(KTSG) - Do cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xác định dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay tại nước ngoài nên Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì áp thuế 0% như trước. Giải pháp đánh thuế cho dễ quản lý như vậy kéo theo nhiều hệ lụy.
- Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để gỡ vướng trong thực thi
- Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng về 8% trong 6 tháng năm 2024
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5-2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 10-2025. Trong đó, khoản 1, điều 9 của dự thảo luật quy định theo hướng sẽ đánh thuế với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì cho phép hưởng thuế suất 0% như trước. Cụ thể, chỉ còn dịch vụ vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan được hưởng thuế suất 0%. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu thuế suất tương ứng, về cơ bản là mức 10%.
Lý do sửa đổi là thời gian qua, việc áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0% đối với dịch vụ xuất khẩu gặp vướng mắc vì nhiều trường hợp rất khó khăn trong việc xác định dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay tại nước ngoài. Cũng vì không có tiêu chí cụ thể nên một số trường hợp bị truy thu thuế do cơ quan thuế xác định lại dịch vụ không được áp dụng thuế suất 0%.
VCCI lo ngại các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh với đối thủ từ quốc gia khác nếu phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu.
Góp ý với Bộ Tài chính về nội dung này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh với đối thủ từ quốc gia khác nếu phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu. “Thì mình đành sang Singapore mở công ty vậy” - giám đốc một doanh nghiệp công nghệ nói vậy với người chắp bút cho bản góp ý của VCCI - ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế.
VCCI cho biết, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20 tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm - cao hơn tăng trưởng GDP. Việt Nam đang nhập siêu dịch vụ ở mức hơn 10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Để cung cấp dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp thường không bị yêu cầu vốn đầu tư quá lớn như công nghiệp chế biến chế tạo, phù hợp với một nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam. Thêm vào đó, xuất khẩu dịch vụ trên môi trường Internet hiện nay giúp quảng bá hình ảnh đất nước và làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.
“Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hóa luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào”, VCCI khẳng định.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của VCCI cho thấy, các quốc gia đều áp thuế suất 0% thuế giá trị gia tăng cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào; hiện chưa tìm thấy trường hợp nào đánh thuế đối với dịch vụ xuất khẩu. Về kinh nghiệm, các nước thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Để bảo đảm kê khai thuế chính xác, các nước yêu cầu doanh nghiệp hạch toán riêng doanh thu từ người dùng trong nước và nước ngoài, sử dụng nhiều biện pháp kiểm tra như dữ liệu từ các nền tảng trung gian (Google, Apple…), IP của người dùng, và dữ liệu thanh toán ngân hàng. Các thông tin này được thu thập, phân loại và quản lý theo rủi ro.
Quả đúng là cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xác định dịch vụ xuất khẩu! Thế nhưng, áp thuế cho dễ quản lý không phải là một giải pháp hiệu quả, hơn thế còn kéo theo nhiều hệ lụy. Rõ nhất là việc này cũng tương đương với một biện pháp hạn chế xuất khẩu bằng thuế quan.
Thời gian qua, để đảm bảo hạch toán riêng giữa doanh thu từ người dùng trong nước và người dùng nước ngoài, một số doanh nghiệp trong nước đã phải tách sản phẩm thành hai phiên bản để cung cấp cho hai thị trường khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp này phát sinh nhiều vấn đề và làm tăng chi phí vận hành, cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp.
Cũng theo VCCI, hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam ra nước ngoài mở doanh nghiệp diễn ra ngày càng phổ biến. Ngoài việc có được ưu thế về huy động vốn từ nhà đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi, thì vấn đề thuế cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Nếu mở doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp cho người dùng nước ngoài, sản phẩm sẽ phải chịu hai lần thuế giá trị gia tăng cho hai quốc gia. Nhưng nếu mở doanh nghiệp tại nước ngoài để cung cấp cho người dùng tại Việt Nam thì chỉ phải chịu một lần thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam.
Với những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Quay lại đề xuất của Bộ Tài chính, quả đúng là cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xác định dịch vụ xuất khẩu! Vậy nhưng, áp thuế cho dễ quản lý không phải là một giải pháp hiệu quả, hơn thế còn kéo theo nhiều hệ lụy. Rõ nhất là áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu cũng tương đương với một biện pháp hạn chế xuất khẩu bằng thuế quan. Điều này khiến dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam có giá cao hơn, kéo theo đó, cả năng lực cạnh tranh và xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam ra nước ngoài đều giảm.
Hiện nay, các quốc gia phát triển có xu hướng tăng cường xuất khẩu dịch vụ, vì nhóm ngành này tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với hàng hóa, dịch vụ khác; không gây ô nhiễm môi trường, không làm cạn kiệt tài nguyên khoáng sản; đồng thời phát huy được tài nguyên con người - nhân tố quan trọng nhất của ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia còn trợ cấp cho xuất khẩu, phá giá nội tệ nhằm nâng năng lực cạnh tranh xuất khẩu của quốc gia. Trong bối cảnh như vậy, đề xuất của Bộ Tài chính lại theo hướng ngược lại và làm giảm năng lực xuất khẩu của nước ta. Đề xuất này cũng không phù hợp với định hướng phát triển xuất khẩu của nước ta và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.