Có thể cho hồ Dầu Tiếng làm du lịch
Văn Nam
Chiều trên lòng hồ Dầu Tiếng - Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) - Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng nay (29-11), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đào Xuân Học cho biết về nguyên tắc, có thể bộ sẽ đồng tình theo đề xuất của UBND tỉnh Tây Ninh bổ sung chức năng du lịch cho hồ Dầu Tiếng.
>>> Tây Ninh: Sốt ruột chờ xây phim trường ở đảo Nhím.
Theo ông Học, hiện nay cán bộ kỹ thuật của bộ đang thực hiện “Quy hoạch vùng lòng hồ Dầu Tiếng và khu đầu mối phục vụ quản lý, khai thác đa mục tiêu”, phân tích bổ sung chức năng cho hồ Dầu Tiếng, dự kiến sẽ hoàn thành việc nghiên cứu này vào năm 2013.
Ông Học cho biết, về cơ bản hồ chứa kết hợp du lịch là đúng, nhưng kết hợp thế nào thì bộ đang làm quy hoạch thận trọng bởi hồ Dầu Tiếng là nguồn cung cấp nước đầu nguồn rất quan trọng cho cả vùng hạ du gồm TPHCM, Bình Dương...
"Có thể bộ sẽ đồng ý bổ sung chức năng du lịch cho hồ Dầu Tiếng, bởi vì các hồ chứa gần TPHCM đều có kết hợp du lịch. Loại du lịch gì, quy hoạch mặt bằng ra sao, xây dựng qui mô đến mức nào cho phù hợp thì sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng", ông Học nói.
Theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1993, hồ Dầu Tiếng chưa có chức năng phục vụ du lịch và vận chuyển. Tuy nhiên, vào tháng 2-2009, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung nhiệm vụ phục vụ mục đích du lịch và vận tải đường thủy của hồ Dầu Tiếng.
Năm 2009, Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng xin đầu tư dự án khu du lịch sinh thái cao cấp hồ Dầu Tiếng.
Sau một thời gian chưa nhận ý kiến nào từ bộ, đồng thời công ty Vinaconex cũng đã từ chối thực hiện dự án du lịch, đến tháng 9-2010, UBND tỉnh Tây Ninh lại tiếp tục có văn bản đề nghị bộ bổ sung chức năng du lịch cho hồ Dầu Tiếng sau khi Tập đoàn An Viên xin triển khai dự án phim trường và du lịch sinh thái tại đảo Nhím. Tuy nhiên, đề nghị này của UBND tỉnh Tây Ninh cũng không nhận được phản hồi từ bộ.
Đến tháng 8-2011, UBND tỉnh Tây Ninh một lần nữa lại có văn bản đề nghị bộ bổ sung chức năng du lịch cho hồ Dầu Tiếng. Theo đó, UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, với diện tích 27.000 héc ta và là công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam nằm cách TPHCM gần 100 km, hồ Dầu Tiếng có tiềm năng lớn để phát triển khu du lịch mang tầm quốc tế.
Theo Quyết định số 498/TTg ngày 12-10-1993 của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt công trình hồ Dầu Tiếng có nhiệm vụ cấp nước tưới trực tiếp cho gần 65.000 héc ta của tỉnh Tây Ninh và TPHCM; đảm bảo tạo nguồn nước ổn định cho vùng hạ du và xả nước xuống sông Sài Gòn vào mùa khô; cấp nước cho các nhà máy nước TPHCM với lưu lượng 7 m3/giây. Về lâu dài, hồ phải được đảm bảo các nhiệm vụ trên và cấp bổ sung nguồn nước trực tiếp cho hơn 30.000 héc ta và tạo nguồn cho 40.140 héc ta cho các tỉnh Long An, Tây Ninh và TPHCM. Trong thiết kế hồ Dầu Tiếng chưa có nhiệm vụ phát triển du lịch. |