Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Có đúng người Việt mất 16 tỉ đô la do lừa đảo qua mạng?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo số liệu do Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu công bố trong tuần này, năm 2023 nạn lừa đảo qua mạng làm mất 53 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng người Việt Nam bị chiếm đoạt 16 tỉ đô la. Con số khổng lồ tương đương 3,6% GDP Việt Nam này đã gây thắc mắc: thiệt hại đó được tính toán trên cơ sở nào?

Lần ngược lại thông tin của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (Global Anti Scam Alliance - Gasa), con số thiệt hại hơn 50 tỉ đô la nói trên đã được ông Jorij Abraham, Giám đốc điều hành Gasa, đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Gasa diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha) hồi tháng 10-2023.

Nội dung trong bài diễn văn khai mạc hội nghị của ông Jorij Abraham được báo Straitstimes (Singapore) trích dẫn có đoạn như sau: “Những kẻ lừa đảo (scammers) đã đánh cắp khoảng 1,02 ngàn tỉ đô la Mỹ trên toàn thế giới trong thời gian từ tháng 8-2022 đến tháng 8-2023, trong đó các nạn nhân người Singapore có mức thiệt hại bình quân cao nhất. Con số này cao hơn rất nhiều so với con số thiệt hại 55,3 tỉ đô la trong năm 2021 và 47,8 tỉ đô la trong năm 2020, theo một nghiên cứu chung do tổ chức phi lợi nhuận Gasa và nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu ScamAdviser thực hiện”(1).

Con số thiệt hại 1,02 ngàn tỉ đô la Mỹ do nạn lừa đảo qua mạng (online scams) trong năm 2023 cũng được công bố trên website Gasa kèm theo địa chỉ tải file PDF “Báo cáo nạn lừa đảo toàn cầu năm 2023” (The Global State of Scams Report 2023).

Số liệu người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng mất 16,2 tỉ đô la được Gasa thể hiện trong "State of Scam Report 2023 - Vietnam" (The State of Scams in Vietnam Report 2023). Cả hai bản báo cáo này đều do ông Jorij Abraham ký tên công bố với chức danh là Tổng giám đốc của Gasa và ScamAdviser(2).

Con số thiệt hại do Gasa công bố cao hơn rất nhiều so với con số trên website và tài liệu của một số tổ chức chính phủ như Scamwatch (Trung tâm chống lừa đảo quốc gia Úc), Trung tâm khiếu nại tội phạm Internet Mỹ (Internet Crime Complaint Center -IC3 trực thuộc FBI) hay Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đưa ra. Tổng thiệt hại do lừa đảo qua mạng ở Úc là 3,1 tỉ đô la trong năm 2022 còn ở Mỹ là 6,9 tỉ đô la năm 2021 và 10,2 tỉ đô la trong năm 2022.

Trong “Báo cáo nạn lừa đảo toàn cầu năm 2023” và "State of Scam Report 2023 - Vietnam", Gasa cho biết cách thu thập thông tin (methodology) chính là thông qua nền tảng khảo sát trực tuyến Pollfish.com để khảo sát trực tiếp người tiêu dùng.  

Quy mô khảo sát của Gasa là khoảng 1.000 người/nước được chọn khảo sát; có quốc gia/vùng lãnh thổ chỉ có khoảng 400-500 người được khảo sát. Thông tin trên báo cáo của Gasa cho biết, thông qua Pollfish.com họ đã khảo sát 49.459 người tại 43 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong số này tại Việt Nam có 1.063 người được khảo sát. Đáng chú ý là thành phần người được khảo sát cũng được liệt kê rất chung chung, không thể hiện đầy đủ tính đại diện như yêu cầu một cuộc khảo sát phải có.

Ngoài nguồn thông tin thu thập thông qua Pollfish.com thì Gasa gần như không có thêm nguồn thông tin khác về số liệu lừa đảo. Thông tin nguồn khác chỉ có một số website phụ trợ cung cấp thông tin về dân số, GDP, tỷ giá, quốc kỳ… như worldometers.info, xe.com, wikimedia.org, wikipedia.com và ở Việt Nam có thêm thông tin từ website chongluadao.vn.

Các con số lừa đảo qua mạng gây thiệt hại quá lớn ở Việt Nam so với số liệu do chính phủ các nước công bố khiến người viết bài này phải tìm hiểu, đâu là cơ sở tính toán để cho ra con số thiệt hại khổng lồ này?

Đọc hết bản “Báo cáo nạn lừa đảo ở Việt Nam năm 2023” thì người viết bài này không tìm thấy thêm thông tin nào về cách tính thiệt hại do lừa đảo qua mạng để làm cơ sở dẫn đến con số 16,2 tỉ đô la như Gasa công bố.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo 26 trang này lại có bảng số liệu ở trang 13 cho thấy, số người bị mất tiền do lừa đảo qua mạng ở Việt Nam là 311/1.063 người được Gasa khảo sát, tương đương 29% và bình quân mỗi người bị mất 734 đô la Mỹ.

Báo cáo cũng dẫn các con số chi tiết (theo cách tính toán của Gasa) với dân số Việt Nam là 104.799.174 người, dân số trên 18 tuổi là 75.555.404 người thì số người (trên 18 tuổi) bị lừa đảo là 22.105.109 người, tức 29% theo tỷ lệ của mẫu khảo sát.

Gasa đem nhân con số 22.105.109 người “bị lừa” này với số tiền bình quân bị mất 734 đô la Mỹ/người để cho ra con số khổng lồ là 16,2 tỉ đô la. Đi xa hơn nữa, Gasa quy đổi ra con số này tương đương 3,6% GDP Việt Nam!

Đến đây thì mọi việc đã rõ ràng: con số 16 tỉ đô la bị chiếm đoạt do lừa đảo qua mạng được Gasa “tính rợ” không theo đúng nguyên tắc khoa học, sai từ cách lấy mẫu đến cách tính khái quát.

Đáng tiếc là, những con số không chính xác như vậy lại được công bố trên nhiều kênh truyền thông, mạng xã hội mà không được kiểm chứng. Và trước khi đăng tải cũng không ai thắc mắc: “16 tỉ đô la lớn đến mức nào?”

-----------------------------

(1) https://www.straitstimes.com/world/14-trillion-lost-to-scams-globally-s-pore-victims-lost-the-most-on-average-study

(2) https://www.gasa.org/resources

2 BÌNH LUẬN

  1. Nên tư duy theo hướng tôn trọng sự thật, tích cực. Chứ không phải mọi việc xảy ra đều xấu, đều xem là tiêu cực. Mọi thứ đều có thể xảy ra. Nhất là với những tổn thất do gian lận, lừa đảo trên thế giới mạng/ ảo. Đây là đặc trưng của thời đại 4.0. Phần chìm bao giờ cũng không công khai, cũng lớn gấp nhiều lần con số công bố. Chỉ riêng câu chuyện đánh bạc qua mạng thôi, vài chục ngàn tỷ mỗi năm chảy ra nước ngoài là khả thi. Câu chuyện sàn vàng, tổn thất đơn vị tính ngàn tỷ là bình thường, xảy ra cách đây nhiều năm vẫn còn đó dư âm. Còn rất nhiều lĩnh vực công khai và bí ẩn khác. Vậy sao là chuyện không thể ? Nên duy trì tâm thế cảnh giác cao độ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới