(KTSG) - Dù đã có sự hồi phục ấn tượng cả ở phương diện hoạt động kinh doanh lẫn phương diện giá cổ phiếu nhưng MWG vẫn được đánh giá là còn nhiều dư địa hấp dẫn với các nhà đầu tư.
- Thế Giới Di Động hợp tác mở cửa hàng tại Indonesia
- Quỹ đầu tư lớn của Trung Quốc đàm phán mua cổ phần Bách Hóa Xanh?
Giá cổ phiếu hồi phục ngoạn mục
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) là một trong những đại diện tiêu biểu của ngành bán lẻ trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trải qua một năm 2023 lao dốc mạnh, giá cổ phiếu MWG đã liên tục tăng trở lại kể từ đầu năm 2024 đến nay. Thậm chí, trong đợt giảm gần 100 điểm của VN-Index hồi giữa tháng 4 vừa qua, giá cổ phiếu này gần như không bị ảnh hưởng khi vẫn duy trì được đà đi lên để chinh phục các đỉnh cao mới.
Đóng cửa phiên ngày 3-6-2024, MWG đang dao động quanh mức 64.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng hơn 50% so với thời điểm đầu năm. Có thể nói, đà hồi phục ấn tượng của MWG chủ yếu đến từ sự khởi sắc trở lại của kết quả kinh doanh cũng như sự quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài.
Về lịch sử hoạt động, kể từ khi mới thành lập vào năm 2004, công ty bắt đầu bằng chuỗi bán lẻ các sản phẩm điện thoại và công nghệ thông tin - Thế giới Di động (TGDĐ). Sau đó, công ty đã mở rộng phạm vi sang lĩnh vực điện tử tiêu dùng với chuỗi Điện máy Xanh (ĐMX). Hiện tại, công ty đang vận hành mạng lưới rộng khắp bao gồm hơn 1.100 cửa hàng TGDĐ và 2.200 cửa hàng ĐMX trên toàn quốc.
Tiếp đó, từ năm 2016, công ty bắt đầu đa dạng hóa danh mục bán lẻ sang phân khúc tạp hóa với chuỗi Bách hóa Xanh (BHX), hiện đã phát triển hơn 1.700 cửa hàng khắp miền Nam và miền Trung Việt Nam. Ngoài các chuỗi bán lẻ nói trên, công ty còn sở hữu các chuỗi bán lẻ khác như chuỗi nhà thuốc An Khang, hiện diện rộng rãi toàn quốc với hơn 500 cửa hàng và chuỗi cửa hàng Avakids, chuyên sản phẩm dành cho mẹ và bé với gần 70 cửa hàng.
Đà hồi phục ấn tượng của MWG chủ yếu đến từ sự khởi sắc trở lại của kết quả kinh doanh cũng như sự quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài.
Về tình hình kinh doanh, sau năm 2023 đầy khó khăn, công ty đã trở lại đầy ngoạn mục với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trong quí 1-2024. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 16,2% so với cùng kỳ, lên 31.400 tỉ đồng, trong đó ĐMX đóng góp tỷ lệ lớn nhất với 46,2%, tiếp theo là BHX (29,1%) và TGDĐ (21,6%).
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo công ty công bố rằng cuộc chiến giá rẻ đã kết thúc. Theo đó, biên lợi nhuận gộp quí 1-2024 của công ty đã tăng 2 điểm phần trăm so với quí trước, lên mức 19%, kéo theo lợi nhuận gộp tăng 28,7%, lên mức 6.700 tỉ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán VnDirect, biên lợi nhuận gộp của công ty cải thiện nhờ hai yếu tố: 1) cơ cấu sản phẩm thay đổi với tỷ trọng cao hơn từ máy lạnh và điện tử tiêu dùng (có biên lợi nhuận gộp cao hơn) do thời tiết nắng nóng và 2) giá bán cao hơn. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của công ty chỉ tăng 11%, lên mức 5.600 tỉ đồng, nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí. Vì vậy, công ty ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 42 lần so với cùng kỳ, đạt 902 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong quí 1-2024, tiền mặt của công ty cũng tăng mạnh 24,4% nhờ việc phát hành riêng lẻ 5% cổ phần BHX cho đối tác CDH Investments. Theo Reuters, thương vụ này giúp công ty thu về 1.800 tỉ đồng và sẽ được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động và phát triển chung của BHX.
Triển vọng tích cực
Dù đã có sự hồi phục ấn tượng cả ở phương diện hoạt động kinh doanh lẫn phương diện giá cổ phiếu nhưng MWG vẫn được đánh giá là còn nhiều dư địa hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Cụ thể đối với từng mảng hoạt động, năm 2023, chuỗi TGDĐ và ĐMX đã đóng 206 cửa hàng và tiếp tục đóng thêm 13 cửa hàng trong quí 1-2024. Ngoài việc đóng các cửa hàng, công ty cũng đang tái cấu trúc chi phí, giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận ròng của TGDĐ và ĐMX. Mảng công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trong nửa cuối năm nay nhờ hai yếu tố: giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 dẫn đến tăng nhu cầu về điện tử tiêu dùng và chu kỳ thay mới điện thoại của người tiêu dùng sẽ rơi vào nửa cuối năm 2024.
Với chuỗi BHX, trong quí 1-2024, doanh thu tháng trung bình trên mỗi cửa hàng của BHX đã tăng mạnh 38% so với cùng kỳ, lên 1,8 tỉ đồng/cửa hàng, góp phần thúc đẩy doanh thu mảng tạp hóa tăng 43,6%, dù số lượng cửa hàng giảm. Kết quả tích cực trên chủ yếu đến từ việc công ty liên tục cải tiến và hoàn thiện chuỗi BHX.
Trong quí 1-2024, BHX tiếp tục tái cấu trúc danh mục sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm tươi sống, giúp thu hút thêm khách hàng mới. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng sau khi BHX bắt đầu đóng góp lợi nhuận cho công ty. Mặc dù doanh thu của BHX được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong năm 2024 và 2025 nhưng cần lưu ý rằng các sản phẩm tươi sống của chuỗi bán lẻ này có biên lợi nhuận gộp thấp hơn so với sản phẩm FMCG (do tỷ lệ hao hụt và chi phí logistics cao hơn).
Do đó, biên lợi nhuận gộp của BHX có thể sẽ giảm nhẹ trong năm 2024, sau đó đi ngang trong năm 2025. Theo ban lãnh đạo công ty, bên cạnh chi phí hoạt động cốt lõi, BHX vẫn đang chịu chi phí khấu hao liên quan đến việc thu hẹp hệ thống cửa hàng trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, điểm tích cực là lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của BHX đang dần cải thiện và ngày càng tiến gần đến điểm hòa vốn.
EBIT của BHX đã cải thiện từ mức lỗ ròng 305 tỉ đồng của quí 1-2023 xuống chỉ còn 105 tỉ đồng trong quí 1-2024. Các chi phí khấu hao được dự báo sẽ giảm dần trong năm 2024, góp phần giúp BHX đóng góp 188 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế cho công ty mẹ, so với mức lỗ 1.256 tỉ đồng trong năm 2023.
Nhìn chung, CTCP Đầu tư Thế giới Di động là một doanh nghiệp đang trong chu kỳ hồi phục mạnh mẽ dựa trên nền so sánh thấp của năm 2023 cũng như các mảng kinh doanh của công ty đang dần bước vào giai đoạn tối ưu. Giá cổ phiếu trên sàn phản ánh khá rõ sự chuyển biến này. Nhiều nhà đầu tư hiện vẫn đang tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng vị thế đối với cổ phiếu MWG ở vùng giá quanh 60.000 đồng/cổ phiếu, nhằm hướng đến mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.