Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Có nhiều lợi ích, nhưng nông nghiệp đô thị chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, tự phát

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nông nghiệp đô thị không chỉ giúp giảm tác động đến môi trường mà còn thúc đẩy việc sử dụng đất hiệu quả hơn. Tuy nhiên, loại hình sản xuất này hiện vẫn chưa thể phát triển ở Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.

Các đại biểu tham dự hội thảo chiều 2-11. Ảnh: Trung Chánh

Nhận định nói trên được đưa ra tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững” diễn ra vào chiều nay, 2-11, trong khuôn khổ hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2022 tại thành phố Cần Thơ. Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA) tổ chức.

Ông Trương Hoàng Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, cho biết quá trình đô thị hoá khiến đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, nên nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp khả thi để đáp ứng một phần về nhu cầu lương thực, rau quả cho người dân.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Vàng, Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp thuộc Đại học Cần Thơ, nói rằng, cho tới thời điểm hiện nay, nông nghiệp đô thị ở Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng chưa phát triển, chỉ mới dừng lại ở mức độ phát triển tự phát, nhỏ lẻ của các hộ gia đình tranh thủ thời gian rảnh canh tác quanh nhà.

Theo ông Vàng, hình thức sản xuất như trên không được xem là nông nghiệp đô thị, bởi nông nghiệp đô thị là một ngành công nghiệp, trong đó, sản xuất nông nghiệp được thực hiện ở khu vực đô thị và vùng ven đô thị với các hoạt động bao gồm vận chuyển, chế biến, tiếp thị, kinh doanh nông sản và các dịch vụ phi nông nghiệp do cư dân đô thị thực hiện.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay làm phát sinh khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, với nông nghiệp đô thị sẽ giúp giảm tác động đến môi trường, mà cụ thể các thảm thực vật ở đô thị sẽ giúp làm giảm nhiệt độ của môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

“Kết quả đánh giá vòng đời môi trường ở London (Anh) chứng minh các trang trại đô thị có khả năng làm giảm phát thải khí CO2 xuống 34 tấn/héc ta, các mô hình canh tác trên mái nhà sử dụng lượng nước ít hơn 75% so với canh tác thông thường”, ông Vàng dẫn chứng.

Ngoài ra, theo ông, nông nghiệp đô thị cho hiệu quả sử dụng đất cao và có chi phí chuyên chở, bảo quản thấp.

Cụ thể, do nơi sản xuất tại nơi người dân sinh sống, việc tiêu thụ không cần vận chuyển xa, trong khi thời gian từ lúc thu hoạch đến tiêu thụ được rút ngắn đáng kể nên chất lượng đảm bảo, không tốn kém nhiều chi phí bảo quản. Bên cạnh đó, việc canh tác của mô hình này được ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát tốt quy trình nên giúp gia tăng năng suất đáng kể trên cùng diện tích.

Nông nghiệp đô thị mang lại khá nhiều lợi ích, nhưng chưa phát triển là do nền tảng kiến thức về canh tác loại hình nông nghiệp này ở Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng chưa được thiết lập đầy đủ.

Ngoài ra, chi phí đầu tư lớn, trong khi yêu cầu người lao động trong lĩnh vực này phải làm việc như những người công nhân nông nghiệp, tức phải làm việc theo quy trình bài bản của chuỗi cung ứng nên cũng là một trở ngại.

Để mô hình này phát triển, ông Phương cho rằng, bên cạnh đầu tư công nghệ thì phải hoàn thiện quy trình sản xuất cũng như nâng cao trình độ người lao động để tạo ra được những sản phẩm vượt trội về chất lượng. “Đổi mới khoa học công nghệ được xem là một trong những giải pháp then chốt”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vàng gợi ý, cần xây dựng hệ thống pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới