Thứ Bảy, 20/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cơ chế thị trường không đơn giản

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tại một hội nghị diễn ra ở Hà Nội vào tuần trước, Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau khi thông tin về tình hình giá chi phí đầu vào sản xuất điện tăng rất mạnh trong năm 2022, đã kiến nghị được tính giá điện theo cơ chế thị trường. Cụ thể, EVN muốn “khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu”.

Được tính đầy đủ chi phí hợp lý vào giá thành sản phẩm là yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo cơ chế thị trường không hẳn là cứ chi phí đầu vào tăng thì giá sản phẩm phải tăng “kịp thời theo cơ chế tự động”. Trên thực tế, mỗi khi các chi phí đầu vào biến động tăng, việc đầu tiên lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ tới là tìm cách tiết kiệm chi phí nội bộ để giảm nhẹ tác động; tăng giá sản phẩm thường là lựa chọn cuối cùng, và mức độ tăng cũng như thời điểm tăng cũng được nâng lên đặt xuống không ít lần, sau khi đã thăm dò kỹ phản ứng của đối thủ cạnh tranh cũng như của người tiêu dùng. Đây mới thực là cơ chế thị trường.

Với ngành điện, muốn có cơ chế thị trường thì phải có cạnh tranh, người tiêu dùng phải có quyền chọn lựa nhà cung cấp. Quyết định 2093/QĐ-BCT ngày 7-8-2020 của Bộ Công Thương phê duyệt Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cũng khẳng định “mục tiêu chính của thị trường bán lẻ điện là cho phép khách hàng được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp điện”.

Theo quyết định trên, để có thể áp dụng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ sau năm 2024, ngoài chuẩn bị cơ sở pháp lý, một trong những việc quan trọng phải làm trước là tái cơ cấu ngành điện, cụ thể là cơ cấu lại EVN.

Hiện nay EVN đang nắm trong tay gần như toàn bộ mạng lưới truyền tải và phân phối điện quốc gia, cùng toàn bộ hệ thống bán lẻ điện. Vì vậy, mục tiêu của việc cơ cấu lại EVN là bảo đảm cho mọi doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán lẻ điện sau này có quyền tiếp cận mạng lưới truyền tải và phân phối, và quan trọng hơn là phải có hơn một nhà cung cấp ở mỗi địa bàn để người tiêu dùng có quyền chọn lựa. Theo hướng này, chúng ta có thể hình dung sau khi được cơ cấu, mảng bán lẻ của EVN sẽ được tách ra thành nhiều doanh nghiệp độc lập, cạnh tranh trực tiếp với nhau thay vì được EVN phân chia địa bàn để cung cấp dịch vụ như lâu nay, nghĩa là chia nhỏ EVN thành nhiều doanh nghiệp và không còn chung mái nhà với EVN nữa. Đây có thể là điều EVN không muốn.

Có thể nói, yếu tố quyết định để thị trường bán lẻ điện cạnh tranh có được thực hiện sớm hay muộn là ở việc tái cơ cấu EVN được thực hiện nhanh hay chậm. Hay nói thẳng ra là bóng đang nằm trong chân EVN.

Tất nhiên, ngoài việc tái cơ cấu EVN, vẫn còn một số vấn đề quan trọng khác cần phải được làm rõ, bao gồm: các doanh nghiệp bán lẻ được quyền tiếp cận lưới truyền tải và phân phối (hiện do EVN quản lý) tới cấp điện áp nào? Điều này rất quan trọng, vì quyền tiếp cận ở mức điện áp càng thấp thì càng dễ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia; cơ chế giá bán lẻ điện thả nổi hay Nhà nước vẫn còn kiểm soát, và nếu còn thì kiểm soát tới đâu? Ai sẽ đảm nhận nhiệm vụ xã hội về cung cấp điện…? Đây là những vấn đề Bộ Công Thương cần làm rõ và cụ thể hóa thành luật, bằng không sẽ rất khó thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, một cách thực chất.

2 BÌNH LUẬN

  1. Không thể có cơ chế giá cả thị trường khi chưa có mặt bằng cạnh tranh hoàn hảo. Hoặc ít nhất là môi trường cạnh tranh hợp lý. Yêu cầu của EVN hiện nay không hoàn toàn khả thi. Vai trò quản lý nhà nước lúc này không phải là giải quyết câu chuyện giá điện theo cơ chế cạnh tranh, mà phải là làm thế nào để EVN có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh trong thời gian đến.

  2. Là người dân bình thường, tôi quan tâm tới việc tăng giảm giá điện như thế nào. Như năm 2020,2021 do covid nên các loại nguyên liệu năng lượng trên thế giới giảm giá mạnh thì không thấy EVN đề cập tới việc giảm giá điện, tôi chưa bao giờ thấy EVN đề xuất giảm giá điện. Một điều nữa là EVN luôn luôn căn cứ vào báo cáo 6 tháng đầu năm để đề xuất tăng giá điện, mà điện ở VN có đặc điểm là chủ lực từ hai nguồn nhiệt điện và thuỷ điện, nhưng 6 tháng đầu năm mưa ít thuỷ điện phát không đủ công suất nên nhiệt điện phải gánh mà nhiệt điện giá cao nên 6 tháng đầu năm hay bị lỗ, nhưng 6 tháng cuối năm mưa nhiều thuỷ điện phát hết công suất, mà thuỷ điện giá rất rẻ. Nếu tính cả năm thì chưa chắc bị lỗ nhưng ngành điện không bao giờ căn cứ vào báo cáo cả năm để đề xuất tăng giá điện. Như hồi tháng 8/2022 ngành điện báo lỗ và đề xuất tăng giá điện căn cứ theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, nhưng cuối năm 2022, EVNGENCO 2 , một trong ba tổng công ty của EVN, đã báo cáo năm 2022 có lãi .

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới