Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Có thực sự cần quy định bảo hộ di sản văn hóa bằng… luật bản quyền?

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Những ngày vừa qua, giới làm phim cũng như giới… làm luật xôn xao vì PGS.TS. Trần Văn Hải, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi phát biểu ý kiến tại hội thảo góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) ngày 13-11 tại Hà Nội, cho rằng khi làm phim dựa trên di sản văn hóa, thì nhà sản xuất phim phải có nghĩa vụ trả phí khai thác/sử dụng di sản văn hóa đó.

Cụ thể, ông Hải đề xuất sửa đổi điều 4 của Luật Di sản văn hóa để quy định rằng cộng đồng nơi di sản văn hóa được sáng tạo, thực hành và lưu truyền chính là chủ sở hữu của di sản văn hóa đó, và vì thế phải được hưởng quyền tài sản với di sản văn hóa bên cạnh quyền nhân thân. Lấy một ví dụ cụ thể theo đề xuất của ông, thì nhà làm phim Sơn Tinh, Thủy Tinh (nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh và đạo diễn Victor Vũ) có nghĩa vụ trả phí khai thác, sử dụng di sản văn hóa cho cơ quan đại diện của chủ sở hữu là Cục Di sản văn hóa, vì đã chuyển thể một… truyền thuyết thành tác phẩm điện ảnh.

Đề xuất của ông Hải có thể làm nhiều người ngỡ ngàng, nhưng thực ra, ý tưởng này cũng không có gì là táo bạo hay mới lạ. Từ những năm 1980, nhiều nước đang phát triển đã có ý định thúc đẩy việc khai thác di sản văn hóa phi vật thể, coi đây là nguồn cảm hứng sáng tạo quan trọng cần phát triển. Một số nước đã xây dựng luật để đảm bảo bảo vệ những di sản này, chống lại việc khai thác thương mại “bất thường”, cụ thể là việc khai thác những tài sản này bởi những cá nhân hay doanh nghiệp bên ngoài cộng đồng chủ sở hữu di sản, mà không có bất cứ đền bù kinh tế nào cho cộng đồng đó cả. Luật bản quyền ở những nước này cũng được sử dụng như phương tiện bảo vệ những di sản văn hóa phi vật thể nói trên.

Ở thời điểm hiện tại, nếu như một số nước cũng đã thông qua luật cụ thể để bảo vệ di sản văn hóa truyền thống thì nhìn chung, cũng cần phải thừa nhận rằng hệ thống quyền SHTT hiện tại giới hạn ở quyền sở hữu cá nhân, và vì thế không phù hợp cho việc bảo hộ di sản văn hóa, vốn thuộc về một cộng đồng.

Có thể lấy ví dụ minh họa như luật bản quyền của Tunisia (1967), của Bolivia (1968), Mali (1977), Ghi-nê (1980)… hay thậm chí cả những thỏa thuận khu vực như Công ước 1977 của Tổ chức châu Phi về quyền sở hữu trí tuệ (OAPI) coi di sản văn hóa phi vật thể là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa quốc gia. Theo các quy định trong các luật/thỏa thuận này thì di sản văn hóa nói trên là những tác phẩm truyền thống không xác định được tác giả, nhưng có khả năng lớn là tác giả thuộc về một cộng đồng có thể xác định được. Việc sử dụng những di sản này chỉ hợp pháp khi người sử dụng trả một khoản phí khai thác hợp lý, hoặc khi được cơ quan chức năng cho phép.

Cũng cần bổ sung rằng ở mức độ quốc tế, hội nghị ngoại giao Stockholm năm 1967 cũng đã bàn đến chủ đề bảo hộ di sản văn hóa, với mục đích sửa đổi Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật (mà Việt Nam là thành viên). Kết quả của chương trình làm việc này là điều 15.4 của công ước quy định rằng: “a) Trong trường hợp những tác phẩm chưa xuất bản mà chưa biết ai là tác giả, nhưng có đủ cơ sở để cho rằng tác giả là công dân một nước thành viên liên hiệp, thì luật pháp quốc gia thành viên liên hiệp có khả năng chỉ định một cơ quan có thẩm quyền đại diện cho tác giả và có thẩm quyền bảo hộ và thực thi quyền tác giả trong các nước thành viên liên hiệp; b) Những quốc gia thành viên liên hiệp muốn chỉ định cơ quan đại diện theo quy định này phải thông báo cho tổng giám đốc bằng một văn bản ghi rõ các chi tiết về cơ quan đại diện được chỉ định. Văn bản đó sẽ được tổng giám đốc lập tức thông báo cho tất cả các nước thành viên liên hiệp”. Tất nhiên, chúng ta có thể thấy rằng điều khoản nói trên liên quan tới “tác phẩm chưa xuất bản” chứ không phải là những di sản văn hóa đã được phổ biến.

Vấn đề bảo hộ những “biểu hiện văn hóa truyền thống” (Traditional Cultural Expressions) hoàn toàn không phải là một chủ đề… lỗi mốt, nó vẫn tiếp tục được bàn luận đến trong khuôn khổ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Theo tài liệu làm việc của Ủy ban Liên Chính phủ về quyền sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và biểu hiện văn hóa truyền thống (2008), thì có thể thấy các nước không ngừng quan tâm tới vấn đề bảo hộ di sản văn hóa qua phương tiện quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để đối phó với vấn đề chiếm dụng văn hóa không hợp lý. Tuy nhiên, hiện tại thì đa số các nước phát triển đều tiếp tục coi những biểu hiện văn hóa truyền thống là thuộc về “miền công cộng” (public domain), mà mọi người đều có thể tự do sử dụng, với điều kiện tôn trọng, gìn giữ giá trị di sản văn hóa đó.

Nếu như chúng ta chỉ quan tâm tới khía cạnh “nộp phí khai thác” mà bỏ qua tác dụng khuyến khích sáng tạo đổi mới, thì chẳng khác nào “bỏ con cá rô” mà “bắt con săn sắt” cả.

Ở thời điểm hiện tại, nếu như một số nước cũng đã thông qua luật cụ thể để bảo vệ di sản văn hóa truyền thống thì nhìn chung, cũng cần phải thừa nhận rằng hệ thống quyền SHTT hiện tại giới hạn ở quyền sở hữu cá nhân, và vì thế không phù hợp cho việc bảo hộ di sản văn hóa, vốn thuộc về một cộng đồng. Hơn thế nữa, nguyên tắc chính của luật SHTT là duy trì sự cân bằng giữa khuyến khích sáng tạo đổi mới và thúc đẩy truyền bá kiến thức, giá trị văn hóa qua việc công nhận quyền sở hữu cá nhân với tài sản SHTT, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian có giới hạn. Khi hết hạn bảo hộ, thì sáng tạo sẽ thuộc về công chúng và mọi người đều có quyền khai thác những sáng tạo này, với điều kiện tôn trọng quyền nhân thân. Nguyên tắc này cũng nên áp dụng cho những di sản văn hóa truyền thống – những tài sản phi vật thể thuộc về sở hữu của toàn dân, của cộng đồng. Đây chính là một cách nhằm khuyến khích công chúng lấy cảm hứng từ những sáng tạo truyền thống để tiếp tục tạo ra sản phẩm mới, và vì thế đem lại giá trị mới cho văn hóa truyền thống. Nếu như chúng ta chỉ quan tâm tới khía cạnh “nộp phí khai thác” mà bỏ qua tác dụng khuyến khích sáng tạo đổi mới, thì chẳng khác nào “bỏ con cá rô” mà “bắt con săn sắt” cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới