Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Có cần lo lắng tro xỉ san lấp sẽ gây độc hại?

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tin “Dùng tro xỉ san lấp Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ” trên báo Tuổi Trẻ Online(*) cho thấy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bật “đèn xanh” cho doanh nghiệp sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá làm vật liệu san lấp mặt bằng.

Theo bản tin này thì Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ cần 9 triệu m3 cát san lấp nhưng nguồn cát khan hiếm nên doanh nghiệp đề xuất bổ sung hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp nền. Tờ báo dẫn lời lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cho biết nội dung trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường là đồng ý, nhưng kèm theo điều kiện phải thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng.

Cách nay 6 năm, khi hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than khốn đốn vì thiếu chỗ chứa chất thải tro xỉ, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online đã thực hiện chủ đề xử lý tro xỉ và có đăng bài “Tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện có thể dùng làm đường giao thông?(**) của một nhà khoa học đang công tác tại Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Vị chuyên gia này đã thực hiện đề tài nghiên cứu sử dụng phụ phẩm (tro xỉ) nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 làm vật liệu xây dựng đường giao thông nông thôn ở Hà Tĩnh.

Kết quả của nghiên cứu vào thời điểm đó cho rằng có thể sử dụng tro bay, xỉ đáy lò trong xây dựng giao thông như sử dụng làm phụ gia khoáng cho bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông tự lèn, gia cố móng đường, cải thiện đặc tính của đất. Ngoài ra, tro bay, xỉ đáy lò còn được dùng để đắp nền, đắp trả kết cấu, làm vật liệu đất lấp sau tường chắn và cát nhân tạo cho bê tông.

Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than không phải là chất thải nguy hại, mà thuộc danh mục chất thải rắn công nghiệp thông thường. Trong khi đó, các bộ, ngành đã ban hành 22 tiêu chuẩn, quy chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Đây là những cơ sở pháp lý thúc đẩy xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao.

Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có 30 nhà máy nhiệt điện đốt than và hàng năm tổng lượng tro, xỉ từ các nhà máy này khoảng hơn 16 triệu tấn. Tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực như san lấp, làm phụ gia khoáng cho xi măng, sau đó là dùng làm phụ gia bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông và công trình xây dựng dân dụng. Hiện có khoảng 85-87% tro xỉ đã được tiêu thụ. Trước năm 2018, các nhà máy nhiệt điện chạy than đau đầu với việc quá tải các bãi chứa tro xỉ, nhưng nay, tro xỉ trở thành món hàng “triệu đô” khi mà nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng gia tăng vài năm gần đây.

Một doanh nghiệp xây dựng đã trúng thầu bãi tro xỉ 1 triệu m3 của một nhà máy nhiệt điện với giá 17 tỉ đồng, tức 17.000 đồng/m3 tro xỉ, cho biết giá tro xỉ tại bãi thấp nhưng chi phí vận chuyển lại tốn kém. Cát có thể bơm lên công trình, còn tro xỉ cần sử dụng cơ giới nhiều và qua nhiều công đoạn. Vị này cũng cho biết giá thành san lấp mặt bằng dùng tro xỉ thấp hơn cát, đất, nhưng do hiện nay, gần như thiết kế công trình ban đầu điều ghi nội dung “cát, đất” nên cũng gây khó khăn cho nhà thầu.

Điều mà người viết bài này cũng như không ít người dân thắc mắc là tại sao cơ quan quản lý đã xem tro xỉ là chất thải công nghiệp thông thường, không gây hại cho môi trường khi san lấp, nhưng nhiều năm qua, cứ mỗi khi có tin bài đăng tải thông tin dùng tro xỉ làm vật liệu san lấp thì y như rằng người đọc comment (bình luận) lo lắng cho sự độc hại của kim loại nặng trong tro xỉ lan vào môi trường nước.

Có lẽ liên quan tới chất thải và sử dụng chất thải thì bộ ngành nên làm “truyền thông” cho chính sách của mình tới cộng đồng.


(*) https://tuoitre.vn/dung-tro-xi-san-lap-khu-cong-nghiep-vsip-can-tho-20240423161352795.htm

(**) https://thesaigontimes.vn/tro-xi-cua-cac-nha-may-nhiet-dien-co-the-dung-lam-duong-giao-thong/

1 BÌNH LUẬN

  1. Làm gì cũng phải dựa trên căn cứ thực tiễn và khoa học. Tro xỉ, có độc hại hay không, là câu hỏi dành cho các nhà chức trách. Vấn đề này hoàn toàn không khó chút nào, nếu xét về mặt nghiên cứu, thậm chí cần thiết phải trưng cầu sự hỗ trợ của nước ngoài ? Một điều rất lạ và đáng buồn là, mặc dù dư luận đã lên tiếng từ rất lâu, nhưng vẫn chưa thấy một kết luận nào có thể xem là chính thức cả. Vòng xoáy trách nhiệm, hay là lý do gì ? Cần phải chỉ ra thật rõ và sớm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới