(KTSG Online) - Kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi trong năm 2025, với động lực chủ yếu đến từ các yếu tố trong nước như tiêu dùng nội địa, đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản phục hồi. Đây là cơ sở để các quỹ đầu tư đặt mục tiêu tăng hiệu suất, mở rộng quy mô tài sản trong năm 2025.
- Các quỹ đầu tư cổ phiếu chủ động thất thế trước chiến lược thụ động
- Thủ tướng đề nghị quỹ đầu tư quốc gia của Qatar đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam
Năm ‘ăn nên làm ra’ của quỹ đầu tư
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua 4 tháng đầu năm 2024 có những diễn biến tích cực, rồi biến động mạnh trong xu hướng đi ngang khiến nhiều nhà đầu tư ghi nhận hiệu quả đầu tư ở mức thấp. Ngược lại, không ít quỹ đầu tư cổ phiếu báo hiệu suất vượt trội so với thị trường chung.
Chẳng hạn, hiệu suất quỹ cổ phiếu VMEEF của VinaCapital đạt mức 31,09% trong 11 tháng đầu năm ngoái dù thị trường trong giai đoạn khó “kiếm lời”, theo số liệu từ Fmarket.vn. Ngoài ra, nhiều quỹ khác như SSISCA với 28,52%, VLGF với 25,07%, VCBF-BCF với 22,38%, BVPF với 22,02% cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Mức này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 10,67% của chỉ số VnIndex cùng giai đoạn.
Với quỹ trái phiếu, có 20/23 quỹ báo có mức sinh lợi cao hơn lãi suất tiết kiệm trong 11 tháng đầu năm 2024. Trong đó, TCBF dẫn đầu với hiệu suất 12,3%, kế tiếp là MBBOND 7,5%, theo số liệu của FiinTrade.
Nói về thành công của các quỹ thuộc VinaCapital, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối đầu tư chứng khoán cho rằng, sự chọn lọc kỹ lưỡng về danh mục doanh nghiệp đầu tư cùng việc xây dựng một danh mục tối ưu giữa lợi nhuận và rủi ro là yếu tố then chốt để các quỹ đạt được hiệu suất cao.
Theo đó, các quyết định đầu tư được xây dựng với tầm nhìn dài hạn và dựa trên giá trị căn bản của doanh nghiệp, do đội ngũ phân tích và đầu tư dày dạn kinh nghiệm, khả năng dự báo tốt, sâu sát với tình hình vĩ mô và từng doanh nghiệp trong danh sách theo dõi đầu tư.
“Chúng tôi luôn có chiến lược đầu tư phù hợp với các bối cảnh khác nhau của thị trường, tuân thủ chặt chẽ quy trình đầu tư cũng như áp dụng tư duy quản trị rủi ro xuyên suốt”, bà Thu nói.
Không chỉ VinaCapital, quỹ VLGF của SSIAM cũng đạt hiệu suất 28,6% nhờ chiến lược đầu tư tập trung vào các cổ phiếu bluechip, có tiềm năng tăng trưởng dài hạn như FPT, ACB, MWG, MBB, PNJ, VCB.
Nhìn rộng hơn, dù khác nhau về chiến lược và phương pháp đầu tư nhưng các quỹ đều “ưu ái” cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, với tỷ trọng khoảng 25-30%/tổng giá trị đầu tư. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành công nghệ thông tin (FPT) và bán lẻ (MWG, PNJ) cũng được các quỹ lựa chọn là khoản đầu tư ưu tiên trong danh mục.
Theo thống kê của Fmarket.vn, các cổ phiếu được nhiều quỹ mở nắm giữ nhất gồm ACB, FPT, MBB, MWG và CTG. Trong đó, có 27 quỹ nắm giữ cổ phiếu ACB. Nhiều quỹ phân bổ ACB với tỷ trọng lớn trong danh mục như MBVF (17,46%), VLGF (15,1%), BVPF (12,05%) và VMEEF (8,51%).
Điều này phần nào thể hiện định hướng đầu tư dựa trên giá trị nền tảng của doanh nghiệp, khi các cổ phiếu trong danh mục đều thuộc về các doanh nghiệp lớn, nắm giữ nhiều lợi thế cạnh tranh trong ngành.
Chẳng hạn, với ACB, lợi thế mảng khách hàng cá nhân cùng mặt bằng lãi suất thấp giúp ngân hàng này đạt được kết kinh doanh tốt trong 9 tháng đầu năm 2024. Báo cáo tài chính quí 3-2024 của ACB cũng ghi nhận mức tín dụng cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân ngành. Lợi nhuận trước thuế ở mức 15.300 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ACB, phần lớn ngân hàng niêm yết đều công bố kết quả kinh doanh và thông tin tích cực, giúp nhóm cổ phiếu vua có diễn biến tương đồng.
Cơ hội lớn mở ra với ngành quỹ
Với đà tăng trưởng ổn định, quỹ mở đang nổi lên như một điểm sáng đầu tư trên thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn.
Nói về tiềm năng của ngành quỹ, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đánh giá, ngành quỹ đang có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua sự tăng trưởng về số lượng tài khoản chứng chỉ quỹ tăng, các phiên giao dịch của chứng chỉ quỹ cũng tăng… Nếu nhìn vào các con số tuyệt đối, ngành quỹ hiện ở giai đoạn đầu của tiến trình phát triển, tổng giá trị tài sản các quỹ nắm giữ ở mức khiêm tốn so với nhiều thị trường trong khu vực.
Ông Vương Khắc Huy, Trưởng phòng phân tích và đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam (DFVN), cho rằng các yếu tố chính thu hút nhà đầu tư đến với chứng chỉ quỹ ngày càng thể hiện rõ nét. Chẳng hạn, nhận thức của nhà đầu tư về chứng chỉ quỹ đã cải thiện đáng kể khi các công ty quản lý quỹ tích cực đẩy mạnh truyền thông, tăng cường tần suất xuất hiện và phổ biến thông tin rộng rãi hơn.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trung gian phân phối đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận sản phẩm. Trong đó, sự bùng nổ của công nghệ tài chính (fintech) mang đến những trải nghiệm đầu tư tiện lợi hơn nhờ các tính năng hiện đại như eKYC (định danh điện tử), nâng cấp cơ sở hạ tầng, giúp nhà đầu tư dễ dàng tham gia vào thị trường chỉ bằng vài thao tác trực tuyến.
Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ cũng thu hút nhà đầu tư nhờ tính an toàn pháp lý cao, bởi hoạt động của quỹ đều được công bố minh bạch theo quy định pháp luật và giám sát độc lập.
“Chứng chỉ quỹ trong năm 2025 được đánh giá không chỉ là công cụ đầu tư ngắn hạn mà còn là giải pháp tích lũy dài hạn, phù hợp với các mục tiêu tài chính bền vững. Khi nền kinh tế bước vào chu kỳ mới với lãi suất ở mức thấp, cơ hội đầu tư vào chứng chỉ quỹ để gia tăng lợi nhuận kỳ vọng ngày càng trở nên hấp dẫn”, ông Huy dự báo.
Về chiến lược đầu tư, đại diện VinaCapital đánh giá, các nhóm ngành mang tính chất chu kỳ sẽ hưởng lợi, tăng trưởng hơn cao hơn trong năm 2025, giai đoạn kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng. Tiếp đến là các nhóm ngành, gồm tài chính, công nghệ, công nghiệp, nguyên vật liệu.
Theo đó, động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đến từ đầu tư trong nước, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Các nhóm ngành tiêu dùng, xây dựng, vật liệu xây dựng có khả năng sẽ thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư.
Ngoài ra, xu hướng phát triển công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại sự thay đổi lớn cho kinh tế toàn cầu. Những tập đoàn lớn cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, AI. Do đó, nhà đầu tư cũng cần tập trung vào nhóm ngành này.
Với ngành ngân hàng, đại diện VinaCapital cho rằng, mức định giá hiện đang tương đối hấp dẫn cho chiến lược đầu tư dài hạn. "Dù ở bất kỳ ngành nào, việc lựa chọn cổ phiếu luôn mang tính quan trọng. Trong một ngành tốt vẫn có những công ty không tốt hoặc đã bị đẩy giá lên quá đắt. Ngược lại, trong một ngành có thể chưa tốt, nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy được công ty có tiềm năng tăng trưởng cao”, vị này nói.