(KTSG Online) – Có ý kiến cho rằng việc thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam thuê kho trực tiếp thu mua trái cây hoặc thuê các cơ sở tại Việt Nam đóng gói gia công để xuất khẩu vào quốc gia 1,4 tỉ dân là nguyên nhân tạo nên những bất lợi về mặt giá cả của ngành hàng này. Thế nhưng, trên thực tế, sự biến động về giá cả các loại trái cây có phải do thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam quyết định hay không?
Trung Quốc nhiều năm qua là thị trường quan trọng của Việt Nam về tiêu thụ trái cây nói riêng và ngành hàng rau quả nói chung. Tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này chiếm đến 58,67% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay, đạt xấp xỉ 804,65 triệu đô la Mỹ, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.
Để đáp ứng nhu cầu giao thương gia tăng và cũng nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thương nhân Trung Quốc hiện diện khá nhiều tại các vùng sản xuất, thu mua ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Vậy, thực tế việc mua bán trái cây từ Việt Nam sang thị trường tỉ dân này được thực hiện ra sao?
Ba hình thức trái cây Việt Nam sang Trung Quốc
Trao đổi với KTSG Online, theo ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ vựa thu mua trái cây Thuận Phát (tỉnh Long An)- đơn vị đang đóng gói gia công cho thương nhân Trung Quốc, việc mua bán trái cây từ vùng sản xuất của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc hiện được thực hiện theo ba hình thức chính.
Theo đó, hình thức thứ nhất, là thương nhân người Việt Nam thu mua của nông dân (hoặc thông qua thương lái trong nước) và trực tiếp bán cho các đầu mối tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. “Đây là hình thức mua bán của những đơn vị có mối quan hệ với các đối tác tại Trung Quốc”, ông Hùng thông tin.
Hình thức thứ hai, chủ các cơ sở thu mua trong nước đóng vai trò là đơn vị đóng gói gia công theo đơn đặt hàng của thương nhân người Trung Quốc tại Việt Nam. “Ví dụ, thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam sau khi có hợp đồng với thương nhân tại Trung Quốc, họ sẽ “phát giá” (ý nói cho giá để các cơ sở thu mua tại Việt Nam đóng gói gia công- PV) đặt hàng. Sau đó, cơ sở trong nước sẽ trực tiếp thu mua từ nông dân (hoặc thông qua thương lái trong nước) về để phân loại, đóng hàng theo yêu cầu và đơn giá do thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam đưa ra”, ông cho biết.
Hình thức thứ ba, đó là thương nhân Trung Quốc sẽ thuê kho và thu mua trực tiếp từ nông dân (hoặc qua thương lái tại Việt Nam), sau đó đóng gói, vận chuyển và xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc. “Thông thường, các kho này do một người Việt Nam đứng đại diện về mặt pháp luật, nhưng thực tế đứng sau điều hành là người Trung Quốc”, ông Hùng cho biết và ước tính, ba hình thức nêu trên hiện chiếm tỷ lệ tương đương nhau, tức trên 30% mỗi hình thức.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An ước tính, riêng địa phương này, hiện có khoảng 10% số lượng cơ sở do người Trung Quốc điều hành thu mua và trực tiếp xuất khẩu sang Trung Quốc; 50-60% cơ sở tham gia thị trường bằng hình thức đóng gói gia công cho thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam và phần còn lại là do người Việt Nam trực tiếp thu mua và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Hùng, trong ba hình thức như nêu trên, thì mức độ rủi ro đối với hình thức thứ nhất là cao nhất, bởi với hình thức này, thương nhân người Việt Nam thường xuyên phải đối diện với biến động của giá cả thị trường. Trong khi đó, với hình thức thứ hai, tức cơ sở đóng gói gia công luôn được đảm bảo một mức lợi nhuận. “Bởi lẽ, căn cứ vào mức giá được thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam phát ra, chẳng hạn, là 35.000 đồng/kg đối với thanh long loại III như hiện nay (mức giá đóng hàng lên xe, đã bao gồm chi phí bao bì, điện, nước, công nhân các loại- PV), thì cơ sở đóng gói gia công sẽ “phát giá” mới để mua từ nông dân trên cơ sở đảm bảo có được một khoản lợi nhuận nhất định”, ông giải thích.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, trong một số trường hợp, thương nhân Trung Quốc thua lỗ vẫn xảy ra tình trạng giựt nợ đơn vị đóng gói gia công vì việc mua bán “trả chậm”, nhất là trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua. “Nhưng, ít khi xảy ra vì họ cũng muốn làm ăn nên đâu làm bậy với mình”, ông Hùng nói.
Biến động thị trường do bị thương nhân Trung Quốc ép giá?
Trước sự hiện diện khá nhiều của thương nhân Trung Quốc tại các vùng sản xuất và thu mua trái cây ở Việt Nam, cho nên, mọi biến động sụt giảm giá trái cây ở thị trường nội địa thường bị quy chụp do họ ép giá.
Tuy nhiên, trả lời KTSG Online, ông Trịnh của Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho rằng, giá trái cây không phải do thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam quyết định, mà do chợ bên Trung Quốc quyết định, tức từ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc sẽ tác động ngược đến giá cả tại Việt Nam.
“Thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam hay các kho thu mua “phát giá” ra là theo giá của chợ bên Trung Quốc, tức chợ bên đó giảm, thì họ sẽ phát giá thu mua giảm và ngược lại sẽ phát giá lên cao”, ông Hùng cho biết và thông tin, vào những thời điểm thiếu hụt nguồn cung, có ngày giá tăng 3-4 lần hoặc ngược lại.
Đồng quan điểm, ông Hùng của Thuận Phát cho rằng, thông tin nói thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam ép giá trái cây trong nước là không đúng. Bởi lẽ, nếu họ ép giá thì tại sao có thời điểm tăng cao, có thời điểm xuống thấp. “Giá trái cây phụ thuộc vào cung, cầu thôi”, ông nói và giải thích, nguồn cung trong nước tăng cao trong khi nhu cầu tại thị trường Trung Quốc không tăng sẽ khiến giá sụt giảm, ngược lại nguồn cung trong nước khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc sẽ đẩy giá lên cao.
Thậm chí, theo ông Hùng, nếu không có sự hiện diện của thương nhân Trung Quốc, thì ngành cây ăn trái của Việt Nam sẽ còn “mệt mỏi” hơn. Bởi đây là thị trường có dân số lớn, trong khi các yêu cầu về tiêu thụ ít khắc khe hơn so với thị trường Mỹ, châu Âu. “Như trong trận dịch Covid-19 vừa rồi, cửa khẩu đóng, không có thương nhân Trung Quốc sang, trái cây của nông dân mình ngập nhà, ngập cửa hết đó”, ông nói.
Chính việc xác định được vai trò quan trọng của thương nhân Trung Quốc cũng như thị trường tỉ dân này, cho nên, mới đây các đơn vị liên quan đã đồng ý cho hơn 200 thương nhân của quốc gia này đăng ký nhập cảnh để giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua và tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Minh Châu, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh thương nhân Việt Nam không đảm đương hoàn toàn việc xuất khẩu trực tiếp trái cây sang Trung Quốc, thì sự hiện diện của thương nhân Trung Quốc cũng là điều tốt. “Đúng ra mình (ý nói thương nhân Việt Nam) làm được thì tốt, nhưng mình không làm được, thì người ta (thương nhân Trung Quốc) làm cũng tốt”, ông Châu nói và cho rằng, quan trọng nhất là giúp tiêu thụ hết được trái cây, nông sản cho người nông dân.