Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cơ chế thị trường phải đi đôi với cạnh tranh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ chế thị trường phải đi đôi với cạnh tranh

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói đến hai mục tiêu mà ông cho là “quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau” cần tập trung giải quyết trong năm 2014, đó là “thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng”. Nội dung này sau đó đã được nhắc lại trong hội nghị tổng kết năm của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tuy nhiên, phần nội dung được đề cập chỉ còn lại một vế là “thực hiện giá theo cơ chế thị trường”.

Thực hiện chính sách giá theo cơ chế thị trường, nhằm giảm và tiến tới loại bỏ việc Nhà nước phải dùng ngân sách để bao cấp hoặc bù lỗ đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu là điều cần thiết. Thế nhưng, nếu áp dụng giá theo thị trường mà không đi đôi với tạo dựng cơ chế để bảo đảm cạnh tranh thì sẽ rất nguy hiểm. Nó không chỉ gây tổn hại cho cả nền kinh tế, mà còn kìm hãm sự phát triển của chính ngành sản xuất và dịch vụ đó. Chính vì thế mà Thủ tướng nhấn mạnh trong thông điệp của mình là hai vấn đề trên “có liên quan chặt chẽ với nhau”.

Nhưng dường như các tập đoàn chỉ mới quan tâm đến khía cạnh cơ chế giá thị trường. Tại hội nghị tổng kết mới diễn ra vào đầu năm 2014, EVN đã đưa ra yêu cầu tăng giá điện trong năm 2014. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2015 giá điện sẽ tăng 22%. Trước đó, đại diện Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương cũng nói: “Năm 2014 sẽ thị trường hóa giá than bán cho ngành điện”.

Các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu đều là những mặt hàng có tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, đến đời sống người dân. Thế nên, những thông tin về việc sẽ tăng giá, trong khi môi trường để khuyến khích cạnh tranh trong những ngành này vẫn chưa được thiết lập, khiến cho người dân và doanh nghiệp không khỏi lo lắng.

Hình thành thị trường cạnh tranh đối với những lĩnh vực mà các tập đoàn nhà nước còn đang độc quyền không phải chuyện có thể giải quyết một sớm một chiều, nên chúng ta không thể kỳ vọng sẽ có sự thay đổi nào trong năm nay.

Trước mắt, điều Chính phủ có thể làm là bảo đảm sự minh bạch trong giá thành đối với các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, để hạn chế các doanh nghiệp lạm dụng độc quyền để tự tung tự tác về giá.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2014 sẽ tiếp tục công khai minh bạch hơn nữa trong vấn đề điều hành giá xăng dầu. Đó là, công bố diễn biến giá xăng dầu thế giới từng ngày, từng chủng loại xăng dầu trong bình quân 30 ngày để làm căn cứ tính giá xăng dầu trong nước. Chắc chắn, các yếu tố hình thành nên giá xăng dầu không chỉ có thế. Thế nên, nếu chỉ minh bạch diễn biến giá xăng dầu thế giới thì chưa thể gọi là minh bạch như ý Thủ tướng muốn nói trong thông điệp đầu năm của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới