Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội đón dòng vốn mạnh từ khu vực Âu – Mỹ

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chuyển động vốn ngoại vào nền kinh tế gần 100 triệu dân đang cho thấy nhiều hứa hẹn về dòng đầu tư đến từ các nền kinh tế phát triển ở khu vực châu Âu và Mỹ.

Được đánh giá nguồn vốn khá chất lượng, nhưng đầu tư từ Mỹ và châu Âu cũng yêu cầu cao hơn về môi trường kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ cấp phép đầu tư, giảm thủ tục hành chính, hạ tầng tốt...

Nhiều kỳ vọng cho Việt Nam thu hút nguồn vốn chất lượng từ EU và Mỹ

Nhộn nhịp đầu tư từ châu Âu

Không chỉ là hứa hẹn hoặc dừng lại các cam kết mà dòng đầu tư từ khu vực châu Âu ở Việt Nam ngày càng thực chất và từng bước đi vào thực tế. Ngay như tỉnh Bình Dương chỉ trong tuần qua đã chứng kiến việc đưa vào khai thác 2 dự án đầu tư quy mô lớn của các doanh nghiệp đến từ khu vực châu Âu.

Cụ thể ILD Coffee Việt Nam - một liên doanh giữa hai doanh nghiệp châu Âu gồm Louis Dreyfus Company (LDC) và Instanta Sp.zo.o. (Instanta), vừa khánh thành nhà máy với công suất 5.600 tấn cà phê hòa tan sấy lạnh mỗi năm tại tại Khu công nghiệp quốc tế Protrade.

Cà phê là một trong những cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 1,1 triệu tấn cà phê nhân, chủ yếu là robusta tới gần 100 thị trường. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của ngành cà phê Việt Nam hiện nay là sản phẩm chủ yếu xuất dưới dạng thô, giá trị gia tăng còn thấp.

Với việc có nhà máy cà phê hòa tan được đặt ngay tại trong nước sẽ giúp cho việc tiêu thụ cà phê của người nông dân dễ dàng hơn, đặc biệt sẽ nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện thu nhập người trồng cà phê trong tương lai.

"Liên doanh với Instanta sẽ hỗ trợ chiến lược đa dạng hóa toàn cầu của chúng tôi thông qua việc cung cấp nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng hơn, đồng thời phản ánh cam kết của chúng tôi với Việt Nam - thị trường trọng điểm của doanh nghiệp", ông Ben Clarkson, Giám đốc ngành hàng cà phê toàn cầu của LDC nói, và cho biết: "Nhà máy ILD Coffee Việt Nam cũng sẽ bổ trợ cho hoạt động kinh doanh cà phê nhân xanh robusta toàn cầu hiện tại của LDC, đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm của chúng tôi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng".

ILD Coffee Việt Nam vừa khánh thành nhà máy cà phê hòa tan với công suất 5.600 tấn/năm tại Bình Dương. Ảnh: L.Hoàng

Theo đó, nhà máy của liên doanh sẽ cung cấp các sản phẩm cà phê hòa tan để ở các thị trường châu Âu, cũng như các thị trường mới nổi ở châu Á.

Trong khi đó, FM Logistic, công ty cung cấp dịch vụ hậu cần đến từ Pháp cũng tăng cường đầu tư và đẩy mạnh chiến lược phát triển mô hình dịch vụ đa kênh tại Việt Nam với việc đưa vào khai thác Trung tâm phân phối hiện đại mới tại Bình Dương.

Trung tâm phân phối được thiết lập phục vụ đa khách hàng và đa hoạt động, bao gồm dịch vụ tiên tiến về kho bãi, quản lý vận hành hậu cần, đồng đóng gói, phân phối và thương mại điện tử...

Với diện tích trên 20.000 m2 và khả năng mở rộng lên đến 50.000 m2, cơ sở kho bãi mới của FM Logistic Việt Nam được trang bị 78 cửa xuất nhập hàng, cùng các tính năng thiết lập an toàn và bảo mật tốt nhất, với mục tiêu cung cấp đến khách hàng của FM các dịch vụ lưu trữ, quản lý, vận hành và phân phối đạt chất lượng cao, cũng như tối ưu hóa chi phí.

Theo báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) công bố hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Việt Nam là một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp châu Âu.

Cụ thể, 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quí tới. Cũng theo kết quả khảo sát của EuroCham, có hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Nhờ những ưu đãi theo Hiệp định EVFTA, theo các chuyên gia kinh tế và nhà tư vấn đầu tư, Việt Nam nổi lên như một điểm chuyển dịch hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong Liên minh châu Âu.

Không chỉ thu hút đầu tư từ các nước châu Âu, Việt Nam cũng thông qua EVFTA đẩy mạnh được việc “xuất khẩu tại chỗ". Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp EU còn nhờ thị trường gần 100 triệu dân, có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh và lực lượng lao động trẻ.

Ngoài ra, các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, cũng như xu hướng “Trung Quốc +1” cũng là yếu tố quyết định chính để kéo sự chuyển dịch đầu tư của doanh nghiệp các nước châu Âu về Việt Nam.

Kỳ vọng dòng vốn từ nền kinh tế lớn nhất thế giới

Đáng chú ý là dòng đầu tư từ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô toàn cầu đang đối mặt với các thách thức ngắn hạn, nhưng các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ vẫn nhìn nhận những cơ hội tại thị trường Việt Nam trong trung và dài hạn.

Gần đây đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho Việt Nam vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, xanh hóa.

Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng 2023, Mỹ có 72 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư là gần 490 triệu đô la, tăng 132% so với cùng kỳ năm trước.

Giới phân tích đánh giá Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng tầm giá trị chuỗi cung ứng của nhà sản xuất và đây chính là thời cơ vàng để tăng GDP. Đáng chú ý vừa qua trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã mang đến thỏa thuận về hợp tác toàn diện, và phát triển thị trường sản xuất công nghệ cao và bán dẫn giữa 2 quốc gia.

Phía trước nhà máy Intel trong khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: L.H

Trên thực tế đang có sự dịch chuyển vốn của các nhà đầu tư xứ cờ hoa đến Việt Nam. Đáng chú ý là Tập đoàn Apple của Mỹ đã chuyển dần sản xuất các thiết bị tai nghe và linh phụ kiện vào Việt Nam thông qua các đối tác lớn của hãng như Foxconn, Luxshare và Goertek...

Các tập đoàn công nghệ và bán dẫn khác cũng đang tăng cường đầu tư vào nền kinh tế gần 100 triệu dân. Đơn cử như Amkor Technology sẽ đưa vào hoạt động nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đến 1,6 tỉ đô la vào tháng này. Đây là nhà máy lớn và hiện đại của Amkor trên toàn cầu.

Synopsys đang đầu tư thành lập Trung tâm thiết kế Chip bán dẫn và Trung tâm ươm mầm sáng tạo hợp tác cùng Khu công nghệ cao TPHCM.

Còn Tập đoàn Công nghệ Marvell cũng công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TPHCM trên cơ sở nâng cấp chi nhánh công ty đặt tại Khu Chế xuất Tân Thuận (TPHCM). Với việc “nâng cấp” này, Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm mang tầm thế giới của Marvell (cùng với 3 trung tâm gồm Mỹ, Ấn Độ và Israel).

Ông Wade Cruse, Đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á của Bain & Company (Mỹ), tập đoàn tư vấn thuộc nhóm “Big 3” thế giới, nhận định Việt Nam và Ấn Độ đang là hai điểm đến thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Theo ông Cruse, các tập đoàn bán dẫn toàn cầu đều xếp Việt Nam ở vị trí nhất, nhì trong kế hoạch đầu tư của họ. Theo vị này, lợi thế thu hút đầu tư sản xuất bán dẫn của Việt Nam nằm ở hệ sinh thái dần hình thành tốt, nguồn nhân lực tài năng, kỹ thuật công nghệ và các công ty nhỏ phục vụ cho ngành vi mạch bán dẫn.

Không chỉ là lĩnh vực công nghệ mà Mỹ cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Mỹ đã và đang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, cung cấp hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp, công nghiệp chất lượng cao...với tổng vốn hàng tỉ đô la.

Các công ty và nhà đầu tư Mỹ mang những sản phẩm chất lượng cao, công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh tiên tiến đến Việt Nam. Các nhà đầu tư chất lượng cao không chỉ giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và doanh nhân trong nước...

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Mỹ.

Trụ cột kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ được kỳ vọng có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 10-9 vừa qua.

Các chuyên gia kinh tế, nhà tư vấn đầu tư đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và những thỏa thuận đạt được là điều kiện rất thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn nữa.

Nói về việc khai trương văn phòng tại Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua, theo ông Wade Cruse của Bain & Company, tập đoàn với hơn 60% công ty thuộc danh sách Fortune 500 (Top 500 công ty có doanh thu lớn nhất Mỹ) là khách hàng của Bain, vì công ty đi theo sự dịch chuyển đầu tư của khách hàng mình.

Có thể nói trong xu hướng dịch chuyển của các nhà đầu tư quốc tế nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến được lựa chọn.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Mặc dù vậy, để thu hút dòng vốn đầu tư được đánh giá là chất lượng cao từ khu vực châu Âu và Mỹ thì yêu cầu đặt ra cho nền kinh tế gần 100 triệu dân là cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Khẳng định việc gia tăng đầu tư vào Việt Nam nhưng doanh nghiệp Mỹ và châu Âu yêu cầu cao hơn về cải cách môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp phép đầu tư…

Một nhà máy có vốn đầu tư của doanh nghiệp Mỹ. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Ông Paul Wee, Giám đốc tài chính Công ty BW Industrial, cho rằng để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam cải thiện 3 vấn đề. Đó là cơ sở hạ tầng cần có thêm các tuyến cao tốc. Theo ông, các nhà đầu tư không chỉ muốn thấy các tuyến đường đang được xây dựng, mà còn muốn thấy sự đảm bảo cam kết thời gian hoàn thành đúng hạn. “Khi các dự án hạ tầng trọng điểm được đảm bảo tiến độ thì sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt, nhưng hiện đang có nhiều công trình hạ tầng trọng điểm bị trễ hẹn”, ông nói.

Với những nhà đầu tư lớn, họ cũng cần sự đảm bảo về việc cung cấp năng lượng. “Họ sẽ không chấp nhận việc được thông báo cắt điện trước 3 ngày và nhà máy của họ bị cắt điện 24 giờ gây thiệt hải trong sản xuất”, ông Paul Wee nhấn mạnh.

Mặt khác, nếu muốn thu hút nhà đầu tư công nghệ, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thì vấn đề đào tạo là rất quan trọng. Những tập đoàn quốc tế luôn cần có nguồn nhân lực lành nghề từ nước sở tại.

“Chúng ta có mục tiêu muốn đưa Việt Nam trở thành số 1 ở Đông Nam Á thì phải thay đổi. Ba yếu tố tôi vừa nói sẽ là thách thức có thể làm nhà đầu tư ngần ngại”, ông Paul Wee nói.

Khảo sát của EuroCham cũng cho thấy hơn một nửa số doanh nghiệp cho biết sẽ hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Trong số đó, 35% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thu được lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc tận dụng tối đa các thỏa thuận của Hiệp định, với các thủ tục hành chính và việc hiểu biết không đầy đủ về Hiệp định này vẫn là những rào cản chính đối với việc phát huy tối đa các lợi ích từ Hiệp định.

Kết quả khảo sát cũng cho rằng, việc đảm bảo thị thực và giấy phép lao động cho lao động nước ngoài vẫn luôn là một thách thức đối với các doanh nghiệp, với hơn 80% doanh nghiệp gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.

Thời gian xử lý kéo dài là vấn đề cấp bách nhất. Ngoài ra, gần một nửa số công ty được khảo sát gặp khó khăn với quy trình giải trình cho việc thuê lao động nước ngoài. Những trở ngại này ảnh hưởng tới việc chuyển giao kiến thức cho nhân sự Việt Nam và ảnh hưởng đến 3/4 số công ty được khảo sát.

Báo cáo nhấn mạnh về góc nhìn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu về sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, với 53% cho rằng cơ sở hạ tầng hiện tại "không tương xứng" hoặc "tụt hậu". Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề này, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm như lĩnh vực đường cao tốc.

Báo cáo của EuroCham cũng nhấn mạnh rằng các quy định không rõ ràng (53%) và thủ tục hành chính rườm rà (50%) là những rào cản pháp lý chính hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài chính để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam Jean-Jacques Bouflet, để giải quyết những thách thức hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện đa dạng giải pháp thiết thực, nhất là bằng cách đẩy nhanh nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Mặt khác, theo các công ty tư vấn đầu tư, thời điểm áp dụng thuế tổi thiểu toàn cầu (GMT) đang ngày càng tới gần, sẽ làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy định thuế mới này.

Để thu hút được nhiều vốn đầu tư có chất lượng cao từ EU và Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh minh họa: L.H

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) cũng lưu ý về môi trường đầu tư để thu hút và giữ chân các “đại bàng”, trong đó có doanh nghiệp Mỹ phải tập trung cải thiện thủ tục, cần làm nhanh, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa và các chính sách cần sự ổn định. Đồng thời cần có các chính sách phi thuế quan để đảm bảo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư thông qua hỗ trợ phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D)...

Ông Don Lam, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ đặc biệt quan tâm đến Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao.

Tuy nhiên, ông Don Lam cũng cho rằng, việc phát triển chip bán dẫn không chỉ đơn giản chỉ là xây một nhà máy. Quá trình này đòi hỏi một hệ thống sinh thái đi kèm gồm các thành phần như cơ sở hạ tầng, nguồn điện lưới, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, các cơ sở nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn đủ lớn, trong đó có sự tham gia của các quỹ đầu tư… mới xây dựng và hình thành hệ sinh thái ổn định và bền vững.

“Đòi hỏi hàng đầu được doanh nghiệp châu Âu đặt ra khi đến Việt Nam là cải cách thể chế, môi trường đầu tư và thủ tục hành chính. Đặc biệt, xu hướng mới trên thế giới hiện nay thay đổi rất nhiều, nhất là sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững, quyền con người”, đại diện Eurocham lưu ý.

Xu thế của dòng vốn đầu tư quốc tế ngày càng tập trung vào công nghệ cao, kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn. Để Việt Nam đón được dòng vốn này, thì môi trường đầu tư kinh doanh cần sự ổn định hơn, hạn chế sự thay đổi hoặc chưa có sự thống nhất về chính sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới