Thứ Sáu, 9/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cơ chế giá bán xăng dầu – liệu có bình mới rượu cũ?

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bộ Công Thương đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu nhưng theo các doanh nghiệp, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức chứ không thay đổi về bản chất. Công thức tính giá và các chi phí thành phần thay đổi không đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu.

Hiện nay, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không được chủ động quyết định giá bán lẻ trong hệ thống phân phối mà phải chờ giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo. Ảnh: N.K

“Nút thắt” cơ bản trong tất cả nghị định về kinh doanh xăng dầu vẫn là cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt về vấn đề giá, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nói trong tọa đàm “Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây.

Điều hành giá xăng dầu hiện nay do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện. Cụ thể, Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành giá cơ sở, rà soát điều chỉnh các khoản chi phí cấu thành giá cơ sở (dựa vào báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu), thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hàng quí… Dựa vào đây, Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở và công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo chu kỳ bảy ngày/lần. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu căn cứ giá cơ sở này để tổ chức giá bán lẻ trong hệ thống phân phối của mình.

Bộ Công Thương xác nhận, với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện quá nhiều bước. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không được chủ động quyết định giá bán lẻ trong hệ thống phân phối mà phải chờ giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo. Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu căn cứ vào các yếu tố hình thành trong quá khứ với thời gian tương đối dài dẫn tới chưa sát thực tế… Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa thực hiện theo cơ chế thị trường.

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Quán triệt tinh thần của Bộ Chính trị về việc áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường và chính sách an sinh xã hội phù hợp, dự thảo nghị định này đề xuất cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu.

Góp ý với Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bộ này cân nhắc cho phép doanh nghiệp tự quyết giá bán, không có giá trần; đồng thời doanh nghiệp phải bảo đảm các quy định về công khai, minh bạch giá bán.

Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân bảy ngày/lần; thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán lẻ xăng dầu. Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối không được vượt quá giá được tính toán theo công thức: Giá bán xăng dầu tối đa = (Giá xăng dầu thế giới x tỷ giá ngoại tệ) + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + thuế bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng + chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, đây là cải cách trong tính toán, giúp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí. Các doanh nghiệp phải công bố giá đúng theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước theo dõi minh bạch việc công bố giá của các doanh nghiệp; nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường. Thương nhân hoàn toàn dự tính được các chi phí kinh doanh để xây dựng giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình và có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định tại nghị định.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đặt vấn đề cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay có thực hiện theo cơ chế thị trường hay không? Ảnh minh họa: Vũ Lê

Các doanh nghiệp cho rằng, theo cơ chế mới này, cơ quan nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan nhà nước công bố giá trần. Công thức tính giá và các chi phí thành phần không thay đổi đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu. Vì thế đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Như vậy, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu, không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành.

Dự thảo nghị định nói trên cũng bổ sung quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan nhà nước. Theo phân tích trên, trong trường hợp đại đa số các doanh nghiệp bán xăng dầu với giá trần, thủ tục kê khai giá này không mang lại ý nghĩa quản lý. Nhiều doanh nghiệp lo ngại cơ chế này sẽ tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Mỗi doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá từng tuần khi cơ quan nhà nước công bố chi phí tạo nguồn mới, dẫn đến số lượt làm thủ tục rất lớn.

Góp ý với Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bộ này cân nhắc cho phép doanh nghiệp tự quyết giá bán, không có giá trần; đồng thời doanh nghiệp phải bảo đảm các quy định về công khai, minh bạch giá bán. Ví dụ, niêm yết giá ở vị trí cao, to rộng, rõ ràng để người đi đường có thể nhìn rõ mà chưa cần phải chuyển hướng rẽ vào cây xăng; hoặc kê khai giá trên một cổng thông tin chung và công khai ngay lập tức để người tiêu dùng có thể trực tuyến so sánh giá giữa các cây xăng và lựa chọn.

Tại tọa đàm nhắc tới ở trên, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng giá xăng dầu theo thế giới, điều hành bằng mệnh lệnh hành chính sẽ không bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp. Trường hợp áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích sẽ tìm biện pháp lảng tránh, như vừa qua có tình trạng doanh nghiệp treo bảng thông báo hết xăng dầu, không bán hàng.

Chuyên gia này cho rằng, hiện nay, hai nhà máy lọc dầu trong nước đã sản xuất được 70% nhu cầu, đây là yếu tố để có thị trường xăng dầu cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp nên được tự định giá để tăng cạnh tranh. Nhà nước không can thiệp vào quá trình này, chỉ sử dụng các công cụ điều tiết như thuế, dự trữ quốc gia. Nếu chúng ta để thị trường quyết định, các doanh nghiệp cố gắng giảm chi phí đầu vào, việc này sẽ có lợi cho người tiêu dùng, ông Cường nói.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang rút lui hàng loạt khỏi thị trường vì không chịu đựng nổi luật chơi từ các ông lớn. Tích tụ và độc quyền đang quay trở lại ngoài ý muốn. Hi vọng thị trường hóa xăng dầu, vì vậy càng xa vời hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới