(KTSG Online) - Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TPHCM sẽ sớm được triển khai sau khi Quốc hội ban hành các cơ chế đặc thù về huy động nguồn vốn.
Tại tọa đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá” ngày 4-5, ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - cho biết hạ tầng hệ thống cao tốc tại vùng thủ đô, đặc biệt là đường vành đai 4 giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế, kết nối liên vùng, các cảng hàng không quốc tế. Việc này cũng giúp hình thành nền đường trên cao đô thị, mở ra quỹ đất với quy mô hàng ngàn héc-ta để tạo động lực mới mang tầm bứt phá.
Nhưng khó khăn lớn nhất là dự án triển khai theo phương thức hỗn hợp đầu tư công và hợp tác công tư.
“Nguồn vốn cho dự án là 85.813 tỉ đồng, chia làm 3 dự án thành phần nhưng việc cân đối ngân sách là khó khăn, riêng 3 địa phương phải cân đối trên 28.000 tỉ đồng”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng đối mặt không ít khó khăn do chiếm tới trên 50% khối lượng thi công, gồm các cấu phần về hành lang phát triển đường sắt.
“Việc GPMB càng để chậm càng ảnh hưởng tiến độ. Vì vậy, cần phải triển khai ngay trong năm 2022 - 2024 để các thành phần kế tiếp diễn ra sau đó vào năm 2022 - 2026, thì mới tạo ra động lực phát triển đô thị”, ông Tuấn nói.
Tương tự, ông Dương Bá Đức - Vụ phó Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính – cho biết sức ép hoàn thành tuyến cao tốc trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 là rất lớn. Vì vậy, nguồn vốn phải tập trung đầy đủ.
Để giải quyết nhu cầu vốn cho các dự án, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết, dự án đường vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội đã kiến nghị cơ chế đặc thù tương tự dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 và được Quốc hội cho phép.
Với nguồn vốn cho đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã xin phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án. Đồng thời, cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Ngoài ra, Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025.
Ông Dương Bá Đức cho biết Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội ban hành về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 giao tổng vốn lên tới 2,87 triệu tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 1,5 triệu tỉ đồng, ngân sách địa phương là 1,34 triệu tỉ đồng.
“Ngoài phần phân bổ cho bộ ngành và địa phương, còn có phần để lại chưa sử dụng 10%, vừa rồi tập trung cho 2 tuyến đường này. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sử dụng nguồn vốn này theo chủ trương”, ông Đức cho hay.
Đặc biệt, về cơ chế lồng ghép giữa ngân sách trung ương và địa phương, Vụ phó Vụ Đầu tư cho biết, theo quy định hiện hành tại khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách quy định rõ, không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác.
Tuy nhiên, Luật Ngân sách ban hành trong thời gian quá dài, đến nay không còn phù hợp. Vì vậy, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới cơ chế phân cấp, mang tính chất ngân sách trung ương là chủ đạo, còn ngân sách địa phương chủ động và sửa đổi hàng loạt quy định trong Luật Ngân sách.
Theo ông Đức, hiện Quốc hội cũng ban hành một số cơ chế đặc thù với các địa phương như Hà Nội có thể sử dụng ngân sách quận này hỗ trợ cho huyện khác còn khó khăn, hoặc Khánh Hoà cũng đang sử dụng cơ chế lấy của cấp trên sử dụng cho cấp dưới.
“Như vậy sẽ chuyển cơ chế cho các địa phương thực hiện quyết định đầu tư, nguồn vốn giao trực tiếp cho các địa phương thực hiện nguyên tắc hoà trộn. Địa phương căn cứ tình hình triển khai dự án, sẽ xây dựng kế hoạch cho từng hạng mục từng năm để triển khai. Từ đó, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện”, ông Đức cho hay.
Bên cạnh đó, trong Điều 59 Luật Ngân sách cũng cho phép tăng thu ngân sách địa phương, ngoài bố trí cải cách tiền lương, an sinh xã hội còn có chi cho đầu tư.
Về phân cấp và tổ chức thực hiện dự án, ông Thọ cho biết trước hết sẽ phân chia dự án thành các dự án thành phần, giao Hà Nội và TPHCM tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
"Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định. Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong điều kiện không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua", ông Thọ cho biết.
Về cơ chế chỉ định thầu, lãnh đạo bộ GTVT cho biết Quốc hội đã cho phép Thủ tướng xem xét quyết định chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án đối với các gói thầu tư vấn phục vụ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, gói thầu xây lắp các dự án thành phần.
Theo đó, các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định đến khi hoàn thành dự án, trình tự thủ tục chỉ định thầu theo quy định hiện hành. Đây là điểm mới, trong thực tiễn tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, chỉ định thầu cho phép áp dụng trong 2 năm 2022-2023.
Về khai thác khoáng sản và làm vật liệu xây dựng, Thứ trưởng Thọ cho hay thông thường để thực hiện dự án, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho phép giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khai thác vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Việc khai thác khoáng sản quy định được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.
Với địa phương, ngoài khu vực dự án có các mỏ khoáng sản vật liệu thông thường làm hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng sử dụng, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như đối với mỏ khoáng sản ở các địa phương có dự án đi qua.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết dự án vành đai 3 TPHCM có tổng mức đầu tư là 35.370 tỉ đồng, dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2020-2025 khoảng 61.000 tỉ đồng, tương ứng 81%.
Để bảo đảm giải ngân, sau khi có cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, linh hoạt vốn, thì phải chuẩn bị giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, rút kinh nghiệm trước đây triển khai các dự án lớn, cùng với sự hỗ trợ, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, kinh nghiệm triển khai các tuyến cao tốc, TPHCM và các tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, cơ chế điều phối chuẩn bị kỹ, chuẩn bị các nguồn vật liệu chất lượng, đủ trữ lượng, tổ chức kiểm tra giám sát từng mỏ, tổ chức thí nghiệm vật liệu trên công trường có tham vấn của chuyên gia, cũng như Bộ Giao thông Vận tải.