Có nên cho người nước ngoài mua condotel?
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Dù việc cho người nước ngoài mua condotel có lợi về mặt kinh tế nhưng nhiều ý kiến cho rằng chưa nên cho người nước ngoài mua condotel.
Các căn hộ condotel xây dựng dọc bờ biển Nha Trang. Ảnh: Thành Hoa |
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn từ dịch Covid-19, Bộ Xây dựng mới đây đã đề xuất và trình Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch (gọi chung là căn hộ condotel) tại Việt Nam.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, cho rằng nếu xét về mặt kinh tế thì đề xuất của Bộ Xây dựng về việc tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu condotel tại Việt Nam là việc nên làm.
Ông Khương dẫn Luật kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1- 7- 2015, cho phép đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mở rộng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
“Việc bán bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu bất động sản tại chỗ, việc người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay căn nhà tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam. Không những thế, việc sở hữu bất động tại Việt Nam còn tăng thêm chi tiêu dùng, dòng tiền ngoại hối đổ về các lĩnh vực kinh tế khác, như du lịch, dịch vụ, tài chính cũng tốt theo”, ông Khương phân tích.
Ngoài ra, xu thế về việc nhận nguồn đầu tư từ nước ngoài cho các sản phẩm du lịch cũng đã và đang triển khai khá hiệu quả ở các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan, Singapore...
Không đồng tình với nhận định này của ông Khương, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, phân tích đã có tình trạng phát triển nóng các dự án căn hộ du lịch (condotel) trong thời gian qua và chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch, ổn định và bền vững. Hiện nay, đã xuất hiện hiện tượng cá nhân người nước ngoài núp bóng, mua chui bất động sản tại một số vị trí "nhạy cảm", nhất là khu vực ven biển.
Bên cạnh đó, khung pháp lý về condotel chưa xây dựng hoàn chỉnh để quản lý tốt đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh condotel.
Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở (sổ đỏ), lẽ ra phải cấp sổ theo thời hạn của dự án, theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn, thiếu kiểm soát và có tình trạng một số địa phương vượt rào cấp sổ đỏ cho condotel trái quy định pháp luật.
Trước sự cảnh báo của Bộ Quốc phòng và kiến nghị của Bộ Công an về việc không nên phát triển thêm
các dự án condotel, không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở, ông Châu cho rằng chưa nên cho phép người nước ngoài mua và sở hữu condotel tại Việt Nam.
"Người nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel, thì thực hiện theo phương thức đầu tư tài chính theo quy định của Luật Đầu tư", ông Châu đề xuất.
Về những mối lo ngại về an ninh, quốc phòng khi cho người nước ngoài mua condotel, ông Sử Ngọc Khương đưa ra ba giải pháp. Một là cần phải sắp xếp các dự án condotel ở những vị trí không gây tác động đến an ninh quốc phòng.
Thứ hai, du lịch cần phải phát triển và hết sức hấp dẫn để khi nhà đầu tư đang cân nhắc chi tiền cho một căn hộ hay villa thì sẽ thu lại được lợi nhuận trên nhiều năm vì nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
Thứ ba, tháo gỡ rào cản thủ tục pháp lý tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, từ đó thu hút không chỉ bất động sản nhà ở mà còn là nguồn đầu tư nước ngoài vào các loại hình dịch vụ, kinh doanh, sản xuất...
Mời xem thêm:
Người mua condotel đối mặt nguy cơ không được trả lợi nhuận vì Covid-19?
Lấn cấn tính pháp lý của loại hình condotel