Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm: cần cơ chế ngừa doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi

Hoài Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính sách hậu kiểm cần có cơ chế kiểm soát đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả để tránh tình trạng lợi dụng cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Cơ chế hậu kiểm cho kinh tế tư nhân phải đủ mạnh, tránh trở thành kẽ hở giúp các “công ty ma” lợi dụng để trục lợi. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Ngày 16-5, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, TTXVN đưa tin.

Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, cho biết đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả, chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng. Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh.

Bà Nga đề nghị để triển khai Nghị quyết, Chính phủ cần bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm. Cụ thể là vấn đề liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; xem xét xây dựng chế tài đủ sức răn đe.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.

Kiến nghị nâng thời hạn miễn thuế cho doanh nghiệp

Đối với các chính sách hỗ trợ, đại biểu Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh, cho biết dự thảo Nghị quyết quy định bốn nhóm đối tượng được miễn, giảm thuế quy định tại Điều 10. So với các chính sách khuyến khích khác như ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính thì hỗ trợ miễn, giảm thuế có tác động nhanh, không phải qua nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Để chính sách này có hiệu quả khi triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo thay vì miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo như khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị quyết.

Bà Nga cho biết đặc thù của nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo Nghị quyết là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, sản xuất kinh doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới