(KTSG Online) – Dù thời hạn cho việc trang bị cabin học lái xe ô tô đã được cơ quan chức năng dời đến cuối năm nay (31-12), tuy nhiên, trở ngại lớn nhất mà các trung tâm đào tạo lái xe phải vượt qua là nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị và phần mềm.
Theo Thông tư 04/2022/TT-BGTVT cho phép các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ô tô được lùi thời hạn của việc trang bị và sử dụng cabin học lái xe đến ngày 31-12, thay vì phải áp dụng từ đầu tháng 7 này.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe. Nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái xe ô tô.
Việc lùi thời gian áp dụng cabin học lái xe nêu trên xuất phát từ kiến nghị của các sở giao thông vận tải, hiệp hội gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Lý do được nêu ra là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn về tài chính; ảnh hưởng đến việc sản xuất, lắp ráp thiết bị và ảnh hưởng đến thử nghiệm và chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật của ngành.
Trên thực tế, các đơn vị đào tạo lái xe còn đang đối mặt với một áp lực lớn hơn đó là kinh phí cho việc trang bị hệ thống cabin học lái xe ô tô.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ (TPHCM), cho biết, thời gian học trên cabin của học viên là 3 giờ trong một khóa đào tạo, thời gian máy hoạt động là 16 giờ/ngày. Như vậy, công suất học trên một cabin mô phỏng là 180 học viên/tháng. Trường dạy lái xe muốn tăng số lượng học viên thì phải tăng số cabin. Từ đó, kinh phí đầu tư cho trang thiết bị cũng phải tăng theo.
“Hiện nay, dù chưa có đơn vị nào chào bán nhưng giá có thể dao động trong khoảng 300 triệu đồng/cabin”, ông Dũng cho biết thêm.
Chia sẻ thêm về việc trang bị cabin học lái trong hoạt động đào tạo lái xe, ông Dũng cho biết năm 1995 đơn vị đã từng triển khai dù thời điểm này chương trình học cabin chưa bắt buộc.
Qua quá trình triển khai đã nhận thấy dù cabin giúp các học viên thao tác vận hành xe nhuần nhuyễn nhưng còn hạn chế là học viên khi thực hành trên cabin có hiện tượng học viên chưa làm chủ được chân ga vì tốc độ, không gian trên màn hình cabin và ở ngoài thực tế khác nhau,
Ông Ngô Đình Quang, Trưởng Phòng Quản lý Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe, thuộc Sở GTVT TPHCM, cho biết từ ngày 28-6 đến 6-7, cơ quan này đã tổ chức phần thi mô phỏng cho 753 thí sinh, kết quả có 517 thí sinh đạt, 218 không đạt, 85 trường hợp vắng mặt trong ngày thi.
Theo quy định tại Thông tư 01/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ) , bộ đề thi môn mô phỏng gồm 120 câu hỏi, các thí sinh vào phòng thi sẽ được máy tự động đưa ra đề thi mô phỏng gồm 10 câu hỏi. Trong đó có 10 tình huống mô phỏng tự động chạy liên tiếp, thí sinh không được lựa chọn lại đáp án. Mỗi câu trả lời có điểm từ 0-5 điểm, thời gian làm bài không quá 10 phút. Học viên thi 35/50 thì sẽ đạt phần thi mô phỏng. Khi hoàn thành bài sát hạch mô phỏng hoặc hết thời gian, toàn bộ câu trả lời của thí sinh, kể cả các câu hỏi chưa trả lời hết, được máy tự động chấm điểm, in ra và lưu trữ tại máy.
Theo quy định, nội dung quy trình học trong cabin học lái sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành số xe, thực hành bài khởi hành lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch.Phần tiếp theo là bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố.Trong quá trình thực hành, phần mềm mô phỏng sẽ đưa ra các cảnh báo khi lái xe điều khiển phương tiện sai làn đường, điều khiển vào phần đường dành cho người đi bộ, khi không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn.Diễn biến thời tiết nắng, mưa cũng sẽ được tích hợp trong hệ thống này để người học có thể nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống ở các điều kiện khác nhau.Mỗi học viên sẽ được thực hành 3 giờ trên cabin học lái tại trung tâm đào tạo lái xe. Trong quá trình học, nếu học viên có nhu cầu sẽ đề nghị trung tâm bổ sung thêm giờ học.