(KTSG Online) – Việc các nền kinh tế lớn ở phương Tây duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến có thể khiến cho tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong năm tới, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế. Dự báo kém tích cực này được đưa ra trong bối cảnh mức tăng trưởng đã vượt xa kỳ vọng trong 2023.
- WB bi quan về kinh tế toàn cầu trong năm 2024
- Fed đưa lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm, không giảm trước 2024
GDP toàn cầu sẽ tăng 2,1% vào năm 2024, theo dữ liệu tổng hợp các dự báo của Công ty tư vấn Consensus Economics. Mức tăng trưởng này chậm hơn so với mức tăng 2,4% dự kiến trong năm nay.
Kể từ đầu năm, các nhà kinh tế đã nâng kỳ vọng tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2023 thêm 1 điểm phần trăm do nhu cầu tiêu dùng và thị trường lao động ở các nước phương Tây mạnh mẽ hơn dự báo.
Simon MacAdam, chuyên gia kinh tế toàn cầu cấp cao của Capital Economics, cho rằng một phần nguyên nhân khiến tăng trưởng toàn cầm chậm lại trong năm 2024 là do “một số hiệu ứng số học cơ bản”, tức sản lượng kinh tế tốt hơn trong năm nay khiến tăng trưởng chững lại trong năm tới. Tuy nhiên, ông giải thích thêm rằng, các nhà kinh tế cũng “thực sự trở nên bi quan hơn hơn về triển vọng vào năm 2024”.
Sự bi quan này xuất hiện khi họ tin rằng nhu cầu cao liên tục sẽ khiến lạm phát cao duy trì trong thời gian dài hơn, buộc các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến phải giữ chi phí đi vay ở mức cao trong năm tới.
“Nhu cầu dịch vụ hầu như không suy giảm, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và tiền lương tiếp tục tăng. Một số điểm yếu, được dự đoán cho năm nay, đang được đẩy sang năm 2024”, Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Citi, nhận định về nền kinh tế Mỹ.
Theo ông Nathan Sheets, nhiều nước bao gồm Mỹ sẽ chứng kiến cơn suy thoái, dù đến muộn hơn dự báo trước đây.
Cách đây vài tháng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, sức chống chịu tốt của nền kinh tế Mỹ có thể khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 5,5-5,75% trong cuộc họp vào tháng 9. Các nhà kinh tế hiện dự báo Fed chỉ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào mùa xuân năm sau.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, nhận định, nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế trong năm nay. Điều này có nghĩa là Fed sẽ giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn để dập tắt hoàn toàn lạm phát, “dẫn đến tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024”.
Ông Zandi nói thêm rằng, trong năm nay, nền kinh tế châu Âu cũng tăng trưởng “tốt hơn một chút so với lo ngại”, ngoại trừ Đức. Điều này cũng có thể khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
ECB đã tăng lãi suất tiền từ âm 0,5% vào tháng 6-2022, lên mức 3,75% hiện tại và dự kiến chưa bắt đầu cắt giảm sớm trong năm tới. Trong khi đó, BoE dự kiến tăng chi phí đi vay thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 5,75% vào cuối năm nay và được cho là sẽ không bắt đầu cắt giảm cho đến nửa cuối năm 2024.
Đà tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà kinh tế bi quan về năm 2024. Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của ngân hàng Barclays, cho rằng tăng trưởng suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mang tính “cấu trúc”.
“Xu hướng tăng trưởng toàn cầu chậm hơn nữa trong năm 2024 dường như khá rõ ràng”, Keller nói: Các nhà kinh tế dự đoán, do tác động của lãi suất cao, mức tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm xuống 0,6% vào năm 2024, từ mức 1,9% trong năm nay.
Anh và khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) có thể sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trì trệ trong năm nay lẫn năm 2024. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải xoay sở giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc và tình trạng suy yếu trong sản xuất và xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế dự báo nhu cầu nội địa mạnh mẽ sẽ giúp Ấn Độ duy trì động lực tăng trưởng tích cực trong năm năm 2024. Họ cũng ngạc nhiên với tốc độ tăng trưởng khả quan ở nhiều thị trường mới nổi, chẳng hạn như Brazil và Mexico trong năm nay.
Theo Financial Times