Thứ sáu, 25/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyện trách nhiệm pháp lý của thành viên HĐQT

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện trách nhiệm pháp lý của thành viên HĐQT

Mỹ Lệ

Chuyện trách nhiệm pháp lý của thành viên HĐQT
Ông Nguyễn Tiến Lập.

(TBKTSG) - Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và việc chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh của các nhà quản trị. Giới doanh nhân đặt nhiều câu hỏi về nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý của họ, đặc biệt là về trách nhiệm hình sự. TBKTSG trao đổi với ông Nguyễn Tiến Lập (luật sư, nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia, Mỹ) xung quanh mối quan tâm này.

TBKTSG: Luật Doanh nghiệp có quy định quyền và nghĩa vụ của hội đồng quản trị (HĐQT) và thành viên HĐQT. Từ đây có thể hình dung trách nhiệm (hình sự và trách nhiệm khác) của các thành viên HĐQT như thế nào nếu có sự vi phạm?

- Ông Nguyễn Tiến Lập: Là một người quản lý doanh nghiệp, dù là thành viên HĐQT, tổng giám đốc hay nắm giữ một chức danh quản lý khác, thì trước hết phải chịu trách nhiệm dân sự với doanh nghiệp theo quy định của hợp đồng lao động, điều lệ công ty hoặc Luật Doanh nghiệp. Tại sao lại đặt hợp đồng lao động và điều lệ công ty lên trước? Bởi vì thông thường Luật Doanh nghiệp chỉ quy định các nguyên tắc chung, như thành viên HĐQT và tổng giám đốc phải trung thành với lợi ích công ty và cổ đông, đồng thời hành xử mọi công việc theo chức năng và nhiệm vụ của mình một cách trung thực, cẩn trọng với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trên nguyên tắc ấy, điều lệ công ty và tiếp đó là hợp đồng lao động hoặc các quy chế nội bộ công ty sẽ quy định chi tiết hơn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, cần hiểu là nếu ai đó vi phạm nghĩa vụ thì sẽ chịu các hình thức “kỷ luật” như miễn nhiệm, cách chức, cắt thưởng... và đương nhiên phải bồi thường các thiệt hại vật chất gây ra đối với công ty. 

Với trách nhiệm hình sự thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Dù ở đâu thì trách nhiệm hàng đầu của nhà doanh nghiệp vẫn là làm ăn đúng pháp luật. Tuân thủ luật pháp đã trở thành tiêu chuẩn chung, có ý nghĩa bắt buộc.

Pháp luật nước ta chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Nhưng giả sử có quy định, chẳng hạn nếu như một doanh nghiệp bị khởi tố hình sự, thì mức độ chịu trách nhiệm cá nhân của thành viên HĐQT và các chức danh quản lý công ty sẽ rất lớn và rất rộng. Ví dụ một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cấm thì ngoài việc doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền và có thể phải ngừng hoạt động, những người quản lý doanh nghiệp có liên quan, dù gián tiếp, còn có thể bị phạt tù.

Trong khi đó, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, khi có hành vi phạm tội xảy ra tại doanh nghiệp, thì mặc dù doanh nghiệp ấy không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng các cá nhân liên quan, không phụ thuộc vào việc anh có cương vị quản lý hay không, vẫn phải chịu trách nhiệm. Và đó là trách nhiệm riêng lẽ của từng cá nhân như một người thông thường, gắn với việc thực hiện tội phạm.

TBKTSG: Quyết định của HĐQT là quyết định tập thể, biểu quyết theo đa số trong khi trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân. Liệu có thỏa đáng hay không, với những điều ông nêu ở trên?

- Tính chất tập thể của quyết định của HĐQT chỉ có ý nghĩa với công ty, tức trở thành hành vi của pháp nhân bởi HĐQT là một cơ quan quyền lực của công ty. Quyết định đó, nếu trái luật, có thể bị tòa án tuyên vô hiệu. Còn các cá nhân tham gia việc thông qua quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, một khi tội phạm được cấu thành theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, cá nhân phản đối quyết định sai trái của tập thể HĐQT sẽ được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên đó là trách nhiệm về dân sự đối với công ty, còn trách nhiệm hình sự được quy định duy nhất trong Bộ Luật hình sự.

TBKTSG: Có loại trừ trường hợp nào không, ví dụ như khi có một thành viên HĐQT bỏ phiếu chống hay không bỏ phiếu trong quá trình ra quyết định của HĐQT?

- Theo tôi hiểu thì không có trường hợp ngoại lệ nào, xét từ góc độ tư cách cá nhân của một người khi tham gia HĐQT, như anh là đại diện cho nguồn vốn hay loại cổ đông nào. Trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm cao nhất, và đặc thù ở chỗ nó gắn với cá nhân người phạm tội, chẳng hạn như anh đại diện cho phần vốn nhà nước và được cấp trên ra lệnh biểu quyết tán thành, mà anh biết rằng việc đó phạm luật thì anh có quyền và nghĩa vụ kháng lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hành chính hay dân sự. Tuy nhiên sau đó, nếu anh lại im lặng mà không “tố giác tội phạm”, thì rất có thể anh cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với tội danh khác.

TBKTSG: Trong phạm vi phân quyền và nghĩa vụ giữa HĐQT và tổng giám đốc/giám đốc/người thừa hành khác hiện nay, dễ có tranh cãi tôi chỉ ra chủ trương chung, ai biểu anh làm bậy thì anh phải chịu? Thực tế đang diễn ra như thế nào, theo ông?

- Điều này rất phức tạp nên không thể nói một cách nguyên lý, mà phải xem xét từng tình huống cụ thể. Chẳng hạn như HĐQT ra quyết định về chủ trương, nhưng mức độ rõ ràng của chủ trương ấy đến đâu, để tổng giám đốc có thể lấy đó làm căn cứ thực hiện. Ngoài ra, nếu tổng giám đốc hiểu sai chủ trương dẫn đến làm sai, cũng giống như trường hợp thông tư trái luật, thì còn có khâu giám sát, kiểm tra, để ngăn cản thực hiện hoặc hủy bỏ quyết định của tổng giám đốc. Tuy nhiên, khi xem xét về khía cạnh hình sự thì câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là việc ấy trước hết có trái với điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp hay không đã.

Nói như vậy nhưng theo kinh nghiệm cá nhân tôi, hiện nay, trong nhiều doanh nghiệp của nước ta, tình trạng các chức danh quản lý, ngay cả HĐQT hay tổng giám đốc, không tuân thủ điều lệ công ty vẫn diễn ra. Và điều đó dẫn tới việc tranh cãi về trách nhiệm khi có sai phạm xảy ra. Câu hỏi cần đặt ra là cá nhân anh đã hoàn thành trọng trách quản lý theo các nguyên tắc về trách nhiệm như Luật Doanh nghiệp quy định hay chưa.

TBKTSG: Nhiều người nói kinh doanh là nghề mạo hiểm, cứ bỏ vốn ra nhiều, ngồi vào ghế HĐQT mà lơ tơ mơ thì đi tù như chơi. Trong khi ta có quy định chuẩn hóa chức danh giám đốc một số ngành nghề thì chức danh thành viên HĐQT hình như không có? Theo ông, người ngồi “ghế nóng” nên như thế nào?

- Tôi không tán thành kinh doanh là “nghề mạo hiểm”, nhưng đó là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro. Quan trọng nhất là rủi ro về thị trường, dẫn đến mất tiền bạc. Dù ở đâu thì trách nhiệm hàng đầu của nhà doanh nghiệp vẫn là làm ăn đúng pháp luật, mặc dù trên thực tế nhiều khi phải thừa nhận rằng nếu làm đúng luật thì rất khó, lãi ít hay thậm chí không có lãi. Nhưng tuân thủ luật pháp đã trở thành tiêu chuẩn chung, có ý nghĩa bắt buộc.

Chưa nói tới trong điều kiện hiện nay, một tiêu chuẩn toàn cầu khác đang được áp dụng, đó là kinh doanh gắn với đạo đức, trách nhiệm xã hội và bảo đảm quyền con người. Kinh doanh là hoạt động thực tiễn, cho nên với các nhà quản trị doanh nghiệp theo tôi không nhất thiết cần tiêu chuẩn hóa. Nhưng có một yêu cầu luôn luôn đúng đắn, đó là họ nên và cần sử dụng luật sư và các tư vấn chuyên nghiệp cho hoạt động hàng ngày của mình, kể cả những người xuất chúng nhất, được cho là am hiểu mọi điều.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới