(KTSG Online) - Ngày 27-7, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 (SaigonTex & SaigonFabric 2022) khai mạc tại TPHCM giới thiệu hàng trăm sản phẩm máy móc công nghệ hiện đại, thiết bị tự động và nguyên phụ liệu của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh đầu tư công nghệ tự động, chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp dệt may đầu tư nguyên phụ liệu để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTAs.
- Hàng dệt may Việt Nam gặp khó vì người Mỹ giảm chi tiêu
- Chi gần 10 tỉ đô la nhập nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày trong 4 tháng
Sau 2 năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, SaigonTex & SaigonFabric 2022 diễn ra được các chuyên gia trong ngành cho là cơ hội để doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp cận các thiết bị, máy móc tự động hóa để tăng năng suất và giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhân lực mà được cho là không còn lợi thế về giá rẻ cũng như khó tuyển dụng.
Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp lựa chọn giải pháp đầu tư hiệu quả vào quản trị và chuyển đổi số vì tự động hóa được cho là xu hướng phát triển bền vững và lâu dài.
Tại sự kiện, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho rằng sau 2 năm bị gián đoạn, các doanh nghiệp trong ngành dệt may rất mong đợi triển lãm lần này để tiếp cận công nghệ mới, cập nhật những xu hướng mới nhất của ngành.
Mặt khác, thông qua 278 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, người đứng đầu ngành dệt may mong muốn triển lãm còn tạo được sân chơi liên kết chuỗi nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp, giúp giảm ảnh hưởng tiêu cực từ nguồn cung thiếu hụt.
Ở góc độ khác, Chủ tịch VITAS cũng kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nguyên phụ liệu, nhất là nguyên liệu vải mà doanh nghiệp may mặc trong nước đang phải nhập khẩu nhiều để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Tại sự kiện, ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 40 tỉ đô la Mỹ, thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực dệt may khoảng 3.800 đô la/người/năm.
Tuy nhiên, ông Tài cũng chỉ ra rằng kim ngạch xuất khẩu dệt may dù cao nhưng giá trị gia tăng còn ở mức thấp, ngành chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá.
Từ đó, ông Tài cho rằng, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Trong bối cảnh đó, theo ông Tài, SaigonTex & SaigonFabric 2022 tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong ngành dệt may trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Trước đó, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn của ngành dệt may trong những tháng cuối năm và những năm tới, ông Vũ Đức Giang cho rằng ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng Covid-19 mới vẫn đang hiện hữu.
Nhiều quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, Chủ tịch VITAS cho rằng bản thân các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang.
VITAS cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất kiến nghị, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về vấn đề phòng dịch và sản xuất, thông tin thị trường, chi phí cảng biển, bất cập về thuế, bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
Triển lãm kéo dài đến ngày 30-7-2022 tại SECC thu hút 278 đơn vị triển lãm đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, gồm Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Mỹ, và Việt Nam.SaigonTex & SaigonFabric 2022 là triển lãm ngành dệt/may, vải và phụ liệu đạt tiêu chuẩn UFI (Hiệp hội toàn cầu về ngành triển lãm) tại Việt Nam trong những năm qua.Sự kiện được sự hỗ trợ từ các cơ quan và hiệp hội, gồm Bộ Công Thương (MOIT), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM (AGTEK), và Hiệp hội Bông Mỹ – CCI (tài trợ hội thảo).Tại đây còn có các gian hàng chung của các quốc gia và vùng lãnh thổ như National Pavilions: Korea (Kosmas, Kotmi, KTTA), Taiwan (TTF, TAMI), USA (Cotton Council International-CCI) Vietnam Fashion (VITAS, VINATEX, AGTEK).