Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu ngành bán lẻ trong năm 2023 sẽ ra sao?

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sức mua giảm sút do lạm phát gia tăng đã khiến doanh thu của các chuỗi bán lẻ chậm lại kể từ nửa cuối năm 2022. Tình hình được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn cho nhóm ngành này trong nửa đầu năm 2023.

Ngành bán lẻ được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023. Ảnh: N.K

Sức mua suy giảm

Nhìn lại năm 2022, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ chia rõ thành hai nửa sáng, tối. Nếu như sáu tháng đầu năm, sức mua bật tăng mạnh sau giai đoạn Covid-19 thì đến nửa cuối năm, áp lực lạm phát leo thang đã khiến chi tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu phần nào bị ảnh hưởng.

Cụ thể, theo Báo cáo về triển vọng ngành bán lẻ mới đây của SSI Research, đối với mảng bán lẻ ICT & CE (điện thoại di động và điện máy), trong chín tháng đầu năm 2022, doanh thu của Thế Giới Di Động (MWG) từ mảng ICT & CE tăng 27% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu từ ICT của FPT Retail (FRT) tăng 32% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh thu mảng này của Thế Giới Di Động đã hạ nhiệt nhanh chóng trong tháng 10-2022 và tháng 11-2022 khi lần lượt giảm 18% và 22% so với cùng kỳ, phản ánh mức cơ sở so sánh cao trong năm 2021 và nhu cầu yếu bất chấp vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm.

Tương tự là mặt hàng trang sức, trong sáu tháng đầu năm 2022, nhu cầu vàng tại Việt Nam phục hồi tốt với mức tăng 7,8% so với cùng kỳ, giá trị tuyệt đối cũng cao hơn những năm trước Covid-19. Sự phục hồi được giải thích do nhu cầu bị dồn nén và nhu cầu mua vàng để tích trữ trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Theo đó, doanh số bán lẻ của PNJ đã tăng gần gấp đôi (tăng 92% so với cùng kỳ) khi công ty mở rộng tệp khách hàng cũng như phục vụ khách hàng hiện tại hiệu quả hơn, qua đó giành được thêm thị phần.

Điểm đáng chú ý là trong khi nhu cầu vàng trong nửa đầu năm 2022 vượt qua nhu cầu của những năm trước Covid-19, thì nhu cầu trong quí 3-2022 lại giảm nhẹ so với trước dịch Covid-19.

Hầu hết các các dự báo hiện nghiêng về khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ điện thoại di động và điện máy có thể ở mức âm trong sáu tháng đầu năm 2023.

 

Đây có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu trong thời kỳ giá thấp trước khi các doanh nghiệp trên lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2023.

Một lĩnh vực bán lẻ khác cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư là chuỗi dược phẩm thương mại hiện đại.

Trong nửa đầu năm 2022, do các triệu chứng liên quan đến biến thể Omicron nhẹ nên mọi người có xu hướng tự mua thuốc uống hơn là tìm cách điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế.

Để tăng cường sức khỏe, bệnh nhân có xu hướng mua thực phẩm chức năng chủ yếu được bán qua các nhà thuốc thương mại hiện đại hơn là các nhà thuốc truyền thống, giúp doanh thu của các chuỗi dược phẩm thương mại hiện đại tăng cao.

Tuy vậy, trong nửa cuối năm 2022, việc mở mới của chuỗi nhà thuốc An Khang và Pharmacity đã chậm lại đáng kể do nhu cầu về thực phẩm bổ sung và nhu cầu tự mua thuốc đã giảm bớt.

Riêng chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn tiếp tục mở mới các cửa hàng do chuỗi nhà thuốc này tập trung nhiều vào thuốc kê đơn và thuốc điều trị các bệnh mãn tính hơn là thực phẩm chức năng hay thuốc điều trị các triệu chứng nhẹ.

Với các chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại, kết quả kinh doanh có phần giảm sút so với mức cơ sở cao của năm 2021. Ngoài ra, trong bối cảnh thu nhập hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế vĩ mô suy yếu, người tiêu dùng đã chuyển thói quen mua sắm từ cửa hàng bách hóa thương mại hiện đại sang chợ truyền thống với giá rẻ hơn.

Trước sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, Thế Giới Di Động đã cơ cấu lại hoạt động của chuỗi Bách hóa Xanh trong quí 2-2022 với các biện pháp như xử lý hàng tồn kho, thay đổi danh mục sản phẩm, cắt giảm chi phí và quy chuẩn hóa mô hình cửa hàng.

Do đó, doanh thu lũy kế 11 tháng đầu năm 2022 của Bách hóa Xanh sụt giảm 7% so với cùng kỳ. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở chuỗi Winmart khi doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ trong chín tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của Winmart đã cải thiện lên mức 22,9% từ mức 19,5% trong chín tháng đầu năm 2021.

Cơ hội tích lũy cổ phiếu định giá rẻ

Cũng theo đánh giá của SSI, tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023. Trong nửa đầu năm 2023, dự kiến giá điện, chi phí y tế và học phí sẽ tăng.

Bên cạnh đó, thuế giá trị gia tăng cũng đã tăng lên mức 10% kể từ ngày 1-1-2023 (từ mức 8% đối với các sản phẩm, dịch vụ được hưởng chính sách giảm trước đây). Những yếu tố trên sẽ cùng cộng hưởng, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Theo đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, một xu hướng đáng chú ý là việc hợp nhất thị trường có thể sẽ rõ ràng hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Các nền tảng thương mại điện tử thường giảm giá sâu, tạo ra tỷ suất lợi nhuận thấp.

Trong bối cảnh chi phí tăng, nhu cầu yếu, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn, các nhà bán lẻ trực tuyến và các nhà bán lẻ quy mô nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ mất thị phần. Ở chiều ngược lại, những nhà bán lẻ có dòng tiền ổn định sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc giành thị phần.

Một điểm tích cực là chi phí tài chính của các doanh nghiệp bán lẻ có thể giảm bớt trong năm 2023. Dự báo lãi suất trung bình vẫn có thể tăng trong năm 2023 nhưng với tốc độ chậm hơn (khoảng 50-100 điểm cơ bản vào năm 2023 so với 200-300 điểm cơ bản vào năm 2022).

Tuy nhiên, các nhà bán lẻ có thể chọn tích trữ ít hàng tồn kho hơn do dự đoán nhu cầu yếu - điều này sẽ giúp giảm áp lực lên chi phí lãi vay. Do đó, tổng chi phí tài chính của các nhà bán lẻ có thể sẽ giảm, giả định kế hoạch mở mới thận trọng trong năm 2023.

Theo đánh giá của SSI, định giá của hai công ty bán lẻ lớn đang niêm yết trên sàn là PNJ và MWG sẽ ở mức hợp lý với P/E (giá thị trường/thu nhập mỗi cổ phiếu) năm 2023 lần lượt là 15 lần và 13,2 lần.

Trong khi đó, FRT được định giá cao hơn với hệ số P/E hợp lý là 19,4 lần. Ở chiều ngược lại, P/E năm 2023 của DGW đã giảm xuống mức hấp dẫn hơn là 7 lần do tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc so với giai đoạn 2017- 2021.

Hầu hết các dự báo hiện nghiêng về khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ ICT & CE có thể ở mức âm trong sáu tháng đầu năm 2023. Do vậy, đây có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu trong thời kỳ giá thấp trước khi các doanh nghiệp trên lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới