Cớ sao phải sợ rủi ro
Danh Đức
(TBKTSG Online) - Vụ xét xử cô gái “4.000 tỉ đồng” cuối năm Tỵ đã qua e rằng không phải là “bài học” cuối cùng mà xã hội Việt Nam đương đại có thể rút ra. Không hẳn là võ đoán nhưng xem ra “thích rủi ro” đang là bản tính mới của người Việt ở thế kỷ 21 này?
Không phải thích nhắc lại chuyện cũ, song nhất định cần phải than thở rằng không gì dở khóc, dở cười cho bằng một phó phòng quản lý rủi ro của một đại ngân hàng như cô gái ấy lại chính là người đùa giỡn với những rủi ro lên đến 4.000 tỉ đồng! Nếu bảo rằng vụ này cũng không khác gì các vụ “nước hoa Thanh Hương”, “Huỳnh Lài” năm 1990 ở chỗ các “nạn nhân” bị hại là do hám lãi suất vượt trần thì e rằng đó là luận cứ lỗi thời. Bộ máy ngân hàng Việt Nam của thập niên thứ nhì thế kỷ 21 này khác xa hệ thống cơ sở tín dụng của cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, không chỉ về qui mô, bề thế mà còn trong cả học thuật nghiệp vụ quản lý ngân hàng, trong đó quản lý rủi ro đã là một bộ phận cốt lõi mà bằng cớ là vị trí “phó phòng quản lý rủi ro” của cô gái kia! Không gì trớ trêu bằng việc một viên chức được thuê quản lý rủi ro lại bày trò rủi ro! Nếu có một tác giả nào đó hư cấu một câu chuyện về một cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) cứ đi… đốt nhà thiên hạ rồi phủi tay, e rằng tác giả đó sẽ bị cảnh sát PCCC lôi ra tòa vì tội mạ lỵ cả một ngành nghề!
Hãi hùng là trên cõi đời này không chỉ có mỗi cô gái ấy! Sáng thứ Bảy cuối cùng của năm Tỵ, đọc tờ Tuổi Trẻ (25-1-2014) thấy vô vàn những con người “mê rủi ro” của năm 2014. Như chuyện một anh cán bộ kiểm lâm ở Cà Mau khơi khơi lấy tang vật đem bán trong đó có 16 mét khối gỗ tịch thu (trang 2). Chuyện một giám đốc nhà nước, vì tình ái với một nữ giám đốc đã bày trò khai man hải quan hai container thuốc lá, song trong ruột lại là gạo, để cô nhân tình “ăn” VAT hoàn thuế. Cũng trên trang này (trang 5), Chủ tịch HĐQT một công ty xây lắp dầu khí cùng một tá người khác liên quan cũng vừa bị khởi tố vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Rõ ràng là những viên chức lớn, bé ấy không mảy may sợ rủi ro dù họ không hề ở trong hoàn cảnh khó khăn như những đứa bé đáng thương bất chấp rủi ro “xuống sông vớt cá, 2 học sinh chết đuối” (cũng trang 5), hay còn thơ ngây ham vui như các em học sinh tiểu học ở Dak Nông bị nhiễm độc do chơi đồ chơi độc hại khiến Phó Thủ tướng phải “yêu cầu UBND tỉnh này làm rõ”…! Rõ ràng là có điều gì đó không ổn khi mà số người coi thường rủi ro trong khi thi hành phận sự hàng ngày lại dễ dàng đánh đổi tất cả vì những mối lợi không chính đáng, không hợp pháp như thế! Phải chăng họ đã chưa trưởng thành trong thân phận công dân, khoan nói đến vị trí công tác, nên mới chơi trò rủi ro như thế, kiểu như các học sinh tiểu học vô tư rủ nhau chơi “pháo thối” hay tắm ao? Đáng ngại hơn nữa là khi chơi trò rủi ro như thế, họ bất cần đến sự rủi ro mà người khác phải liên đới gánh chịu!
Một viên chức ngân hàng lừa bịp, bao nhiêu người sẽ khốn khổ tay trắng? Thậm chí là sự mất niềm tin vào cả hệ thống ngân hàng? Một nhà thầu xây dựng một đường cao tốc rút ruột cái lan can lề đường, bị phanh phui, phải làm lại. Nhà thầu giám sát thi công thanh minh rằng cả lực lượng giám sát thi công “mỏng” không đủ để bao hết! Cách làm việc và trả lời như thế cho thấy họ không chỉ không sợ rủi ro tù đày nếu vỡ lở, mà còn bất cần rủi ro cho mọi người khi phải chạy xe trên con đường cao tốc này! Không nói đâu xa, ngay ở khúc cua từ cầu Calmette đổ xuống đường Pasteur quận 1, không rõ ai đã đặt ra cái bồn cây cảnh cao hơn 1 mét ở phía tay phải của lái xe, ngăn cách với đường Bến Chương Dương ? Xin được hoan nghênh cái bồn cây kiểng đó, trông xa rất đẹp, song đến gần thì bị che khuất tầm nhìn làn xe từ Bến Chương Dương đổ tới!
Người Việt khi xưa, thậm chí mới cách đây hai ba chục năm, hình như chưa bao giờ “cả gan” như ngày nay. Hai ngàn năm nho học đã để lại di sản “cẩn tắc vô áy náy”, di sản tây học cũng đã nhào nặn một thế kỷ tinh thần “Prudence est mère de toutes les vertus” (Thận trọng là mẹ của mọi đức tính), bằng cớ là chữ ký nháy trước khi sếp ký!
Điều gì khiến thế hệ người Việt bây giờ trục trặc vậy? Dường như họ không sợ tù đày, án phạt. Dư luận râm ran chuyện “tù kinh tế” cứ vô tư ở tù, có phòng riêng cho thuê, ăn uống có thể đặt món, “nghỉ mát” vài năm là được ân xá nhờ bảng đánh giá “cải tạo tốt” …”Hy sinh đời cha, củng cố đời con” đâu đến nỗi phải hồn lìa khỏi xác, xui lắm mới tới số thôi! Điều đó, người Anh, người Pháp gọi là impunity/ impunité, chẳng bị trừng phạt! Khi người ta tự tin với tập quán mới này thì tại sao lại phải sợ rủi ro?