Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cố đô Huế sẽ mang diện mạo mới sau 10 năm

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quần thể di tích cố đô Huế và hệ sinh thái xung quanh sẽ được quy hoạch, bảo tồn và đầu tư nhằm biến thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế khi tỉnh miền Trung này trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Một góc khu vực hồ Tịnh Tâm (góc phải ở dưới), Ngự Hà (góc trái ở trên) và hồ Học Hải với di tích Tàng Thơ Lâu, nằm trong khu vực Kinh thành Huế. Ảnh: Hiếu Trương

Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các điểm di tích, không gian cảnh quan văn hóa cũng nhằm mục đích làm cơ sở lập hồ sơ tái đề cử trình UNESCO xem xét, công nhận quần thể di tích cố đô Huế trong danh mục di sản văn hóa thế giới.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế và các bên liên quan sẽ hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực bảo tồn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo tiền đề phát triển kinh tế gắn với di sản một cách hữu hiệu.

Những nội dung này được đề cập trong Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành hôm 11-1. Thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.

Theo quyết định này, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là không gian hình thành và phát triển cố đô lịch sử, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành quần thể di tích cố đô Huế.

Cụ thể, không gian này bao gồm khu vực Kinh thành Huế, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, cồn Hến, cồn Dã Viên, cửa biển Thuận An, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lưu vực sông Hương và các chi lưu thuộc địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quy mô lập quy hoạch bao gồm khu vực bảo vệ của di sản văn hóa thế giới quần thể di tích cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào năm 1993, cập nhật năm 2011; bao gồm các điểm di tích: Kinh thành Huế, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Võ Miếu, Hổ Quyền và Voi Ré, Đàn Nam Giao, Điện Hòn Chén, các lăng: Dục Đức, Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị, Khải Định, Minh Mạng, Gia Long và Trấn Hải Thành.

Khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hương gắn với di tích; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hóa, các quần cư lâu đời gắn với từng di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan cũng nằm trong ranh giới được quy hoạch.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm các giá trị văn hóa, lịch sử của Di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế; các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, tài liệu, hiện vật gắn với di tích; không gian cảnh quan, môi trường xung quanh từng di tích.

Các yếu tố về sinh thái, cảnh quan, địa hình, địa thế tự nhiên có liên quan trong lịch sử hình thành và phát triển cố đô Huế nói chung và quần thể di tích cố đô Huế nói riêng; các yếu tố đô thị, nông thôn, kinh tế - xã hội, dân cư trong khu vực nghiên cứu cũng là đối tượng nghiên cứu quy hoạch.

Các thể chế, chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội; hạ tầng kỹ thuật; tình hình sử dụng đất khu vực xung quanh di tích, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và mối liên hệ với các di tích, công trình văn hóa, địa điểm du lịch nổi tiếng khác trong khu vực để phát triển sản phẩm và kết nối các tuyến du lịch cũng được tính đến.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới