Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia lưu ý trái phiếu từ các công ty ‘vỏ bọc’

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chuyển sang giai đoạn phát triển theo hướng bền vững hơn từ quí 2 năm nay nhưng chất lượng phát hành sản phẩm chưa có sự thay đổi nhiều. Đây là đánh giá từ ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) tại một hội thảo về trái phiếu doanh nghiệp, và kèm theo lưu ý về việc cần quan sát kỹ trái phiếu phát hành từ các công ty "vỏ bọc".

trái phiếu doanh nghiệp .Ảnh minh hoạ: TTXVN

Tại cuộc hội thảo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ sự kiện ra mắt VIS Rating ở Hà Nội hôm 24-11, ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating, cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chuyển sang giai đoạn mới phát triển theo hướng bền vững hơn, sau một giai đoạn tăng trưởng nóng.

Từ năm 2017 đến năm 2023, thị trường trải qua 2 chu kỳ lớn và nay đang bắt đầu giai đoạn ổn định và phục hồi. Trong giai đoạn tăng trưởng nóng vào năm 2017, quy mô thị trường tính theo tổng mệnh giá trái phiếu lưu hành có giá trị 310.000 tỉ đồng, và đến cuối năm 2021, con số này là 1.469.000 tỉ đồng. Đây là mức tăng trưởng rất nhanh, với quy mô thị trường tăng lên 4,73 lần trong 5 năm. Đến thời điểm hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển ổn định hơn.

Bà Wendy Chong, Tổng giám đốc và Trưởng khu vực châu Á - TBD của Moody’s, tại sự kiện hôm 24-11 cho biết giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành của Việt Nam đạt khoảng 13% GDP vào cuối tháng 8-2023, điều này cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nợ.

Từ năm 2014, Bộ Tài chính đã ra quy định về xếp hạng tín nhiệm, mở ra yêu cầu có dịch vụ xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam. Nhưng do những quy định không bắt buộc đối với việc có xếp hạng nên thời gian qua, thị trường phát triển khá nhanh và bộc lộ nhiều điểm yếu. Trong khi kênh thông tin độc lập, minh bạch, đầy đủ cho các nhà đầu tư để tự đưa ra quyết định lại chưa có.

Các nhà phân tích ở VIS Rating cho rằng, ngay từ năm ngoái, những cú sốc về thanh khoản trong trái phiếu doanh nghiệp đã hiện rõ và điều này đã tạo ra nhiều vấn đề cho các nhà phát hành, dẫn đến xu hướng trả lãi và gốc trái phiếu không đúng hẹn. Vào đầu năm 2024 tới, tình trạng gia tăng các trái phiếu không được thanh toán gốc và lãi (Nghị định 08 của Chính phủ có hiệu lực hồi tháng 3-2023 sửa đổi, bổ sung một số quy định về trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường đã cho phép gia hạn thời gian đáo hạn tối đa 2 năm - PV) sẽ chậm lại. 81% lượng trái phiếu trên thị trường đã áp dụng cách xử lý đẩy nợ về tương lai. Trong số này chỉ có 19/148 trái phiếu thay đổi lãi suất cho trái chủ, số còn lại trái chủ không được lợi gì thêm.

Ông Trần Lê Minh cho biết việc phát hành mới trái phiếu đã bắt đầu quay lại từ quí 2 năm nay, nhưng chất lượng trái phiếu mới phát hành cần được quan sát kỹ. Trong số trái phiếu đã phát hành ra thị trường trong 10 tháng đầu năm nay, chỉ có 11,4% là phát hành ra công chúng, còn lại phần lớn vẫn là phát hành riêng lẻ.

Đặc biệt, số trái phiếu của các công ty SPE (Special Purpose Entities) – được hiểu là các công ty “vỏ bọc”, được thành lập với mục đích chỉ để huy động vốn đang tăng nóng trở lại.

VIS Rating nhận diện các công ty loại này theo bộ chỉ số riêng, và nhận thấy các doanh nghiệp này không có dòng tiền, không có hoạt động để trả nợ nhưng vẫn phát hành trái phiếu.

Sau một thời gian thị trường bị siết chặt, tưởng rằng các công ty SPE sẽ bị hạn chế hơn nhưng trên thực tế, giá trị trái phiếu phát hành ra thị trường qua kênh này vẫn tăng lên. Nếu như trong năm 2022, số doanh nghiệp SPE phát hành đạt giá trị 29.000 tỉ đồng (chiếm 26% tổng giá trị phát hành trái phiếu), thì đến hiện tai, các SPE đã phát hành lượng trái phiếu doanh nghiệp đạt giá trị 38.000 tỉ đồng, chiếm 35% tổng giá trị phát hành trái phiếu và đạt tỷ lệ phát hành cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, theo ông Minh, các doanh nghiệp “vỏ bọc” vẫn phát hành trái phiếu ra thị trường rất nhiều.

Moody’s, một trong số những tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đã chính thức bước chân vào thị trường tài chính ở Việt Nam bằng cách góp 49% vốn với 5 cổ đông là các định chế tài chính trong nước (mỗi đơn vị sở hữu 10,2%) để thành lập VIS Rating. VIS Rating được Bộ Tài chính cấp giấy phép hoạt động từ tháng 9-2023 sau thời gian thẩm định kéo dài, và là doanh nghiệp thứ ba được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

 

 

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngày trước chỉ NHNN được phát hành trái phiếu. Giờ thì tư nhân cùng tham gia. Việc này rất tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nữa với các cá thể làm ăn thực sự có bản chất tốt với cộng đồng nhà đầu tư. Niềm tin là thứ vô hình khi mất đi rồi rất khó có thể lấy lại được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới