Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cơ quan giám sát an toàn lao động đã ở đâu?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một công ty sản xuất bột đá hoạt động từ năm 2005, với tổng số công nhân trực tiếp sản xuất 28 người thì có đến 14 người mắc các bệnh liên quan đến phổi, trong đó có 4 người đã chết và 10 người đang điều trị. Trong nhiều năm qua, các cơ quan an toàn lao động đã ở đâu mà để xảy ra tình trạng bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng kéo dài như vậy?

Liên tiếp nhiều trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp nặng như trên xảy ra trong thời gian dài nhưng vụ việc chỉ được phát hiện vào tháng 2 năm nay, khi UBND bốn xã thuộc huyện Nghi Lộc cùng có báo cáo về việc có 8 công nhân tại các địa phương khi làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến thuộc khu công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) bị bệnh bụi phổi, trong đó có một số ca tử vong(1).

Đầu tuần này, kết quả kiểm tra được đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Nghệ An công bố cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ vi phạm an toàn lao động này. Đoàn kiểm tra kết luận, từ năm 2017 – 2022, doanh nghiệp này đã có nhiều vi phạm gồm: không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động; không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Môi trường làm việc vi phạm nhiều quy định an toàn như không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải công nghiệp, các loại hóa chất như acid oxalic, NaOH, chrome oxide green, acid boric… sử dụng cho sản xuất không có kho chứa riêng, để chung trong xưởng sản xuất khiến hơi hoá chất độc hại phát tán trong nhà xưởng ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Quá trình ngâm tẩm, tẩy trắng đá silic được thực hiện trong bể, không có biện pháp thu acid cưỡng bức, công nghệ thô sơ, hơi acid tạo ra ảnh hưởng sức khỏe người lao động.

Đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh Nghệ An thành lập đã có kết luận và lập biên bản vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này.

Công ty TNHH Châu Tiến được Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2005 tại khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, với ngành nghề sản xuất kinh doanh là sản xuất bột đá, tổng mức đầu tư đăng ký 280 tỉ đồng. Diện tích sử dụng đất hơn 40.100 m2, số lao động làm việc là 33 người.

Kết quả ghi nhận tại thời điểm kiểm tra cho thấy công ty có 28 công nhân trực tiếp sản xuất. Tổng số trường hợp công nhân tại đây được ghi nhận mắc bệnh phổi là 14 người, trong đó có 4 trường hợp đã tử vong, 5 người đang điều trị bệnh bụi phổi và 5 người điều trị bệnh liên quan đến phổi(2).

Công ty này được cấp phép sản xuất bột đá quy mô 40.000 tấn/năm và sản xuất bột bả tường 30.000 tấn/năm. Sau đó, doanh nghiệp mở rộng đầu tư thêm dòng sản phẩm chế biến bột đá vôi trắng siêu mịn quy mô 180.000 tấn/năm và chế biến bột đá thạch anh (quartz) quy mô 150.000 tấn/năm.

Quy mô của doanh nghiệp này không nhỏ, ngành nghề sản xuất rất đặc thù về nguy cơ bệnh nghề nghiệp và lại nằm ngay trong khu công nghiệp có cơ quan quản lý chớ không phải ở một khu vực hẻo lánh nào đó.

Thế nhưng, trong nhiều năm qua, ít nhất là từ 2017 đến 2022 theo kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Nghệ An, các cơ quan chức năng của tỉnh này đã ở đâu mà không phát hiện hàng loạt sai phạm về an toàn lao động như vậy ở doanh nghiệp này?

Điều đáng nói thêm, đây là vụ vi phạm an toàn lao động rất nghiêm trọng, làm chết nhiều người và kéo dài nhiều năm. Nếu việc kiểm tra an toàn lao động được thực hiện nghiêm túc và đúng định kỳ như luật định, tình trạng bệnh phổi trong công nhân đã sớm được ngăn chặn, không xảy ra những cái chết oan uổng như vậy.

—————–

(1) https://tuoitre.vn/vu-ba-cong-nhan-chet-vi-bui-phoi-deu-tung-lam-bot-da-20230530162031712.htm

(2) https://baotintuc.vn/xa-hoi/kien-nghi-xu-phat-doanh-nghiep-co-nhieu-cong-nhan-mac-benh-bui-phoi-20230814111807299.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Đây là câu chuyện nhỏ, nhưng rất bức xúc, trong toàn cảnh một bức tranh lớn. Ở đó, người lao động, nhất là lao động tự do, lao động nặng nhọc, đang bị đối xử rất tệ, trong bối cảnh gần như không có một luật lệ an toàn lao động nào bảo vệ họ. Cơ quan chức năng thì vô cảm, buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Người sử dụng lao động không chuyên nghiệp, không tự giác, chủ động chấp hành pháp luật. Người lao động vì miếng cơm manh áo, buộc phải chấp nhận tình thế makeno. An toàn lao động, liên quan đến sức khỏe sinh mạng người lao động, vẫn cứ mãi xem là chuyện nhỏ. Không biết chuyện gì lớn hơn đây ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới