Có nên sắp xếp lại lực lượng hàng xáo?
Hồ Hùng
Hàng xáo (bên phải) đang mua lúa ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
(TBKTSG) - Thời gian qua, đã có những ý kiến cho rằng nên “xóa sổ” hay chí ít là giảm bớt lực lượng hàng xáo (có người gọi là thương lái) nhằm xóa bớt những tầng nấc trung gian, giúp nông dân có lợi hơn khi bán lúa. Tuy nhiên, xin nói ngay đó là điều rất khó khả thi, ít nhất là trong bối cảnh nông dân vẫn canh tác nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.
Theo một chuyên gia về lúa gạo, chỉ riêng tỉnh Đồng Tháp, hàng năm nông dân đã cung ứng khoảng 1 triệu tấn gạo. Trong đó, Công ty cổ phần Lương thực Đồng Tháp, doanh nghiệp mua lúa, gạo chủ lực của tỉnh này, chỉ mua vào khoảng 0,2 triệu tấn. Số còn lại, nhờ đâu nông dân tiêu thụ hết? Chính nhờ lực lượng hàng xáo đảm nhận. Họ lặn lội xuống những vùng nông thôn hẻo lánh để mua từng chút lúa, gạo rồi cung ứng lại cho các doanh nghiệp ở Đồng Tháp và cả các tỉnh lân cận.
Xóa sổ lực lượng hàng xáo, ở một góc độ nào đó, cũng tương tự việc chấm dứt hoạt động của những người mua gánh bán bưng ở các đô thị. Tức là, thay vì người nội trợ (ở đây là doanh nghiệp) có thể ngồi nhà để mua hàng, thì lại phải cất công, rồi bỏ thêm chi phí để đến chợ (còn doanh nghiệp phải cử người đến các vùng nông thôn) mua hàng. Đến chợ mua hàng, giá có thể rẻ hơn, nhưng chắc chắn chi phí đi lại sẽ cao hơn nhiều.
Hiện tại, lực lượng hàng xáo đã tự tổ chức khá bài bản. Một hàng xáo lớn có thể nắm trong tay 5-10 chiếc ghe mua lúa gạo, thông tin về giá cả được cập nhật từng giờ từ các doanh nghiệp, để đảm bảo không bị hố khi ra giá mua. Lãnh đạo một công ty lương thực ở ĐBSCL nói rằng, chỉ cần một doanh nghiệp trên địa bàn tăng giá mua lúa lên 50 đồng/ki lô gam thì ngay trong ngày, các doanh nghiệp khác phải nâng giá theo, trước “sức ép” của hàng xáo. Điều đó chứng tỏ rằng, việc cập nhật thông tin của lực lượng này rất đáng nể.
Nhiều hàng xáo còn “cài” hẳn người của mình ở từng xã, ấp. Nắm rõ tình hình thu hoạch lúa, loại lúa canh tác, ngày giờ thu hoạch... trên địa bàn, nên những người này sẽ thông tin lại rất nhanh nhạy cho các hàng xáo. Nhờ vậy, thay vì tốn xăng dầu, công sức chạy khắp nơi tìm mua lúa, gạo, các hàng xáo có thể ung dung dong ghe đến thẳng nhà nông dân nào đó muốn bán lúa, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Doanh nghiệp chắc chắn khó có thể tổ chức được lực lượng thu mua lúa, gạo bài bản và tiết kiệm như vậy.
Chính Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng thừa nhận, trong quá trình thu mua lúa, gạo xuất khẩu, nếu không có lực lượng hàng xáo thì không được. Vậy mà mới đây, VFA lại đưa ra ý tưởng tổ chức lại hoạt động mua, bán của lực lượng hàng xáo.
Theo đề nghị của VFA, UBND các tỉnh, thành cần chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức lại lực lượng hàng xáo và doanh nghiệp sẽ thỏa thuận, hướng dẫn hàng xáo cách mua lúa gạo với một số quy định cần tuân thủ.
Cụ thể, hàng xáo phải đăng ký số lượng lúa, gạo trong một chuyến đi, thời gian bao nhiêu ngày/chuyến và doanh nghiệp sẽ thông báo giá với họ. Khi đi mua về, nếu giá thị trường xuống thấp, doanh nghiệp vẫn mua vào đúng với giá đã báo. Ngược lại, nếu giá lên doanh nghiệp sẽ mua theo giá thị trường. Theo VFA, đây là việc làm bảo đảm lợi ích cho họ và cũng là cách để quản lý giá mua lúa, gạo, tránh việc nông dân bị ép giá.
Liệu một hệ thống mua lúa, gạo đang hoạt động bài bản và ổn định, có dễ sắp xếp lại theo ý tưởng của VFA? Rất khó! Với sự linh động vốn có của mình, làm sao các hàng xáo có thể phát huy hết sở trường khi phải nhận sự “chỉ đạo” thông qua từng doanh nghiệp, với phán đoán, nhận định thị trường khác nhau.
Dù rằng, đồng lời được đảm bảo nhưng chưa hẳn các hàng xáo đã hài lòng bởi họ không thích cào bằng và có thể chấp nhận rủi ro để có thể thu lãi ở mức cao nhất. Và tất nhiên, họ cũng muốn được thoải mái chọn nơi bán lúa gạo mà họ hài lòng nhất, thay vì chỉ “đóng khung” với một doanh nghiệp.
Điều khó nhất là trong khi nông dân trồng hàng trăm giống lúa khác nhau, nếu hàng xáo có nhiều doanh nghiệp để bán lúa thì họ sẽ tha hồ mua và chọn từng nơi bán cho các loại lúa. Còn nếu liên kết, đăng ký với một doanh nghiệp nào đó theo chủ trương của VFA, chắc chắn doanh nghiệp này sẽ đưa ra tiêu chí cụ thể và hàng xáo phải cất công chọn lọc rất mất thời gian. Trong khi đó, nông dân trồng các giống khác cũng sẽ khó tiêu thụ.
Thời gian vừa qua, nhiều hàng xáo ở ĐBSCL đã phải chịu lỗ rất nặng, khi mua trữ lúa, gạo hồi trước Tết Nguyên đán, để rồi sau đó giá tụt xuống hơn 1.000 đồng/ki lô gam. Nếu lúc đó hàng xáo không mua, nông dân làm “reo”, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ được chỉ đạo phải mua ngay cho dân và giờ đã chịu lỗ. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu sắp xếp lại lực lượng hàng xáo, những rủi ro đó ai sẽ san sẻ với doanh nghiệp?
Rõ ràng, muốn can thiệp vào một hệ thống đã tương đối ổn định và bài bản, hoạt động theo đúng quy luật cung cầu, là điều không dễ. Điều mà nông dân cần bây giờ là VFA phải làm sao để cập nhật tốt thông tin thị trường, điều hành đúng và chính xác hoạt động xuất khẩu, phân bổ chỉ tiêu công bằng và hợp lý. Chỉ cần như vậy, đồng lời của nông dân chắc cũng đã được đảm bảo.