Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có nên bỏ HĐND quận, huyện, phường?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên bỏ HĐND quận, huyện, phường?

Minh Khuê

(TBKTSG) – Việc bỏ hội đồng nhân dân (HĐND) quận, huyện, phường là một vấn đề hết sức quan trọng, cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng rộng rãi.

Báo cáo của Bộ Nội vụ về tổng kết bước một thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cho rằng hoạt động của các cơ quan này mang tính hình thức, không hiệu quả. Kết quả thực hiện thí điểm bỏ HĐND ở 10 tỉnh với 67 huyện, 32 quận, 483 phường cho thấy vẫn bảo đảm thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân tại địa phương, với bằng chứng là các cuộc tiếp dân, tiếp xúc với cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội đều tăng so với khi chưa thí điểm. Các địa phương thực hiện thí điểm đều nhất trí cao với chủ trương bỏ HĐND quận, huyện, phường.

Mặc dù Nghị quyết 26 của Quốc hội quy định về thí điểm đến hết nhiệm kỳ của Quốc hội 2011-2016, nhưng Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội mở rộng việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trong phạm vi cả nước ngay từ tháng 5-2011, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp liên quan đến HĐND và một số văn bản pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, việc bỏ HĐND quận, huyện, phường là một vấn đề hết sức quan trọng, cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng rộng rãi.

Ai thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương ?

Hiến pháp đã quy định rõ HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Trong khi chưa có nghiên cứu một cách tổng thể về lý luận cũng như thực tiễn về định hướng thay đổi bộ máy nhà nước thì việc bỏ một số cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong bộ máy nhà nước có đơn giản như vậy không?

Các địa phương khi được hỏi ý kiến về chủ trương bỏ HĐND đều nhất trí cao vì nếu bỏ HĐND thì mọi quyền lực nhà nước sẽ tập trung vào UBND cùng cấp, tạo cho UBND quyền được tự quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, ngân sách, bổ nhiệm nhân sự.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay hoạt động của các cơ quan hành chính của nước ta còn nhiều bất cập, quan liêu, tham nhũng, trong khi các cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của bộ máy hành chính chưa hiệu quả. Đặc biệt là bất cập về cơ chế bổ nhiệm, quản lý và sử dụng nhân sự chưa bảo đảm minh bạch, công bằng thì cơ chế nào sẽ bảo đảm việc thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương một cách khách quan, công bằng, hiệu quả?

Không chỉ liên quan đến Hiến pháp, đề xuất bỏ HĐND quận, huyện, phường cần phải được nghiên cứu đồng bộ với việc sửa đổi cơ chế quản lý bộ máy hành chính nhà nước được quy định trong các Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Người dân có muốn bỏ HĐND quận, huyện, phường?

Đề án của Bộ Nội vụ cho rằng tính đại diện và quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn quận, huyện, phường đã thực hiện thí điểm trong thời gian qua vẫn bảo đảm phát huy, thông qua hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp trên, thông qua Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, hoạt động tiếp công dân, việc công bố thông tin, tiếp thu ý kiến, giải quyết các đề xuất, kiến nghị từ nhân dân của UBND quận, huyện, phường. Các đánh giá này chưa phải là kết quả nghiên cứu khoa học một cách khách quan, độc lập. Do đó, chưa thể là các căn cứ thực tiễn đủ sức thuyết phục thay đổi một bộ phận trong bộ máy nhà nước.

Có người đặt câu hỏi tại sao bỏ HĐND ở quận, huyện, phường, mà vẫn giữ HĐND ở xã, phải chăng HĐND xã hoạt động tốt hơn? Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25-8 vừa qua cho rằng, rất nhiều vấn đề bức xúc nhưng HĐND cấp huyện, xã không thực hiện được nội dung giám sát và cũng không phát hiện được nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Nhiều nghị quyết của HĐND bị lệ thuộc vào định hướng của cấp ủy, phụ thuộc vào nghị quyết của HĐND cấp trên, thiếu sự chủ động, sáng tạo, làm cho chất lượng những quyết định của HĐND các cấp bị hạn chế nhiều.

Tuy vậy, nếu bỏ hẳn HĐND quận, huyện, phường thì nên lấy ý kiến nhân dân trong phạm vi cả nước vì đây là quyền lợi trực tiếp của người dân, người dân phải được hỏi ý kiến trước khi quyết định. Đặc biệt, cần quan tâm đến các biện pháp thay thế cho cơ chế hoạt động của HĐND quận, huyện, phường nhằm bảo đảm dân chủ, bảo vệ quyền lợi của người dân thiết thực nhất, để các ý kiến của người dân được giải quyết một cách thỏa đáng, thuận lợi nhất. Có như vậy, mới tiến tới xây dựng được một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới