(KTSG Online) – Năm nay Eximbank bất ngờ đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động và lo ngại suy thoái, khiến cổ đông đặt câu hỏi chất vấn. Bên cạnh đó, có nhiều nội dung đáng chú ý như cổ đông được chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%, ngân hàng gia nhập cuộc đua tăng vốn điều lệ đã bỏ lỡ trong nhiều năm qua.
Những nội dung nêu trên được lãnh đạo ngân hàng Eximbank chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng này. Khác với những kỳ đại hội trước đây, cổ đông tại sự kiện ngày hôm nay, 14-4, không đặt nhiều câu hỏi cho ban lãnh đạo. Một điểm dễ thấy khác là Eximbank đang có những điểm sáng kinh doanh mới trong bối cảnh ngân hàng chìm trong "nội chiến" vài năm qua, kết quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng theo.
Phát biểu tại đại hội, cổ đông bình luận lợi nhuận ngân hàng trong hai năm gần đây tăng tốc nhanh, nhưng tỏ ra nghi ngại về con số kế hoạch tăng trưởng 35% trong năm nay. Theo kế hoạch, lợi nhuận trước thuế dự kiến năm 2023 của ngân hàng lên đến 5.000 tỉ đồng.
Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank cho biết ban điều hành đã tính toán kỹ về kế hoạch lợi nhuận, dựa trên tình hình riêng của Eximbank cũng như bối cảnh kinh tế khó khăn chung. “Chúng tôi có phương án để đạt mức tối thiểu là 5.000 tỉ đồng”, ông Lộc khẳng định.
Lãnh đạo Eximbank cho biết lợi nhuận quí 1 của ngân hàng ước đạt 900 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Lộc, một trong những lý do giúp ngân hàng tăng trưởng nhanh trong năm ngoái là sự thay đổi trong cấu trúc khách hàng, khi ngân hàng tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân. “Tới đây ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh theo cấu trúc này”, ông Lộc nói.
Bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nói trong năm ngoái, ngân hàng thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, đi sâu vào việc xử lý quy trình, nâng cao hoạt động kinh doanh và chăm sóc khách hàng. Điều này sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm nay. “ Eximbank tự tin hoàn thành kế hoạch trong năm 2023 và quí 1 vẫn đang đi đúng lộ trình", bà Tú nói.
Một vấn đề khác mà cổ đông không có cơ hội thảo luận trong nhiều năm qua là câu chuyện cổ tức và vốn điều lệ ngân hàng. Lần chia cổ tức gần nhất của Eximbank là vào năm 2013 với tỷ lệ 4%. “Vốn điều lệ hiện nay liệu có quá ít?”, một cổ đông đặt câu hỏi tại đại hội.
Hiện đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch sử dụng lợi nhuận giữ lại luỹ kế (khoảng 2.655 tỉ đồng) để chia cổ tức tỷ lệ 18% tăng vốn. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ tăng từ 14.814 tỉ đồng lên 17.470 tỉ đồng.
Kết thúc đại hội, các tờ trình đều được thông qua. Một số nội dung quan trọng khác có thể kể đến là việc bán toàn bộ 6,1 triệu cổ phiếu quỹ của ngân hàng, sửa đổi Điều lệ tiến hành họp đại hội đồng cổ đông, miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT và bầu bổ 1 thành viên BKS nhiệm kỳ VI (2020-2025)