(KTSG Online) - Sau hai năm giảm giá, cổ phiếu của ngành điện tại châu Á đang trỗi dậy nhờ chính sách hỗ trợ của các chính phủ và cơn bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI), vốn đang thúc đẩy làn sóng xây dựng các trung tâm dữ liệu tiêu thụ nhiều năng lượng.
- Cổ phiếu điện hạt nhân và uranium hút vốn nhà đầu tư sau cơn sốt chip lẫn AI
- Nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi vào 6 năm tới
Chỉ số theo dõi cổ phiếu ngành điện châu Á tăng mạnh
Với mức tăng 14% kể từ đầu năm, Chỉ số Tiện ích châu Á - Thái Bình Dương của MSCI đang trên đà đạt mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ năm 2006. Chỉ số này dõi các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn tiêu biểu của các công ty cung cấp điện, khí đốt và nước ở 5 thị trường phát triển và 8 thị trường mới nổi ở châu Á-Thái Bình Dương.
Mức tăng của chỉ số này chỉ đứng sau Chỉ số công nghệ thông nghệ châu Á-Thái Bình Dương của MSCI.
David Smith, giám đốc đầu tư cấp cao phụ trách thị trường châu Á của Công ty đầu tư Abrdn cho biết, tăng trưởng nhu cầu điện cùng với nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong những năm gần đây ở châu Á đòi hỏi đầu tư đáng kể và sâu rộng vào lưới năng lượng và sản xuất điện, cũng như phần mềm điều khiển lưới điện. Đó là động lực chính thúc đẩy giá cổ phiếu của các công ty trong ngành này.
Các động lực mang tính địa phương như nền kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ và tham vọng bảo vệ môi trường của Trung Quốc cũng giúp cổ phiếu ngành điện ở hai nước này có hiệu suất tăng giá vượt trội so với các công ty cùng ngành ở Mỹ và châu Âu.
Được hỗ trợ nhờ dân số ngày càng tăng và chính sách tài khóa mở rộng, các nhà sản xuất điện của Ấn Độ chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh khi giá điện trong nước tăng do thiếu nguồn cung. Tại Nhật Bản, kế hoạch của chính phủ nhằm đẩy nhanh việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân đã thúc đẩy kích hoạt cơn tăng giá cổ phiếu của các các công ty điện lực vốn gặp nhiều khó khăn trong nhiều năm sau thảm họa kép động đất và sóng thần, làm rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi năm 2011.
Khi nhà đầu tư ngày càng lo lắng về nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ và các căng thẳng địa chính trị thì mức chi trả cổ tức cao và bản chất phòng thủ của cổ phiếu ngành tiện ích bao gồm điện lực trở thành yếu tố hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Theo Britney Lam, nhà phân tích cổ phiếu của Công ty đầu tư Magellan Investments Holding, các nước châu Á cân bằng tài khóa tốt hơn và ý chí chính trị để chi tiêu đầu tư cho ngành điện. Trong khi Mỹ đang trong năm bầu cử tổng thống nên chi tiêu cho ngành điện và cơ sở hạ tầng không được ưu tiên trong chương trình nghị sự. Dòng tiền và tỷ lệ chi trả cổ tức của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư khi thế giới tiến tới chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Ngành điện Ấn Độ trở thành chủ đề đầu tư hấp dẫn
Chiếm trọng lớn trong Chỉ số tiện ích châu Á - Thái Bình Dương cùa MSCI là cổ phiếu của Công ty điện lực nhà nước NTPC, Công ty truyền tải điện Power Grid Corp of India ở Ấn Độ và Công ty điện lực Kansai Electric Power của Nhật Bản. Giá cổ phiếu của ba công ty tăng gần hoặc hơn 30% trong năm nay. Các công ty điện lực khác như YTL Corp của Malaysia, Torrent Power của Ấn Độ và CGN Power của Trung Quốc đều chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn 50% trong năm nay.
Smith của Abrdn cho biết, các công ty điện lực của Ấn Độ hiện là chủ đề đầu tư thú vị. Chính phủ nước này đang thúc đẩy đầu tư vào lưới điện và đang theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng là tăng công suất năng lượng tái tạo lên 500GW vào năm 2030. Một số công ty điện lực được quản lý tốt ở Ấn Độ sẽ tận dụng sự hỗ trợ chính sách này.
Ở Trung Quốc, cổ phiếu của các công ty dịch vụ tiện ích được chú ý một phần là vì nền kinh tế tăng trưởng trì trệ, khiến thị trường chứng khoán gặp khó khăn. Nhà đầu tư đã đổ xô mua vào các cổ phiếu phòng thủ trong ngành dịch vụ tiện ích, có mức chia cổ tức cao hơn. Trong khi đó, các mục tiêu khí hậu của Bắc Kinh và nỗ lực cải cách thị trường điện cũng làm sáng triển vọng của ngành điện.
Theo các nhà phân tích của Topsperity Securities, những biện pháp cải cách này được kỳ vọng sẽ hợp lý hóa cơ chế định giá dịch vụ tiện ích công cộng như điện, nước và xử lý rác thải.
Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc giảm 2,5% trong năm nay nhưng chỉ số phụ theo dõi cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích trong CSI 300 tăng đến 27%.
Cơn sốt AI toàn cầu cũng làm tăng sự hấp dẫn của của cổ phiếu tiện ích ở Hàn Quốc và Malaysia trong bối cảnh nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu tăng mạnh. Cổ phiếu HD Hyundai Energy Solutions (sản xuất năng lượng tái tạo) ở Hàn Quốc tăng giá 9% trong năm nay. Trong khi đóm cổ phiếu của Công ty điện lực YTL ở Malaysia tăng giá đến 85%. Điểm chuẩn vốn chủ sở hữu rộng hơn của châu Á tăng 7,8%.
Tuy nhhiên, sau đợt bán tháo cổ phiếu trong lĩnh vực AI kể từ cuối tháng 7, ít nhiều có sự hoài nghi về tiềm năng công nghệ mới này. Điều đó cũng có nghĩa là triển vọng nhu cầu điện tăng bùng nổ nhờ AI không chắc chắn.
Theo Kelvin Ng, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, rất khó để đo lường nhu cầu điện từ lĩnh vực AI. Mức tăng trưởng lợi nhuận có thể “rất khiêm tốn” của với các công ty dịch vụ tiện ích ở châu Á trong vòng 3-5 năm tới, trừ các công ty ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư, những bất ổn liên quan đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu, căng thẳng ở Trung Đông và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là lý do để kỳ vọng rằng lĩnh vực tiện ích phòng thủ sẽ hoạt động tốt hơn khi biến động trên thị trường chứng khoán gia tăng.
“Khi cả Trung Quốc và Mỹ đều cắt giảm lãi suất, các công ty tiện ích chi trả cổ tức cao ở châu Á trở nên hấp dẫn hơn. Các công ty điện lực ở Hồng Kông và công ty thủy điện ở Trung Quốc sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn”, Dennis Ip, nhà phân tích của Daiwa Capital nói.
Theo Bloomberg