(KTSG Online) - Quí 1-2023, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ đưa khoảng 100 doanh nghiệp của nước sở tại sang Việt Nam khảo sát thị trường, tạo điều kiện thiết lập các dự án hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ cao, sản xuất… Gần đây, Việt Nam cũng đang mở rộng hợp tác về thương mại và đầu tư với nhiều thị trường lớn như Hàn Quốc, Mỹ.
- Thương mại châu Âu – Mỹ bùng nổ giữa cơn biến động kinh tế toàn cầu
- Việt Nam – Campuchia ký kết nhiều văn kiện kinh tế, thương mại quan trọng
Theo TTXVN, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông đã thiết lập, trao đổi với cơ quan chính quyền, hiệp hội, doanh nghiệp Hong Kong để tăng kết nối giữa hai nước. Trong 10 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 100 dự án của nhà đầu tư Hồng Kông được cấp giấy phép tại Việt Nam với vốn đăng ký gần 752,2 triệu đô la Mỹ.
Quí 1-2023, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông sẽ đưa khoảng 100 doanh nghiệp nước sở tại sang Việt Nam tham gia khảo sát thị trường, kết nối và tạo điều kiện thiết lập các dự án hợp tác song phương. Nhất là trên những lĩnh vực như tài chính, thương mại, đầu tư, sản xuất, công nghệ cao…
Thời gian gần đây, Việt Nam cũng tiến hành giao lưu, mở rộng hợp tác về thương mại và đầu tư với các nước, trong đó có Hàn Quốc, Mỹ.
Được biết, từ ngày 20-11 đến 1-12, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đoàn doanh nghiệp sang học tập và khảo sát thị trường Mỹ về xây dựng chiến lược kinh doanh thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia giới thiệu sản phẩm trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ phần mềm, nông sản, dược phẩm, các sản phẩm nhựa, đồ gỗ xuất khẩu, dịch vụ ngân hàng, công nghệ thông tin… Mục tiêu là để doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận và thiết lập dự án hợp tác với Mỹ; nắm bắt cơ hội trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm các nguồn hàng thay thế do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với Hàn Quốc, thị trường này đang có những động thái khuyến khích hoạt động đầu tư và hợp tác khoa học công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc, ngành này đang thiếu hụt khoảng 3.000 nhân lực mỗi năm nên mở rộng cửa với lực lượng lao động nước ngoài. Trong đó, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Việt. Về phía Việt Nam, các công ty trong nước cũng đang tiến hành các hoạt động như xuất khẩu các giải pháp phần mềm, cung cấp dịch vụ offshore, xuất khẩu kỹ sư chất lượng cao.