể, anh chia sẻ với lãnh đạo một thành phố lớn giải pháp công nghệ AI có thể phục vụ việc điều hành của chính quyền. Để có sự cam kết, anh đề xuất thành phố tạm bỏ ra một nửa chi phí ban đầu như một khoản vay, doanh nghiệp sẽ trả dần. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố trả lời: Anh ơi, giờ tôi ký chi mấy chục triệu đồng còn khó, nói chi một khoản như thế. Trên thực tế, ở một địa phương lớn, trong sáu tháng đầu năm 2024 không giải ngân được đồng ngân sách nào cho chuyển đổi số.
Nhiều địa phương khi xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC) chỉ thanh toán được một phần chi phí (cho dịch vụ thuê đường truyền dữ liệu), còn dịch vụ khác rất khó thanh toán. Hoặc trong ngành y tế, các bệnh viện công gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư vào CNTT phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bởi lẽ, cho đến cuối năm 2024, vẫn còn thiếu các quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chi phí CNTT; chưa có mục chi cho công nghệ, ví dụ chi trả khi ứng dụng phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim.
Theo ý kiến của các chuyên gia, Nhà nước sẽ là “khách hàng” lớn nhất “mua” các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, ví dụ như các giải pháp AI dùng trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, như các trường hợp nói trên và nhiều vụ việc khác cho thấy, do vướng mắc về “định giá dịch vụ CNTT” mà cả hai phía “cung” và “cầu” đều không thể thuê, mua - bán dịch vụ cho nhau. Các bên có thể định lượng được giá thuê đường truyền Internet, thuê dịch vụ lưu trữ dữ liệu.
Trong khi đó, phần mềm về bản chất là tài sản trí tuệ vô hình, khó định giá do liên quan đến yếu tố “chất xám”, liên quan đến cung - cầu, cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, khi cơ quan nhà nước mua sắm gói thầu phần mềm, các đơn vị cung cấp dịch vụ chào với các mức giá khác nhau; nếu bị thanh tra, kiểm tra thì khó giải trình, dẫn đến cơ quan nhà nước sợ sai, không dám mua sắm. Đồng thời, tình trạng này cũng có thể tạo ra rủi ro thất thoát, lợi dụng sự không thống nhất để móc ngoặc, trục lợi.
Dữ liệu ít được khai thác:
Người viết bài này được đến thăm một IOC ở một địa phương và được biết, trung tâm này cho ra hàng trăm báo cáo tổng hợp, phân tích dữ liệu từ các nguồn trên toàn tỉnh, gửi cho lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, trở thành một nguồn đáng tin cậy giúp lãnh đạo các cấp ra quyết định điều hành, xây dựng chính sách. Trong đó có “dữ liệu hiện trường” phản ánh các ý kiến, yêu cầu từ người dân, đã tăng hiệu quả phục vụ, nhất là với các vấn đề dân sinh trong đời sống hàng ngày.
Trong ngắn hạn và trung hạn, việc khai thác tiềm năng dữ liệu sẽ giúp cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Về dài hạn, chiến lược và lộ trình “mở” kho tài nguyên dữ liệu một cách hợp lý có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo thêm động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao hiệu suất của nền kinh tế.
Trên phạm vi toàn quốc, cả ở trung ương và địa phương, đã có những trường hợp thành công về quản trị, khai thác, sử đụng dữ liệu để phục vụ công việc, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn, nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu, cho nên người dân, doanh nghiệp ở một số địa phương có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi thuận tiện nhất; không phải phụ thuộc nơi cư trú, nơi đăng ký hoạt động kinh doanh, hoặc nơi đặt trụ sở cơ quan có thẩm quyền. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người sống ở vùng miền núi, hải đảo, các thành phố lớn, làm việc xa nơi cư trú, những người di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Tuy tiềm năng đầy hứa hẹn, nhưng hiện thực hóa những cơ hội mà dữ liệu mang lại cho chính quyền số còn nhiều trắc trở, còn nhiều vướng mắc, hạn chế trong khai thác dữ liệu. Chẳng hạn, ngược lại với trường hợp IOC nói trên, có những nơi IOC dù cấp khá nhiều tài khoản cho lãnh đạo, chuyên viên, nhưng tỷ lệ sử dụng rất thấp; hơn nữa, mặc dù nắm lượng dữ liệu lớn, các IOC này chỉ như một bảng thông tin (dashboard) hiện thị các con số thống kê đơn giản. Nói chung, các thách thức lớn nhất ở đây là: thiếu một tầm nhìn rõ ràng, đi kèm với một kế hoạch hành động, xác lập thứ tự ưu tiên về khai thác dữ liệu; chưa ý thức được và chưa có những biện pháp cụ thể bảo vệ an toàn dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của công dân.
Đồng thời, ngoài một số cơ sở dữ liệu quốc gia, chưa có nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thiện, chia sẻ dữ liệu rộng khắp cho các bộ, ngành, địa phương khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp vẫn phải điền cùng một loại thông tin nhiều lần khi làm thủ tục hành chính do tỷ lệ tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp (đến năm 2024, các bộ, ngành chỉ đạt 1,13%; các địa phương chỉ đạt 10,35%).
Chuyển đổi số: Chuyển đổi sang tư duy số, năng lực số
Thay đổi tư duy:
Chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi tư duy. Đó không phải là các dự án công nghệ thông tin, đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, triển khai xong phần mềm là hoàn thành chuyển đổi số; cũng không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành dọc thông tin và truyền thông. Hạ tầng - kỹ thuật chỉ mới là những “viên gạch” đầu tiên; bước tiếp theo là khai thác giá trị của hạ tầng số, dữ liệu số, của công cụ số để đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc, của toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, quản trị quốc gia và địa phương.
Tư duy chuyển đổi số cần chú trọng hướng tới “kết quả đầu ra” từ những “đầu vào” đã có như hệ thống CNTT, phần mềm, các lớp đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Ví dụ, các tỉnh đã xây dựng IOC, đã cấp một số lượng tài khoản sử dụng dịch vụ. Bước tiếp theo là đánh giá có bao nhiêu tài khoản thực sự sử dụng hàng ngày, hàng tuần; việc sử dụng đã mang lại thông tin gì, giúp lãnh đạo như thế nào trong công việc. Đồng thời, cần tránh chạy theo một số chỉ tiêu chưa phù hợp, có phần hình thức, tạo áp lực nặng nề cho công chức, viên chức, dàn trải nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực.
Tư duy “quản trị số” là yếu tố cốt lõi trong xây dựng, thực thi chính sách về dịch vụ công, từ quy trình, thủ tục đến hình thức và phương tiện cung cấp; đòi hỏi tháo gỡ rào chắn là ranh giới về mặt hành chính đối với nhiều thủ tục. Nhiều yêu cầu trước đây về quy trình, thủ tục không còn phù hợp trong điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tư duy này cũng đòi hỏi sự tương tác giữa chính quyền và người dân trên các nền tảng số, giảm dần tương tác trực tiếp giữa người với người trong cung ứng và sử dụng dịch vụ công.
Khai thác dữ liệu:
Trong ngắn hạn và trung hạn, việc khai thác tiềm năng dữ liệu sẽ giúp cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Về dài hạn, chiến lược và lộ trình “mở” kho tài nguyên dữ liệu một cách hợp lý có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo thêm động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao hiệu suất của nền kinh tế.
Lộ trình “mở” dữ liệu để khai thác đi qua các bước, với thứ tự ưu tiên gồm: khai thác nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong cùng ngành (chiều dọc); cùng địa phương (chiều ngang); “mở” có thu phí đối với một số giao dịch dữ liệu (ví dụ dịch vụ xác thực eKYC); và sau cùng là dữ liệu mở (open data). Điều đặc biệt quan trọng là bảo vệ dữ liệu cá nhân - yếu tố không thể thiếu trong thu thập, xử lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước.
Chi tiền cho công nghệ:
Đặc điểm của công nghệ số như AI là phát triển rất nhanh chóng, lại vô hình, nhiều khi chỉ ở dạng ý tưởng. Cho nên, đầu tư cho công nghệ trong tiến trình chuyển đổi số cần một cơ chế tài chính phù hợp, linh hoạt hơn nhiều, chứ không thể tính toán như cân sắt, tạ gạch. Đồng thời, sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ là yếu tố thúc đẩy, hỗ trợ tiến trình chuyển đổi số. Muốn như vậy, tư duy “đầu tư” cho CNTT theo từng “dự án” cần được chuyển sang tư duy “mua” dịch vụ công nghệ của doanh nghiệp. Điều này cho phép tăng tính hiệu quả của đầu tư nhờ sử dụng dịch vụ, ví dụ dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên “điện toán đám mây”, giúp dễ dàng triển khai công nghệ như dữ liệu lớn (big data), AI.
Nhân lực số, năng lực số:
Do khó có thể tăng lương “cứng” cho người làm công nghệ trong khu vực nhà nước, nhằm thu hút và giữ chân nhân lực CNTT, cần tạo môi trường linh hoạt để họ có thêm thu nhập chính đáng từ việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm công nghệ cho các cơ quan nhà nước khác. Nhóm nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước cần được đào tạo lại (re-skilling) và đào tạo nâng cao (up-skilling) để bắt kịp với những bước phát triển mới của công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công việc quản lý nhà nước. Đồng thời, chuyển đổi số là sự xâm nhập của công nghệ vào các công việc hiện hữu của tất cả các ngành, cho nên nhân lực nói chung cũng phải biết cách làm chủ công nghệ số trong công việc của mình.
Trong số các kỹ năng mới đối với những người không chuyên về công nghệ, điều đặc biệt quan trọng là nhận diện và đặt ra những “bài toán” ứng dụng công nghệ để cùng với người làm công nghệ “giải bài toán”, kiểm chứng “đáp án” trên thực tế. Như vậy, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức cần phải thay đổi, tích hợp những nội dung này để có nhân lực số đủ năng lực số trên hành trình chuyển đổi số.
(*) Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông