Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu bất động sản gây áp lực lên VN-Index!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong tuần trước, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục ghi nhận tuần giảm điểm mạnh dưới áp lực bán dâng cao tại hầu hết các nhóm cổ phiếu, đặc biệt tại nhóm bất động sản.

Nhóm cổ phiếu bất động sản liên tục giảm sàn nhiều phiên liên tiếp. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Theo đó, chỉ số VN-Index có hai phiên giảm điểm và ba phiên tăng điểm xen kẽ nhau, song mức giảm gần 40 điểm hôm thứ Năm khiến mọi nỗ lực phục hồi trong phiên thứ Sáu trở nên yếu ớt. Đáng chú ý, dù tăng điểm phiên cuối tuần song sàn HOSE lại ghi nhận tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” với 90 mã giảm sàn.

Tính chung cho cả tuần trước, VN-Index giảm 42,6 điểm (tương đương 4,28%) xuống 954,5 điểm, HNX-Index giảm 14,7 điểm (7,21%) xuống 189,8 điểm. Điểm đáng khích lệ hiếm hoi là thanh khoản thị trường có sự cải thiện đôi chút với giá trị giao dịch bình quân trên cả ba sàn đạt gần 12.000 tỉ đồng/phiên.

Xét theo mức độ đóng góp, những blue-chips như NVL, HPG, EIB, TCB là những cổ phiếu tạo áp lực lớn lên chỉ số chính. Ngược lại, VCB, BID, GAS, MSN đóng góp tích cực cho đà tăng của chỉ số chung song không quá đáng kể.

Đáng chú ý, tuần qua cũng ghi nhận hoạt động call margin đồng loạt tại các công ty chứng khoán đối với các lãnh đạo, người nhà và cổ đông lớn tại những doanh nghiệp như DIG, PDR, DHC,... khiến các cổ phiếu này “nằm sàn” nhiều phiên liên tiếp.

Về giao dịch khối ngoại, sau hai tuần bán ròng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng mạnh với giá trị đạt 4.553 tỉ đồng. Đặc biệt, phiên ngày 11-11 ghi nhận đà mua ròng mạnh nhất của khối ngoại trong hơn một năm trở lại đây với giá trị hơn 2.500 tỉ đồng.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại mua ròng mạnh nhất tại mã cổ phiếu bất động sản KDH với giá trị trên ngưỡng 500 tỉ đồng. Ngoài ra, các mã khác như PVS, VHM, DGC, FUESSVFL cũng được mua ròng với giá trị trên 200 tỉ đồng.

Trên thế giới, TTCK Mỹ đã có một tuần “thăng hoa” khi Dow Jones và S&P 500 tăng quanh mức 5% trong khi Nasdaq tăng tới 8%. Thông tin hỗ trợ chính đến từ số liệu về chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 cho thấy lạm phát của Mỹ đã hạ nhiệt với tốc độ nhanh hơn dự báo.

Diễn biến này đang thúc đẩy kỳ vọng về việc lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đang dần giảm tốc và tạo điều kiện cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm lại trong lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Giới đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 12 tới.

Về các tin tức trong nước, thị trường tiền tệ và ngoại hối đang cho dấu hiệu “hạ nhiệt” và dần ổn định trở lại. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính và chiếm tới 90% tổng giá trị giao dịch) đã giảm về còn 5,01%/năm vào phiên ngày 9-11 từ mức 6,21%/năm ghi nhận vào cuối tuần trước đó. Lãi suất các kỳ hạn một tuần, hai tuần và một tháng cũng có xu hướng giảm.

Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng với tổng mức điều chỉnh gần 2 điểm phần trăm, qua đó đưa loại lãi suất này xuống thấp hơn khoảng 1% so với lãi suất tái cấp vốn (6%/năm) và lãi suất trúng thầu OMO (6%/năm). Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống đã bớt căng thẳng hơn nhiều so với hồi đầu tháng 11.

Trên “mặt trận” tỷ giá, NHNN đã điều chỉnh giảm tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN, từ mức 24.870 xuống mức 24.860 đồng/đô la Mỹ từ ngày 11-11-2022. Trước đó, kể từ đầu năm 2022 đến nay, NHNN đã có tới sáu lần thực hiện nâng giá bán đô la Mỹ, từ mức 23.050 lên 24.870 đồng/đô la Mỹ, tức tăng tổng cộng 1.720 đồng (tương đương 7,4%).

Bên cạnh hạ giá bán đô la Mỹ, NHNN cũng liên tục giảm tỷ giá trung tâm thời gian gần đây, từ mức đỉnh 23.700 đồng/đô la (ngày 24-10) xuống còn 23.683 đồng/đô la (ngày 11-11), tức giảm 17 đồng. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại phải tuân thủ là 22.499-24.867 đồng/đô la.

Với diễn biến của thị trường tiền tệ và ngoại hối như trên, có cơ sở để kỳ vọng tâm lý nhà đầu tư trên TTCK sẽ dần bình ổn trở lại. Tuy vậy, điểm yếu nhất hiện nay lại liên quan đến niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như tình trạng “căng thanh khoản” ở hầu hết các thị trường tài sản.

Việc nhóm cổ phiếu bất động sản liên tục giảm sàn nhiều phiên liên tiếp mà không có lực cầu vào đỡ cộng với khả năng khó huy động vốn cho các đợt đáo hạn trái phiếu sắp tới càng khiến nhà đầu tư muốn “tránh xa” nhóm bất động sản.

Trong bối cảnh hiện tại, các giao dịch ngắn hạn vẫn ẩn chứa độ rủi ro cao và xác suất thua lỗ lớn. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến cho thanh khoản ngày càng co hẹp dù cho thị trường được đánh giá đã chiết khấu về mức giá hấp dẫn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới