Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội cho thị trường chứng khoán bền vững từ góc nhìn hoàn thiện pháp lý

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sự thay đổi nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 năm gần đây đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý để hỗ trợ cho thị trường phát triển bền vững hơn trong dài hạn.

Sau giai đoạn bùng nổ về quy mô, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia 2020-2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2022 đã đối mặt với nhiều khó khăn khi áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu, xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương, bao gồm Việt Nam.

Với TTCK trong nước, một số vụ thao túng, làm giá cổ phiếu được phát hiện và xử lý trong những tháng đầu năm, cùng tình trạng lợi dụng mạng xã hội để phát tán những thông tin chưa có kiểm chứng, tin giả mạo đã gây ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của thị trường và lòng tin của nhà đầu tư.

Bối cảnh này đòi hỏi cơ quan chức năng và các thành viên thị trường tiếp tục xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp mạnh hơn để thị trường phát triển ổn định, công bằng và bền vững, trong đó khung pháp lý là một mảng quan trọng.

Bối cảnh mới, yêu cầu mới

Từ khi Luật Chứng khoán 2006, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010 và Luật Chứng khoán 2019 được ban hành đến nay, công tác giám sát các hoạt động diễn ra trên TTCK nói chung, giám sát giao dịch nói riêng không ngừng củng cố, hoàn thiện.

Theo đó, sau thời điểm trước 1-1-2021 - thời điểm Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thi hành, khung pháp lý về giám sát giao dịch và giám sát tuân thủ có những thay đổi đáng kể. Đó là quy định về vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý, giám sát thị trường - UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán, công ty chứng khoán, ngân hàng giám sát.

Ngoài ra, là các quy định đảm bảo cho cơ quan quản lý, các chủ thể giám sát có đủ thẩm quyền để giám sát, thu thập thông tin, xác minh, làm rõ những dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động chứng khoán của tổ chức, cá nhân; Quy định các cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý giám sát TTCK với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh trong giám sát doanh nghiệp tham gia TTCK; Quy định về phối hợp giám sát vi phạm chứng khoán mang tính xuyên biên giới liên quan đến TTCK Việt Nam giữa UBCKNN và cơ quan quản lý TTCK các nước.

Khung pháp lý cho thị trường chứng khoán cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng sự thay đổi không ngừng của thị trường và yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Với cơ thế mới, công tác giám sát giao dịch trên TTCK được nâng lên thành giám sát 3 cấp, với việc bổ sung tuyến giám sát của công ty chứng khoán, bên cạnh giám sát của các Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) và UBCKNN.

Các cấp giám sát cũng được phân quyền rõ ràng đảm bảo thống nhất, minh bạch theo hệ thống tiêu chí phân tích báo cáo giám sát giao dịch. Còn hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MSS) được kết nối trực tiếp với hệ thống giao dịch của các SGDCK, tìm kiếm các thông tin liên quan đến nhà đầu tư trên thị trường, thu thập các báo cáo, dữ liệu giao dịch chứng khoán trên thị trường.

Ngoài ra, bộ tiêu chí cảnh báo sớm được để có thể chủ động hơn trong công tác giám sát, phù hợp với thực tế phát triển của TTCK.

Với cơ chế này, hàng loạt giao dịch có dấu hiệu “bất thường”, điển hình là vụ án "thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt, Công ty cổ phần Louis Holdings đã được các cơ quan quản lý, giám sát phát hiện.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh về quy mô, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia trong giai đoạn 2020-2021 đã khiến thị trường đối mặt với một số khó khăn nhất định trong năm 2022, khi một số cá nhân lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán một hay một số mã cổ phiếu làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, xử lý tin đồn, tin giả mạo trên TTCK.

Bên cạnh đó, việc nhiều lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bị khởi tố do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp cũng niềm tin của các nhà đầu tư tham gia thị trường vốn nói chung, gồm cả TTCK.

Cụ thể, trên nhiều diễn đàn đã xuất hiện thông tin về việc sẵn lòng “cắt lỗ” trái phiếu của nhiều doanh nghiệp với mức chiết khấu từ 10-15%. Thậm chí các nhà đầu tư sẵn sàng bán ra các chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu, những đơn vị vốn có danh mục tài sản trái phiếu từ các tổ chức phát hành có nền tảng kinh doanh tốt.

Bối cảnh này, theo lãnh đạo Bộ Tài chính và các chuyên gia, đòi hỏi cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan tới thị trường vốn nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng. Đồng thời thực hiện các giải pháp khôi phục lòng tin nhà đầu tư.

Tại một cuộc họp báo Chính phủ diễn ra gần đây, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết cơ quan này sẽ tiến hành rà soát ngay những quy định pháp luật trong Luật Chứng khoán, đề xuất Bộ KHĐT sửa đổi Luật Doanh nghiệp trình Chính phủ.

Với thị trường cổ phiếu, cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần phát triển theo hướng bền vững, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương trình Chính phủ những vấn đề pháp lý liên quan đến Nghị định 65/2022 và các quy định liên quan. Với các vấn đề trong thẩm quyền của Chính phủ sẽ xem xét giải quyết trong tháng 12 này.

Còn GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng cần sửa đổi một số pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và Một số nghị định, thông tư liên quan như Nghị định số 155/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 156/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; Nghị định số 128/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020.

Với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng phải có quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc “lách” luật để phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Ảnh minh họa: TL

Để thị trường phát triển về chất

Để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn, ông Điêu Ngọc Tuấn, Giám đốc Pháp chế và Tuân thủ thuộc Công ty chứng khoán VNDirect, khuyến nghị ưu tiên xem xét hoàn thiện, gồm sửa đổi, bổ sung một số quy định bất cập trong Luật Chứng khoán, Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành. Cụ thể là các vấn đề về hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế vận hành bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, cần giảm bớt các hạn chế đầu tư với hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán. Cần sửa đổi các quy định về phát hành và giao dịch trái phiếu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu. Ngoài ra, cũng cần có khung pháp lý cho việc ra đời tổ chức trung gian do nhà nước quản lý để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường chứng khoán trong trường hợp cần thiết.

Với nhà đầu tư cá nhân, ông Tuấn cho rằng cần bổ sung các quy định pháp lý cụ thể để tạo thuận lợi trong việc xử lý nghiêm khắc hơn nữa với các đối tượng tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

“Việc xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường hạn chế, nên trong quá trình xử lý vi phạm thì vấn đề truyền thông cần được quan tâm để làm có chiến lược hiệu quả hơn, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, tung tin đồn thất thiệt/sai sự thật làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và thị trường chứng khoán”, ông Tuấn nói với KTSG Online.

Tương tự, LS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật Sblaw, đánh giá dù quy định xử phạt hành chính đã ở mức kịch khung, song mức độ xử lí vi phạm hiện vẫn chưa đủ tính răn đe. Cụ thể, mức phạt hiện hành với hành vi mua bán cổ phiếu khoảng 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên, nhưng mực phạt tối đa chỉ 1,5 tỉ đồng với cá nhân và 3 tỉ đồng với tổ chức, theo quy định tại Nghị định 128/2021.

“Đây là một mức phạt rất thấp nếu so sánh với thiệt hại mà hành vi đó gây ra cũng như lợi ích mà người thực hiện hành vi nhận được. Điều này dẫn đến những hành vi vi phạm liên tục lặp lại, gây thao túng và lũng đoạn thị trường”, ông Hà nói.

Chuyên gia này cũng kiến nghị xây dựng cơ chế xác định mức độ thiệt hại của hành vi vi phạm với nhà đầu tư, làm cơ sở cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư khác.

Với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Cường cho rằng phải có quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc “lách” luật để phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, dù theo quy định thì các tổ chức phát hành chỉ được phát hành cho nhà đầu chuyên nghiệp và tổ chức. Theo đó, việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm phải được thực hiện với cả hai bên: bên mua và bên phát hành trái phiếu.

Về vai trò của các tổ chức tham gia thị trường, các chuyên gia khuyến nghị xây dựng quy định để hạn chế tối đa việc sở hữu chồng chéo giữa các bên tham gia thị trường. Theo đó, cần có giải pháp kiểm soát các công ty trung gian, môi giới chứng khoán và các công ty đầu tư - kinh doanh nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp vừa làm tư vấn, môi giới, vừa kinh doanh khiến hoạt động tư vấn bị méo mó, thiếu khách quan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới