Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Có nên xóa bỏ 5.000 tỉ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp khai khoáng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên xóa bỏ 5.000 tỉ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp khai khoáng?

Lan Nhi

(TBKTSG Online) - Quốc hội đang đứng trước sự băn khoăn rất lớn và có thể tạo ra một tiền lệ xấu nếu thông qua việc “không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước” trong thời gian nhiều năm liền, có tổng giá trị không thu khoảng 5.000 tỉ đồng, theo phương án Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trình lên Chính phủ.

Có nên xóa bỏ 5.000 tỉ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp khai khoáng?
Các doanh nghiệp khai khoáng đang chờ đợi Quốc hội có thông qua việc xóa sổ 5.000 tỉ đồng tiền cấp quyền khai khoáng kể từ năm 2017 về trước hay không. Ảnh: TL

Quốc hội mới đây đã phải gửi văn bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra tại Hà Nội về việc có hay không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật khoáng sản từ năm 2011 (đối với quyền khai khoáng) và Luật tài nguyên nước năm 2013 (đối với quyền khai thác tài nguyên nước).

Vụ việc cụ thể là theo quy định của Luật khoáng sản, kể từ ngày 1/7/2011, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải nộp tiền để được cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách. Mức thuế khai khoáng là bao nhiêu/tấn tùy thuộc vào loại khoáng sản mà doanh nghiệp khai khoáng thực hiện. Thuế cấp quyền khai khoáng dầu mỏ khác quặng sắt, than đá...

Tuy nhiên, đến hết năm 2013, tức là sau khoảng 2 năm rưỡi, Chính phủ mới ban hành nghị định hướng dẫn Luật khoáng sản. Và trong thời gian đó, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý không có cơ sở để thu- nộp.

Tương tự, Luật tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 cũng quy định về việc doanh nghiệp khai thác nguồn nước phải nộp quyền khai thác (chủ yếu là các doanh nghiệp khai thác thủy điện). Nhưng đến 31/8/2017, tức là gần 4 năm sau khi luật có hiệu lực, Chính phủ mới ban hành Nghị định 82 hướng dẫn việc thu tiền, có hiệu lực từ ngày 1/9/2017. Như vậy trong suốt thời gian không có nghị định, doanh nghiệp và cơ quan thu thuế không có cơ sở để thu.

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngay khi trình dự thảo luật, cơ quan quản lý là Bộ TN-MT đã phải trình đồng thời cả dự luật, dự thảo nghị định và thậm chí cả dự thảo thông tư (nếu có). Đằng này, sau 2,5 năm đến gần 4 năm, cả hai luật có hiệu lực mới có nghị định hướng dẫn. Nói khác đi là luật do Quốc hội ban hành đã bị Chính phủ và Bộ TN-MT “treo” lại, không có cơ sở để thực hiện.

Vậy mà từ cuối năm 2018 đến nay, Bộ TN-MT đã thông qua Chính phủ, nhiều lần đề nghị miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn chưa có nghị định hướng dẫn (1/1/2013 đến 31/8/2017) với tổng số tiền khoảng 350 tỉ đồng. Đồng thời đề nghị miễn thu vào ngân sách số tiền hàng ngàn tỉ đồng đối với các doanh nghiệp được cấp quyền khai khoáng trong thời gian (1/7/2011-31/8/2013).

Tổng số tiền đề nghị miễn đã trình lên Quốc hội kỳ họp thứ 8 để thông qua khoàng 5.000 tỉ đồng.

Lý do của Bộ TN-MT là nếu hồi tố, truy thu tiền cấp quyền khai khoáng các loại tài nguyên trên theo quy định của luật là “rất khó khăn, không đảm bảo tính khả thi”. Thậm chí, không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên sẽ giúp cho doanh nghiệp ổn định sản xuất vì doanh nghiệp đã hạch toán lỗ lãi và tính giá thành sản phẩm.  Và cơ quan quản lý không phải bỏ chi phí để thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ tính tiền mà doanh nghiệp bị “hồi tố”.

Tuy nhiên, khi thảo luận tại Quốc hội về vấn đề này, có quá nhiều ý kiến không đồng thuận về việc “xóa bỏ” cho Chính phủ và Bộ TN-MT nguồn hụt thu ngân sách 5.000 tỉ đồng này với lý do, lỗi là do Chính phủ chậm ban hành nghị định hướng dẫn, gây thất thu ngân sách.

Khi lấy ý kiến thăm dò bằng văn bản, Văn phòng Quốc hội cho biết hôm 19/11 rằng: có 22,48% đại biểu không đồng ý cho miễn truy thu tiền thuế sử dụng tài nguyên nước; 16,39% số đại biểu không đồng ý và gần 5% đại biểu không có ý kiến khi Chính phủ đề nghị cho miễn tiền cấp quyền khai khoáng.

Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhận định rằng việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn gây thiệt hại cho ngân sách gần 5.000 tỉ đồng nếu Quốc hội chấp thuận. Đây là ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách trong điều kiện nguồn thu nội địa và thu từ doanh nghiệp ngày càng giảm.

Nếu chấp thuận, đây cũng sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho việc Quốc hội làm luật nhưng là “luật treo”. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ và Bộ TN-MT trong việc chậm trễ, gây thất thoát này.

Nếu được thông qua, nội dung lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai khoáng đến ngày nghị định hướng dẫn các luật có hiệu lực, đồng nghĩa với việc “xóa” 5.000 tỉ đồng tiền thuế sẽ được quyết định vào ngày 27/11 tới, trong nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội kỳ 8.

Đến nay, xóa hay không xóa và cơ sở nào để “xóa” 5.000 tỉ đồng vẫn chưa có câu trả lời.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới