Chủ Nhật, 18/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chuyện lòng tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện lòng tin

Quang Dũng (Paris)

Chuyện lòng tin
Quan hệ giữa nữ Thủ tướng A. Merkel (Đức) và Tổng thống Obama (Mỹ) xấu đi vì vụ bê bối nghe lén. Ảnh Guardian.com

(TBKTSG Online) – Khủng hoảng lòng tin hiện nay giữa châu Âu và Mỹ, gây ra từ vụ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nghe lén điện thoại của các nhà lãnh đạo châu Âu, bỗng dưng làm châu Âu đoàn kết lại.

Sau vài năm sống ở Pháp, mấy hôm trước lần đầu tiên tôi phải tìm đến Sở cảnh sát thành phố. Chuyện thực ra không có gì: con trai tôi đi xe đạp ra công viên gần nhà đá bóng với bạn và bị một cậu thiếu niên 15-16 tuổi ngang nhiên lấy xe đi, bất chấp sự phản đối của con tôi. Thành phố nhỏ, bọn trẻ biết mặt nhau hết. Mới đầu thì nghĩ là đùa nghịch nhưng mãi không thấy mang xe lại trả, đòi lại cũng không trả, thế là cậu con trai tôi về nhà mách. Hai cha con quyết định đợi sang ngày hôm sau xem sao. Hôm sau ra đường, thấy cậu thiếu niên kia vẫn ngang nhiên đi xe đạp của mình, con tôi lại chạy tới đòi. Vẫn không trả, thậm chí còn chửi lại. Thế là không phải đùa rồi.

Thú thực là chiếc xe giá trị không lớn, báo cảnh sát có vẻ như là làm to chuyện. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại hai cha con vẫn quyết định đến báo cảnh sát. Lấy lại cái xe là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là cần phải đưa ra một lời cảnh báo để tránh các lần sau. Cậu thiếu niên kia bị gọi lên đồn với cái xe đạp.Và khi chiếc xe được trả lại cho con tôi thì cậu thiếu niên này cũng bị đặt dưới sự giám sát của một thẩm phán chuyên thụ lý các vụ việc với trẻ thành niên.

Hôm sau ra đường, gặp lại con trai tôi, cậu thiếu niên trách móc là làm to chuyện, rằng “tao chỉ định đùa, chơi vài ngày sẽ mang trả mày”. Cậu con trai tôi chỉ nói “tao không tin”.

*

Kể câu chuyện trẻ con này, tự dưng lại tôi lại bật cười nhớ đến những câu trả lời tương tự và cách đối đáp giữa các chính trị gia châu Âu và Mỹ khi tuần qua bùng nổ scandal Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén các đồng minh châu Âu. So sánh như thế thì thật không phải chút nào nhưng đúng là đôi khi, tự trào một chút cũng là một cách hay để nhẹ hóa những chuyện đau đầu.

“Tôi không tin, không thể tin được, không thể chấp nhận được”, đó là phản ứng đầu tiên của một quan chức Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls, ngay sau khi tờ Le Monde giải mật tài liệu do Edward Snowden gửi đến cho thấy NSA không chỉ thực hiện nghe lén gần trăm triệu cuộc điện thoại của công dân và doanh nghiệp Pháp trong hơn một năm mà còn nghe lén cả các phái đoàn ngoại giao, các quan chức cao cấp.

“Việc đâu có nghiêm trọng thế”, các quan chức Mỹ cố gắng làm nhẹ chuyện. Báo chí Mỹ thì thẳng tưng “dân Pháp các ông đúng là đạo đức giả. Chính các ông còn nghe trộm công dân của các ông thì sao lại chỉ trích chúng tôi”.

Đúng là có chuyện đó thật. Vài tháng trước, chính tờ Le Monde hé lộ Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp (DGSE) cũng nghe trộm và theo dõi vài trăm nghìn công dân, doanh nghiệp Pháp. Lý luận của người Mỹ không phải không có lý, “anh nghe lén tôi, tôi nghe lén anh, đó là một cuộc chơi”.

Có điều là cuộc chơi này không đơn giản. Tiếp bước tờ Le Monde, tờ Guardian (Anh) tung ra tin động trời hơn: NSA nghe lén 35 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó nêu đích danh nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Thế là to chuyện rồi. Đọc tờ Guardian ngày 24-10 vừa thấy thú vị vừa buồn cười: ảnh bà Merkel đang áp điện thoại di động bên tai, mắt hằm hè, với cái tít báo trên đầu “Merkel gọi Obama: cậu nghe trộm điện thoại của tôi đấy à?”

*

Tôi cứ hình dung thô thiển là nước Mỹ giống như cậu thiếu niên lớn trong câu chuyện mà tôi kể đầu bài, có sức mạnh hơn nhưng lại thích đùa dai, thành ra quá trớn. Còn châu Âu thì lẽo đẽo chạy theo, nhẹ nhàng nài nỉ không được thì cáu lên.

Cái gì đi quá giới hạn đều không tốt. “Khi đã là đồng minh của nhau, lại là đồng minh thân cận, người ta không hành xử như thế”, cái lý của bà Merkel cũng thuyết phục không kém cách biện hộ của người Mỹ. Dĩ nhiên, ở thời đại công nghệ này, chẳng ai ngây thơ mà tin rằng các đối tác không có sự dè chừng, theo dõi lẫn nhau.

Nhưng đây cũng không còn là thời của chiến tranh lạnh. Sau sự kiện 11-9, Mỹ và châu Âu liên kết chặt chẽ trong chuyện tình báo. NSA có thể lục lọi thông tin tài chính về các cá nhân, tổ chức trong kho dữ liệu Swift, liên minh thông tin tài chính ngân hàng đặt trụ sở tại Brussels. Dân châu Âu giật mình khi biết mỗi tháng có vài trăm nghìn dữ liệu tài chính cá nhân và tổ chức được chuyển sang bên kia Đại Tây Dương; đương nhiên là dưới cái mác an ninh và chống khủng bố

Sự dễ dãi đó của châu Âu sẽ không còn nữa. Nghị viện châu Âu quyết định tạm dừng hợp tác chia sẻ dữ liệu tài chính còn Ủy ban châu Âu thì tuyên bố không loại trừ khả năng tạm hoãn các vòng đàm phán về Hiệp định tự do thương mại liên Đại Tây Dương. Đó là một cách trả đũa nhưng cũng là một phản ứng thực tế bởi đàm phán hiệu quả làm sao được khi anh chưa nói ra người Mỹ đã biết anh định nói gì.

Cái vui là đôi khi những sự cố mang lại sự tích cực. Khủng hoảng lòng tin hiện nay giữa châu Âu và Mỹ bỗng dưng làm châu Âu đoàn kết lại: bà Merkel và ông Hollande chẳng hạn, đã lần đầu tiên đồng tâm hiệp lực trong nỗ lực xử sự cứng rắn hơn với anh bạn lớn nhiều tham vọng.

Cũng phải thôi, thế giới đâu có anh cảnh sát nào để mà trình báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới