(KTSG) - Câu chuyện đồng bảng Anh chao đảo, thị trường tài chính hỗn loạn trong tuần rồi là một dịp rất tốt để phân tích vì sao một chính sách kinh tế vội vàng, thiếu sự phối hợp giữa tiền tệ và tài khóa, có thể gây hại ngay tức khắc cho nền kinh tế.
- Kinh tế Anh: ly nước nửa đầy hay nửa vơi...
- Anh và EU nhất trí quy định hậu Brexit về các dịch vụ tài chính
Bà Liz Truss, người vừa lên làm Thủ tướng thay cho ông Boris Johnson, rất hâm mộ đường lối kinh tế của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher nên vừa nhậm chức đã đưa ra một loạt quyết định quan trọng theo hướng cắt giảm thuế để thúc đẩy sức mạnh của kinh tế thị trường. Cắt giảm thuế, nới lỏng các quy định, theo suy nghĩ của chính phủ mới, sẽ tạo động lực cho người giàu rót tiền ra làm ăn, kinh tế khởi sắc, rồi “mưa dầm thấm lâu” - lợi ích chính sách sẽ lan tỏa xuống các tầng lớp khác.
Thế nhưng “thiên không thời, địa không lợi” cho chính sách này vì cắt giảm thuế ngân sách sẽ thiếu hụt, lấy tiền đâu để chi vào những khoản cấp thiết như trợ cấp giá năng lượng cho người dân khi mùa đông đang đến, xăng dầu, khí đốt đều thiếu hụt vì chiến tranh ở Ukraine. Thị trường nghĩ chắc chắn Chính phủ Anh sẽ phải “in tiền” thêm để chi, nói đúng ra là phát hành trái phiếu để vay nợ. Trong bối cảnh lạm phát đang cao (10% vào tháng 8), lãi suất sẽ tăng, gánh nặng nợ chưa gì đã đè lên viễn cảnh kinh tế Anh trong thời gian tới. Vậy nên thị trường phản ứng, giá bảng Anh sụt mạnh, sụt với tốc độ không gì ngăn nổi, có lúc sụt về mức 1 bảng bằng 1,035 đô la Mỹ rồi mới phục hồi. Đó là sai lầm thứ nhất.
Trong bối cảnh đó, để chặn đà sụt giảm giá trị bảng Anh, cách sáng suốt nhất là nâng lãi suất và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã đưa ra những tuyên bố theo hướng đó. Mặc dù BoE duy trì vị trí độc lập đối với Chính phủ Anh, nhưng họ vẫn chỉ tuyên bố chung chung chứ không mạnh dạn nâng lãi suất ngay. Đó là bởi phía chính phủ, cụ thể là Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng vẫn ra trước Hạ viện nước này, nói rõ sẽ cắt giảm thuế mạnh hơn nữa (trị giá lên đến 45 tỉ bảng) để kích thích nền kinh tế như bỏ luôn mức thuế cao nhất 45% cho ai có thu nhập từ 150.000 bảng trở lên. Bên tiền tệ muốn nâng lãi suất để làm nguội nền kinh tế nhằm chống lạm phát, duy trì tỷ giá; bên tài khóa tìm mọi cách kích cầu, kích cung - chỏi nhau như thế nên thị trường càng hoảng loạn. Đó là sai lầm thứ hai. Ngay chính Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng phê phán kế hoạch của ông Kwarteng.
Thế nhưng “thiên không thời, địa không lợi” cho chính sách này vì cắt giảm thuế ngân sách sẽ thiếu hụt, lấy tiền đâu để chi vào những khoản cấp thiết như trợ cấp giá năng lượng cho người dân khi mùa đông đang đến, xăng dầu, khí đốt đều thiếu hụt vì chiến tranh ở Ukraine
Nhà kinh tế Paul Krugman so sánh tình hình bây giờ như nước Anh năm 1976, khi bảng Anh cũng rơi vào khủng hoảng do thâm hụt ngân sách và lạm phát cao. Lúc đó nước Anh phải quay sang nhờ vả IMF và chịu ràng buộc phải cắt giảm chi tiêu công. Ông này còn so sánh thêm một cuộc khủng hoảng bảng Anh khác vào năm 1992 khi giới đầu cơ, nổi bật có George Soros, quyết định “đánh xuống” đồng bảng vì họ tiên đoán trước sau gì Anh cũng “hết đạn” và phải để đồng bảng mất giá. Đúng là lúc đó muốn duy trì tỷ giá Anh phải nâng lãi suất, nhưng nâng lãi suất sẽ dẫn tới thất nghiệp cao hơn, tiền trả góp mua nhà tăng vọt, hàng triệu người sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn. Cuối cùng nước Anh đầu hàng để bảng Anh sụt giá và George Soros thắng đậm.
Một khi thị trường hoảng loạn, nhà đầu tư sẽ bán tống bán tháo các tài sản liên quan đến bảng Anh như trái phiếu dài hạn họ đang nắm giữ. Lãi suất trái phiếu dài hạn thường cố định nên mỗi khi nhà đầu tư tìm cách bán đi, họ phải giảm giá - hay nói cách khác lúc đó lợi suất trái phiếu sẽ tăng vọt để bù đắp cho người mua mới. Tuần trước, lợi suất trái phiếu 10 năm của Chính phủ Anh có lúc tăng đến 4,59%, mức cao nhất tính từ năm 2008; lợi suất trái phiếu 30 năm lần đầu tiên vượt mốc 5% kể từ năm 2002.
BoE buộc phải tạm ngưng chuyện chống lạm phát, tuyên bố họ sẵn sàng mua lại không hạn chế các trái phiếu dài hạn trên thị trường để trấn an thị trường tài chính, có thể lên đến 5 tỉ bảng mỗi ngày trong vòng 13 ngày tới. Lợi suất trái phiếu ngay sau đó giảm mạnh, lợi suất trái phiếu 30 năm giảm 1 điểm phần trăm, còn 4%. Đồng bảng Anh phục hồi đôi chút nhưng triển vọng không có gì sáng sủa vì mục tiêu lâu dài của ngân hàng trung ương nước này là ngược lại, bán chứ không phải mua trái phiếu. Tờ Economist cho rằng thị trường dự báo có đến 40% khả năng bảng Anh rơi về ngưỡng bằng đô la Mỹ! Nhiều nhà phân tích thậm chí còn so sánh nước Anh với những nền kinh tế mới nổi hay đang phát triển. BoE phải đưa ra những chính sách hay tuyên bố chính sách mâu thuẫn để hóa giải các chính sách tài khóa sai lầm của Chính phủ Anh. Lẽ ra họ phải bán trái phiếu ra thị trường, hút tiền về để chống lạm phát; nay tạm thời phải mua trái phiếu để chặn đà giảm giá đồng bảng. Đây không hẳn là sai lầm nhưng là thế kẹt thứ ba của nước Anh hiện nay, đang gây bối rối, hoang mang cho thị trường.
Không những nền kinh tế Anh chịu ảnh hưởng, chính sách phục hồi tăng trưởng của tân Thủ tướng Truss xem như bị một đòn nặng khó có thể duy trì trước dư luận không thuận lợi suốt tuần qua. Bởi đồng bảng yếu sẽ nhập khẩu lạm phát, làm xói mòn thu nhập thật của người dân. Dù BoE mới chỉ nói về khả năng tăng lãi suất nhưng dấu hiệu họ sẽ tăng thật vào tháng 11 là rất rõ. Lúc đó chi phí sử dụng tiền chính phủ đi vay sẽ tăng, càng gây áp lực lên ngân sách. Một khi viễn cảnh ổn định chính trị là chưa đạt được, khó lòng kỳ vọng vào sự phục hồi tăng trưởng kinh tế.