Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có cần phải đẹp mới được bảo vệ bản quyền?

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Luật bản quyền được coi là luật bảo vệ và thúc đẩy sự sáng tạo. Nhờ vào luật bản quyền, tác giả, nghệ sĩ sáng tạo ra các tác phẩm được hưởng quyền tài sản và quyền thân nhân đối với tác phẩm, vì thế có quyền khai thác kinh tế và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm cũng như tên tuổi, uy tín bản thân gắn liền với tác phẩm. Lịch sử cho thấy luật bản quyền đã và đang vẫn là công cụ pháp lý hữu hiệu nhất để thúc đẩy sự sáng tạo – yếu tố căn bản quyết định sự phát triển của xã hội.

Tuy đóng vai trò đặc biệt quan trọng như thế, nhưng điều kiện bảo vệ của luật bản quyền lại khá đơn giản. Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, chỉ cần là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” thì sáng tác sẽ được bảo hộ bởi luật bản quyền. Điều kiện này cũng tồn tại ở hầu hết các luật bản quyền quốc gia trên thế giới. Khái niệm “sản phẩm sáng tạo” có thể được hiểu là sản phẩm nguyên bản, do tác giả sáng tạo ra một cách độc lập, “không sao chép” như ở luật một vài nước (Mỹ, Singapore, Việt Nam…).

Ngược lại, ở Pháp, các tòa án lại chọn cách diễn giải tính sáng tạo (originalité) của tác phẩm một cách rất… lãng mạn kiểu Pháp: chỉ cần tác phẩm “thể hiện dấu ấn của cá tính tác giả”, thì sẽ được hưởng sự bảo vệ của luật bản quyền. Chính vì điều kiện bảo vệ tác phẩm không được quy định rõ ràng ở Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật 1971 (mà hiện giờ tất cả các nước thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế WTO đều phải tuân thủ), các quốc gia tự do diễn giải điều kiện này trong luật quốc gia. Hiện nay, hầu như mọi quốc gia đều coi “sáng tạo” (creativity hay originality – mà một số học giả Việt Nam dịch là “tính nguyên bản”) là tiêu chí bảo vệ của luật bản quyền.

Khi nói về nghệ thuật, hiển nhiên chúng ta sẽ nghĩ đến cái đẹp. “Đẹp” luôn là mục đích vươn tới của nghệ thuật – từ hình thức tới nội dung truyền tải. Tuy nhiên, thế nào là đẹp? Không có một tiêu chí chung, khái quát nào về cái đẹp, mà người ta có thể dựa vào nó để kết luận đẹp hay không đẹp. Triết gia người Đức Immanuel Kant dành cả một tác phẩm đồ sộ (Phê bình năng lực thẩm mỹ) để bàn về cái đẹp. Theo ông, cái đẹp là sản phẩm của ý thức cá nhân – cái đẹp mang tính chủ quan. David Hume, triết gia người Scotland thì bổ sung rằng cảm nhận cái đẹp phụ thuộc vào thị hiếu: khi có hiểu biết, thì sẽ có thị hiếu tốt, cảm nhận cái đẹp tốt hơn, trái với những người thiếu hiểu biết, hời hợt, thì có thị hiếu kém, và khó cảm nhận cái đẹp hơn.

Quay lại luật bản quyền – nhiều người có thể ngạc nhiên vì “đẹp” không phải là điều kiện bảo vệ tác phẩm. Liệu tác phẩm có cần phải “đẹp” mới xứng đáng được bảo vệ? Phải nói rằng điều kiện “đẹp” hoàn toàn không xuất hiện trong luật bản quyền quốc gia, và hiếm khi tòa án đề cập đến tiêu chí này trong các quyết định, trừ một số tòa án Trung Quốc. Một vài quyết định cho thấy thẩm phán Trung Quốc nói đến tiêu chí “giá trị thẩm mỹ” hay “giá trị nghệ thuật” của tác phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với các thẩm phán này, chỉ cần không có bằng chứng về sự “sao chép”, thì tác phẩm được coi là thỏa mãn điều kiện bảo vệ nói trên của luật bản quyền. Nói tóm lại, cho dù có nói đến cái đẹp, giới luật vẫn phải quay lại tiêu chí khách quan “không sao chép”, vì như nói ở trên, đẹp là khái niệm mang tính chủ quan khó có thể áp dụng trong lĩnh vực pháp lý.

Luật bản quyền ra đời đầu tiên ở Anh, và sau đó là ở Pháp, vào thế kỷ 18, dưới sự ảnh hưởng của các Tư tưởng Khai sáng. Vì thế các quy định của luật bản quyền cũng mang đậm dấu ấn của các tư tưởng này. Theo các tư tưởng mỹ học thời đó thì cần phải phân biệt tính đẹp và tính năng, tức là giữa các tác phẩm mà mục đích duy nhất là “cái đẹp”, và các tác phẩm đáp ứng nhu cầu “sử dụng” cụ thể nào đó. Luật bản quyền đầu tiên của nước Mỹ, thông qua vào năm 1790, chỉ bảo hộ các tác phẩm nghệ thuật thị giác “fine arts” (tác phẩm chú trọng vào tính đẹp) mà thôi. Vì thế tòa án của Mỹ thường từ chối bảo vệ những tác phẩm thuộc về nghệ thuật ứng dụng (applied art) bằng luật bản quyền. Sự “kỳ thị” này cũng đã từng tồn tại trong luật của Pháp, mà các học giả gọi là sự phân biệt giữa “nghệ thuật thuần khiết” và “nghệ thuật ứng dụng”. Một bản án của Tòa án tối cao Pháp năm 1882 đã kết luận rằng những bức tượng đồng dùng với mục đích “trang trí” không phải là tác phẩm nghệ thuật “Beaux-Arts”, và vì thế không được luật bản quyền bảo vệ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, các tác phẩm thuộc về nghệ thuật ứng dụng không còn chịu sự phân biệt nói trên, nhờ vào học thuyết “nghệ thuật hợp nhất” trong pháp lý (theory of unity of art). Theo học thuyết này, mục đích sử dụng của tác phẩm (tính đẹp hay tính năng) không còn là yếu tố để phân biệt các tác phẩm. Renouard, học giả Pháp được coi là đưa ra học thuyết này có lập luận rằng tất cả mọi sáng tác đều phải được luật bản quyền bảo vệ, một khi đó là kết quả của một “công việc trí óc”. Không có giới hạn trong nghệ thuật – khái niệm này dần chiếm lĩnh tư tưởng pháp lý và cuối cùng được luật hóa.

Luật bản quyền của Pháp năm 1957 quy định rõ ràng rằng tất cả tác phẩm đều được bảo vệ, không giới hạn về thể loại, hình thức thể hiện, giá trị hay mục đích sử dụng. Sự phân biệt đối với tác phẩm nghệ thuật ứng dụng cũng bị xóa bỏ trong luật bản quyền của Mỹ, và tòa án Mỹ cũng công nhận sự bảo vệ với các tác phẩm như tranh quảng cáo, đồ vật trang trí. Một mặt, sự xóa bỏ này tạo điều kiện khuyến khích mọi hình thức sáng tạo, nhưng mặt khác, một số học giả lại cho rằng vì phạm vi bảo vệ quá rộng, luật bản quyền mất đi bản chất “đẹp” của nó. Những thay đổi nói trên trong luật của Mỹ, của Pháp cũng ảnh hưởng đến luật quốc gia nhiều nước khác, như Việt Nam.

Tất nhiên, đối với các tác phẩm ứng dụng công nghiệp cần nhấn mạnh rằng luật sở hữu trí tuệ còn có quy định riêng để bảo vệ. Các thiết kế kiểu dáng công nghiệp (design) được hưởng một sự bảo hộ nhất định, và thuộc về quyền sở hữu công nghiệp. Hiện nay, kiểu dáng công nghiệp được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam từ điều 63-67, cho dù mức độ bảo vệ khá “thấp” so với bản quyền. Đặc biệt, ở một số nước, như ở Pháp chẳng hạn, nhờ sự tác động của học thuyết nghệ thuật hợp nhất nói trên, kiểu dáng công nghiệp có thể được hưởng một sự “bảo vệ đôi”. Cụ thể là tác phẩm ứng dụng công nghiệp nếu như đáp ứng được tiêu chí “sáng tạo” của luật bản quyền, đồng thời đáp ứng được tiêu chí “mới, có tính riêng biệt và có ứng dụng công nghiệp” của luật về quyền sở hữu công nghiệp, thì có thể được hưởng sự bảo hộ của cả hai ngành luật này. Tất nhiên, nếu như quyền tác giả trong tác phẩm được bảo vệ tự động “ngay từ khi nó sinh ra”, thì kiểu dáng công nghiệp cần phải được đăng ký mới được bảo vệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới