Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Có tiền, phải tiêu, nhưng tránh tiêu bằng mọi giá

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra rất chậm. Đến nay vẫn còn đến 11 bộ, ngành và 3 địa phương chưa phân bổ vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân bốn tháng đầu năm đạt 18,48%, tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. Nhưng có nên đẩy nhanh tốc độ giải ngân bằng mọi giá?

Đầu tư công trong nhiều trường hợp được coi là “chùm khế ngọt”, các chủ thể liên đới thông thường sẽ phải tích cực giành giật và thúc đẩy đầu tư công để... có tiền. Ảnh: H.P

Ngoài phân bổ, giải ngân chậm vốn đầu tư công, căn bệnh, nói theo cách nói của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, “có tiền mà không tiêu được”(1) còn được thể hiện ở sự chậm trễ tương tự trong việc thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, trong đó có gói chính sách tiền tệ, tài khóa 347.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nếu tiền ở đây có một phần không nhỏ từ tiền đi vay (tức của người khác) thì cái sự “tiêu không được” nhiều khi lại là điều tốt, nhất là so với khi tiêu vào những “lỗ đen”.

Theo ông Vương Đình Huệ, mấu chốt (của việc “tiêu tiền” chậm trễ này) là “do khâu chuẩn bị đầu tư còn yếu, không kỹ lưỡng, chưa đáp ứng yêu cầu”.

Về nguyên nhân này, có mấy điều cần nói. Nếu các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị (kế hoạch) đầu tư và đã trình các cấp mà không được duyệt thông qua thì nguyên nhân đương nhiên là nằm ở sự yếu kém về năng lực của các cơ quan chức năng cấp dưới ở các bộ, ngành, địa phương.

Xét thêm thực tế về nguồn lực và tính hiệu quả hữu hạn của đầu tư công thì đầu tư công chỉ nên được triển khai ở quy mô mà năng lực ngân sách và khả năng đảm đương của Chính phủ cho phép. Thúc giục tăng mạnh quy mô và tốc độ giải ngân đầu tư công vượt quá những năng lực này thường sẽ chỉ mang đến sự thất vọng/thất bại và lãng phí ngân sách.

Trong tình huống này, một mặt cần xác định được cụ thể nơi yếu kém, có biện pháp xử lý người đứng đầu các cơ quan chức năng về năng lực bản thân họ và khả năng tổ chức xây dựng bộ máy lập kế hoạch đầu tư.

Nói là phải xử lý người đứng đầu vậy thôi chứ hầu như chẳng có “người đứng đầu” nào bị “điểm danh” và chịu chế tài xử lý, kỷ luật gì cả. Ngay trong các văn bản pháp luật liên quan, trong phần quy định về trách nhiệm của các chủ thể liên quan, chỉ thấy có quy định trách nhiệm dưới dạng cơ quan này phải làm việc này, việc kia, mà không bao giờ thấy có quy định chế tài cụ thể nếu các quy định về trách nhiệm bị vi phạm.

Mặt khác, cần hoan nghênh động thái dứt khoát không phê duyệt các kế hoạch “dưới chuẩn” của các cấp, người đứng đầu có thẩm quyền phê duyệt. Sự chậm trễ phân bổ, giải ngân đầu tư công trong những trường hợp này thậm chí còn là điểm tích cực nếu so với việc cố gắng thúc đẩy phân bổ, giải ngân bằng mọi giá để rồi dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn.

Cũng không thể loại trừ khả năng có chủ ý kéo dài việc chuẩn bị (kế hoạch) đầu tư nhằm mục đích làm các dự án, kế hoạch đầu tư chất lượng xấu, có động cơ trục lợi lồng ghép trong đó được thông qua vào phút chót trong sự vội vàng hoàn thành kế hoạch mà bất chấp, bỏ qua các bước tuân thủ trong lập và triển khai kế hoạch đầu tư công.

Sự việc sẽ khác đi nếu các bộ, ngành, địa phương vì một lý do nào đó mà vô trách nhiệm, cố tình không lập kế hoạch đầu tư, không thúc ép lập kế hoạch và triển khai đầu tư, hoặc họ chỉ làm cho có, để đối phó. Thực ra, cũng về nguyên tắc, sự thờ ơ với đầu tư công kiểu này là hơi... lạ, bởi, nói không phải quá lời, đầu tư công trong nhiều trường hợp được coi là “chùm khế ngọt” và, bởi vậy, các chủ thể liên đới thông thường sẽ phải tích cực giành giật và thúc đẩy đầu tư công để... có tiền.

Có thể nghĩ đến một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chẳng hạn như tâm lý nhiệm kỳ làm cho người có chức trách không có động cơ triển khai và thúc đẩy đầu tư công. Hoặc họ phải đối mặt với những trở ngại chủ quan và khách quan trong việc này, dẫn đến tâm lý thà tránh còn hơn là “đâm đầu vào” để rồi lãnh trọn trách nhiệm khi mọi việc diễn ra không theo đúng ý muốn, kế hoạch.

Trong những trường hợp như vậy, vấn đề năng lực có thể tạm gác qua một bên và biện pháp xử lý cũng không thể đơn giản chỉ là thay thế người đứng đầu bằng những người có năng lực, trách nhiệm hơn. Chẳng hạn, Chính phủ cần xem lại chính sách bổ nhiệm, hoặc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật về đầu tư công (trong một lĩnh vực cụ thể) để có thể khai thông đầu tư công.

Thực tế thì các giải pháp này không phải là mới, và Chính phủ năm nào cũng bày tỏ quyết tâm, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy giải ngân, đối phó tình trạng giải ngân năm sau... chậm như năm trước (ví dụ như trong quí 1 năm nay). Nhưng rồi sự việc vẫn không mấy tiến triển.

Từ góc độ của Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết lý do việc triển khai chậm là vì “quá nhiều việc”(2). Tuy nhiên, ông cũng khẳng định trong gói 347.000 tỉ đồng thì tới nay cơ bản đã triển khai hết, như gói 38.400 tỉ đồng tín dụng xã hội hay 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, hợp tác xã..., chỉ còn lại danh mục dự án đầu tư. Ông Khái thêm rằng: “Trong thời gian hơn ba tháng làm được những chính sách này có thể nói là các bộ, ngành đã rất cố gắng mới được. Còn chậm ở đây là chậm ở các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở giao thông”. Ông cũng hứa “sẽ chỉ đạo các bộ, ngành làm sớm việc này”.

Nếu cứ từ nguyên nhân suy ra giải pháp thì e rằng giải pháp trong trường hợp này khó thực hiện. Chẳng hạn, không lẽ lại kiến nghị Quốc hội trước khi muốn ra nghị quyết gì, trao nhiệm vụ gì cho Chính phủ thì phải hỏi xem ý Chính phủ thế nào, có “kham” nổi hay không? Dẫu sao, Quốc hội cũng cần rút kinh nghiệm để không kỳ vọng quá nhiều vào Chính phủ, ít nhất trong lĩnh vực đầu tư công, trong bối cảnh năm nào cũng thấy lặp lại (nhiều lần) điệp khúc giải ngân chậm.

Dường như Quốc hội cũng đã và đang ít nhiều tư duy theo hướng trên. Với gói 347.000 tỉ đồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2023 nếu không giải ngân được thì trình Quốc hội chấm dứt chứ không có chuyện đưa vào gói sau đó chuyển nguồn để làm lại. Nó không đúng tính chất gói kích thích kinh tế”(2).

Giải pháp chấm dứt này là hợp lý, không chỉ từ góc độ tránh thúc ép giải ngân bằng mọi giá như đề cập ở trên. Xét trên khía cạnh cấp thiết và nguồn lực thực thi gói này thì gói tung ra vào thời điểm năm 2023 và quy mô 347.000 tỉ đồng trong bối cảnh ngân sách ngày càng căng thẳng sẽ là lỗi nhịp và quá rủi ro cho nền kinh tế lúc đó.

Xét thêm thực tế về nguồn lực và tính hiệu quả hữu hạn của đầu tư công thì đầu tư công chỉ nên được triển khai ở quy mô mà năng lực ngân sách và khả năng đảm đương của Chính phủ cho phép. Thúc giục tăng mạnh quy mô và tốc độ giải ngân đầu tư công vượt quá những năng lực này thường sẽ chỉ mang đến sự thất vọng/thất bại và lãng phí ngân sách.

-------------

(1) https://thanhnien.vn/chu-tich-quoc-hoi-chung-ta-co-tien-ma-khong-tieu-duoc-thi-lang-phi-rat-lon-post1458599.html?io_utm_social=fanpage
(2) https://thanhnien.vn/sot-ruot-vi-goi-ho-tro-kinh-te-347-000-ti-dong-giai-ngan-cham-post1457594.html
(3) https://thoibaotaichinhvietnam.vn/goi-ho-tro-2-lai-suat-chinh-sach-dung-dan-tham-thau-vao-nen-kinh-te-104416.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới