Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo

V.Dũng

(KTSG Online) - Không lâu sau khi nhận được tiền từ gói vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo bởi lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 âm 10.927 tỉ đồng.

Cổ phiếu Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo
Tình trạng thu lỗ của Vietnam Airlines dự báo kéo dài khiến cổ phiếu hãng bay này bị đưa vào diện cảnh báo. Ảnh: DNCC

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) mới đây có quyết định đưa cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào diện cảnh báo kể từ ngày 15-4.

Lý do được đưa ra là lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 là âm 10.927 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31-12-2020 là âm 9.327 tỉ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đứng ở mức 33.150 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh đạt 710.000 đơn vị. So với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 một vài tháng, giá HVN hiện tại không thay đổi nhiều.

Năm 2020, hãng hàng không quốc gia ghi nhận tổng doanh thu 40.613 tỉ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lũy kế cả năm, hãng lỗ sau thuế 11.098 tỉ đồng.

Dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines ở mức âm 6.379 tỉ đồng. Dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của doanh nghiệp dương 3.271 tỉ đồng nhờ đẩy mạnh thu hồi công nợ và các khoản phải thu. Dòng tiền thuần hoạt động tài chính dương 1.797 tỉ đồng, đến từ các khoản vay tài chính.

Cả năm 2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines giảm từ 76.455 tỉ đồng xuống còn 62.967 tỉ đồng. Lỗ do ảnh hưởng của Covid-19 khiến vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm còn 1/3, ở mức 6.141 tỉ đồng.

Về hoạt động kinh doanh trong năm 2020, Vietnam Airlines đã được Chính phủ “giải cứu” bằng các gói vay ưu đãi thông qua Nghị quyết 194. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, tổng giá trị 4.000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines thông qua các tổ chức tín dụng với lãi suất 0% năm, kể từ ngày 26-3-2021.

Khoản tiền 4.000 tỉ đồng tái cấp vốn của NHNN cho Vietnam Airlines được đưa ra hôm 26-3, chấm dứt gần một năm chờ đợi, tưởng chừng như không có hướng tháo gỡ cho những khó khăn của Vietnam Airlines vì đại dịch Covid-19.

Bằng Quyết định 450 của Thủ tướng, NHNN được phép tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội hồi tháng 11-2020. Khoản tái cấp vốn trị giá 4.000 tỉ đồng được giải ngân mà không cần tài sản đảm bảo của doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và Vietnam Airlines. Lãi suất dành cho khoản tái cấp vốn này là 0%/năm, áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của NHNN.

Thời hạn cho khoản hỗ trợ 4.000 tỉ này không quá 3 năm, trong đó được tự động gia hạn 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại. Thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn. Các tổ chức tín dụng thực hiện việc tái cấp vốn, trường hợp dư nợ gốc vượt quá khoản tái cấp vốn thì ngân hàng chủ động hoàn trả lại cho NHNN số tiền vượt quá theo quy định.

NHNN sẽ dừng giải ngân tái cấp vốn khi giải ngân hết 4.000 tỉ đồng nhưng không quá ngày 31-12-2021. TCTD cho Vietnam Airlines vay có trách nhiệm xem xét và quyết định việc cho Vietnam Airlines vay theo Nghị quyết và quy định của pháp luật.

Đồng thời, TCTD cho vay phải theo dõi riêng khoản vay của Vietnam Airlines theo Nghị quyết; thỏa thuận với doanh nghiệp về lãi suất, số tiền, thời hạn vay, hình thức bảo đảm tiền vay...

Những thỏa thuận này phải phù hợp với khả năng tài chính của TCTD, tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines và tình hình tài chính của Vietnam Airlines đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19; chịu trách nhiệm về quyết định cho vay đối với Vietnam Airlines.

Như vậy, chặng đường giải ngân khoản tái cấp vốn đã hoàn tất. Hãng hàng không quốc gia còn phải hoàn tất khoản phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trị giá 8.000 tỉ đồng để vực dậy hãng sau một năm thua lỗ.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng dự kiến có lãi trở lại từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025 trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu di chuyển, du lịch nội địa và quốc tế được phục hồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới