Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu Sợi Thế Kỷ có hấp dẫn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu Sợi Thế Kỷ có hấp dẫn?

T.Thu

Cổ phiếu Sợi Thế Kỷ có hấp dẫn?
Doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư tại VN trong lĩnh vực sản xuất sợi, dệt nhuộm để đón đầu TPP. Ảnh minh hoạ: Sản xất sợi của một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam – Ảnh: Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Dự kiến 5 triệu cổ phiếu của Công ty CP Sợi Thế kỷ sẽ được bán đấu giá lần đầu (IPO) vào ngày 9-12-2014 tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).

Hôm 24-11, công ty này đã có buổi giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư về rủi ro cũng như lợi ích của cổ phiếu này.

Cụ thể, Công ty CP Sợi Thế kỷ (STK) sẽ huy động vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất thông qua việc bán đấu giá 3 triệu cổ phần, và cổ đông nước ngoài của STK – quỹ đầu Red River Holding (RRH) cũng sẽ thoái vốn khỏi STK thông qua việc bán 2 triệu cổ phần.

Sợi Thế Kỷ có vốn điều lệ 393 tỉ đồng.

Dự kiến STK sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM vào quí 2-2015. Cổ tức hàng năm sẽ là 15%, và  tuỳ tình hình từng năm STK có thể chi trả cho nhà đầu tư bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu, hoặc cả hai.

Giá khởi điểm của cổ phiếu STK là 18.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của STK tại TPHCM hôm 24-11, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) – đại lý đấu giá cổ phiếu của STK – cho biết, SSI định giá cổ phiếu của STK lên đến 23.290 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DongA Securities) – đơn vị tư vấn bảo lãnh phát hành cho STK – cũng đánh giá mức giá mục tiêu của cổ phiếu STK là 26.861 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức khởi điểm chào bán 49,2%.

Việc đánh giá cao cổ phiếu của STK được các công ty này đưa ra dựa trên một số phương pháp, trong đó có việc dựa trên tình hình kinh doanh, lợi nhuận khá khả quan của công ty này trong thời gian qua.

Trong giai đoạn 2008-2013, doanh thu của STK tăng trung bình 39%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng 65%/năm. Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của STK là 82 tỉ đồng, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu đạt 1.094 tỉ đồng, tăng 4,2%. Dự kiến lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm nay đạt 104 tỉ đồng, và đến năm 2016 là 140 tỉ đồng.

Theo DongA Securities, hiện tỷ suất thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 15,3%, cao hơn mức trung bình của ngành 10,4%. Dự báo trong ba năm tới, ROE của STK đạt trung bình 20%.

Ngoài ra, STK cũng được cho là sẽ hưởng lợi khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến vào năm tới với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn-forward), đem lại cơ hội cho các nhà đầu tư vào sợi chất lượng cao.

Theo nhiên, DongA Securities cũng đánh giá có một số rủi ro đối với việc sở hữu cổ phiếu của STK. Thứ nhất là rủi ro giá nguyên vật liệu. Nguyên vật liệu hạt nhựa polyester chip chiếm tới 75%-80% giá vốn hàng bán của STK. Chênh lệch giữa giá bán và giá nguyên vật liệu ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận gộp của STK.

Thông tin từ ông Đặng Triệu Hoà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của STK cũng cho thấy STK hưởng lợi đột xuất khi giá bán sợi filament tăng mạnh do nhu cầu sử dụng sợi filament thay thế cho sợi cotton trên thế giới tăng đột biến. Khi ấy, giá nguyên liệu hạt chip tăng nhưng với tốc độ chậm hơn giá bán sợi đã tạo biên lợi nhuận gộp cao hơn mức chuẩn của STK. Vào thời điểm 2010, và 2011 chênh lệch giá mua nguyên liệu đầu vào và giá bán sản phẩm của STK lần lượt là 1,01 và 1,03 đô la Mỹ/kg. Đến năm 2013, lợi nhuận gộp của công ty giảm một phần do thị trường đi xuống, mức chênh lệch giá này còn 0,79 đô la Mỹ/kg.

Ông Hoà cho biết, trừ những lúc thị trường có những biến động quá mạnh, hay có những đợt khủng hoảng kinh tế, còn nhìn chung công ty luôn giữ chênh lệch giá mua nguyên liệu và giá sợi bán ra là 0,8-0,83 đô la Mỹ/kg. Ông Hoà cho biết công ty thường giữ ở mức không lời nhiều và không lỗ nhiều, và mua nguyên liệu theo nhu cầu đơn hàng.

Ngoài ra, theo DongA Securities, rủi ro thứ hai đối với STK là, với TPP và xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam đang đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài cũng như trong nước. Vì vậy, các nhà sản xuất sợi nội địa sẽ gặp phải sự cạnh tranh lớn khi các dự án đầu tư vào phân khúc sợi bắt đầu được triển khai.

Theo ông Hoà, với TPP, dòng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ đổ vào lĩnh vực dệt nhuộm trước. Sau đó 3-5 năm, khi nhu cầu sợi filament tăng cao, sẽ có những nhà đầu tư cùng ngành với STK vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hoà, những đối thủ cạnh tranh này cũng phải mất thêm 3 năm nữa để ổn định sản xuất, theo đó cũng mất ưu thế cạnh tranh với STK, trong khi chi phí của STK giảm từng năm.

Hiện Công ty Formosa (Đài Loan) được xem là công ty cạnh tranh trực tiếp với STK cũng đang tăng gấp đôi năng lực sản xuất. Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng STK vẫn đang có lợi thế cạnh tranh về giá so với Formosa. Hiện Công ty Formosa Taffeta, Công ty CP dệt may đầu tư thương mại Thành Công cũng đang là khách hàng trực tiếp của STK.

Mục đích của đợt chào bán lần này của STK nhằm huy động vốn một phần cho dự án nhà máy mở rộng tại chi nhánh Trảng Bàng – giai đoạn 3. Dự án có tổng vốn đầu tư là 729 tỉ đồng, đã được triển khai từ tháng 5-2014. Dự kiến, khi hoàn thành dự án sẽ cung cấp thêm khoảng 15.000 tấn sợi, đưa công suất lên 52.000 tấn sợi/năm. Quí 3-2015, công ty đưa vào hoạt động 50% công suất, và đến quí 1-2016 là 100% công suất.

Ngoài ra, STK cũng cân nhắc đầu tư thêm một nhà máy dệt nhuộm ở KCN Thành Thành Công tại Trảng Bàng (Tây Ninh), với vốn đầu tư khoảng 45 triệu đô la Mỹ. Có khả năng STK sẽ hợp tác với một khách hàng hiện tại để triển khai dự án.

Xem thêm:

Doanh nghiệp nhà nước ùn ùn IPO

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới