Thứ Hai, 1/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội nào cho phát triển bảo hiểm bằng sáng chế tại Việt Nam

Nguyễn Hoàng Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sở hữu trí tuệ được đánh giá là một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa được bảo hiểm đầy đủ. Bảo hiểm bằng sáng chế ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của bên tham gia bảo hiểm khỏi các tổn thất tài chính khi rủi ro xảy ra. Các sản phẩm bảo hiểm bằng sáng chế ra đời xuất phát từ những rủi ro vi phạm bằng sáng chế trên thị trường. Rủi ro từ việc doanh nghiệp cố ý hoặc vô ý xâm phạm quyền sáng chế có hiệu lực của người khác do nhiều lý do khác nhau trong quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) và thị trường hóa.

Bảo hiểm bằng sáng chế là một loại hình bảo hiểm sở hữu trí tuệ, cung cấp bảo hiểm cho những tổn thất liên quan đến hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế.

Bảo hiểm bằng sáng chế tồn tại dưới hai hình thức cơ bản, bao gồm phòng vệ (defensive) và thực thi (enforcement), theo báo cáo mùa xuân 2019 của InsuranceERM. Đối với phòng vệ, bảo hiểm chi trả chi phí kiện tụng, bào chữa và các khoản bồi thường thiệt hại nếu người được bảo hiểm bị kiện (bị đơn) vì vi phạm bằng sáng chế của nguyên đơn.

Ngược lại, đối với thi hành, còn gọi là giảm bớt (abatement), bảo hiểm chi trả các chi phí kiện tụng của nguyên đơn để truy đuổi một (hoặc nhiều) bị đơn đã khai thác, sử dụng sáng chế của nguyên đơn không đúng cách.

Từ những năm 1990, nhiều doanh nghiệp ở Mỹ đã tham gia thị trường bảo hiểm về sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hiểm bằng sáng chế nói riêng như Intellectual Property Insurance Services Corporation (IPISC). Tại châu Âu, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) vào năm 2018 đã có những chính sách phát triển các sản phẩm bảo hiểm về bằng sáng chế một cách lâu dài.

So với các quốc gia tại Mỹ và châu Âu, sản phẩm bảo hiểm bằng sáng chế tại châu Á hầu như chưa phát triển mạnh, mới chỉ có số ít quốc gia đã tiếp cận có thể kể đến là Trung Quốc và Singapore. Bảo hiểm thực thi bằng sáng chế và bảo hiểm tổn thất do vi phạm bằng sáng chế được thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đưa vào thí điểm thực tế kể từ năm 2020.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm khác dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới như bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đại lý bằng sáng chế, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý do vi phạm bằng sáng chế ở triển lãm nước ngoài và nhiều sản phẩm liên quan khác.

Thực tiễn xét xử và giải quyết tranh chấp cho thấy vi phạm trách nhiệm bảo hiểm bằng sáng chế có thể bị loại trừ trong một số trường hợp, tiêu biểu như khi có sự sai sót trong việc công nhận các bằng sáng chế liên quan, thể hiện trong danh mục bằng sáng chế hay lỗi phát sinh trong việc đánh giá hành vi vi phạm bằng sáng chế liên quan của cơ quan tài phán dẫn đến việc bằng sáng chế bị loại khỏi danh sách các bằng sáng chế được công nhận.

Như vậy, thời điểm bằng sáng chế hết hiệu lực, bảo hiểm bằng sáng chế sẽ không còn hiệu lực. Khi đó, công ty bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Bằng sáng chế là động lực vô hình để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Tại Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm bằng sáng chế chưa được hình thành. Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế tại Việt Nam trong năm 2023 đã tăng 10,6% so với năm trước.

Trên con đường hội nhập khoa học công nghệ, đặc biệt với những thiết kế công nghiệp có khả năng ứng dụng, thương mại hóa cao, mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp, nhu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ ngày càng tăng. Chính vì vậy, đây là sản phẩm hoàn toàn mới và sẽ có nhiều tiềm năng khai thác.

Các tranh chấp về vi phạm bằng sáng chế có những đặc thù chuyên môn, cần được giải quyết bởi những chuyên gia có trình độ và tính chuyên nghiệp cao. Thông thường, những mâu thuẫn liên quan đến bằng sáng chế trên thế giới đều được khởi kiện tại cơ quan tài phán.

Ở Việt Nam, cơ quan tài phán có thẩm quyền trong những tranh chấp về sở hữu trí tuệ là tòa án. Mặt khác, những tranh chấp liên quan đến tài sản vô hình nói chung và bằng sáng chế nói riêng thường có giá trị lớn hơn khá nhiều so với tranh chấp tài sản hữu hình.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Luật Sở hữu trí tuệ Mỹ, thời gian để một vụ việc bằng sáng chế được đưa ra xét xử là từ 1-3 năm, với chi phí cho kiện tụng và bồi thường thiệt hại bằng sáng chế vào khoảng từ 2,3-4 triệu đô la Mỹ. Phát triển bảo hiểm bằng sáng chế có thể là phương thức tiếp cận để tối ưu chi phí của cá nhân, tổ chức trong thời gian giải quyết tranh chấp và giảm thiểu tối đa thiệt hại phát sinh.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới