(KTSG) - Việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10 tới đang nhận nhiều luồng ý kiến từ giới kinh doanh du lịch, bao gồm phản hồi tích cực lẫn sự hoài nghi về hiệu quả. Có những ý kiến đang hướng đến cách tiếp cận khác để dần phục hồi du lịch.
Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc sẽ thực hiện trong vòng sáu tháng, bắt đầu từ tháng 10 tới với hai giai đoạn. Để đến Phú Quốc, du khách phải tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 và có giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và có giấy xác nhận khỏi bệnh.
Thêm vào đó là là phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, có kết quả âm tính và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận bằng tiếng Anh. Du khách cũng phải đăng ký tour trọn gói của doanh nghiệp lữ hành, có hợp đồng bảo hiểm y tế và bảo hiểm du lịch.
Dự kiến, những thị trường gửi khách sẽ là châu Âu, một số nước ở vùng Đông Bắc Á, Mỹ... Trong ba tháng đầu, Phú Quốc sẽ đón 3.000-5.000 lượt khách/tháng thông qua các chuyến bay thuê chuyến, phục vụ khách trong phạm vi hạn chế. Quy mô đón khách sẽ mở rộng hơn trong giai đoạn 2, với 5.000-10.000 lượt khách/tháng, có thể đón khách từ các chuyến bay thường lệ và mở rộng địa điểm phục vụ khách quốc tế.
Tiêu chí để chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong giai đoạn này là phải có phương án tổ chức đón và quản lý đoàn khách để bảo đảm an toàn dịch bệnh, có chất lượng dịch vụ tốt, chấp hành tốt các nghĩa vụ về tài chính, thuế...
Tất cả người tham gia trực tiếp vào quy trình đón khách đều được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, liều cuối trước khi bắt đầu đón khách ít nhất là trước 14 ngày. Người dân trên đảo cũng phải được tiêm vaccine đủ để tạo miễn dịch cộng đồng trước khi đón khách quốc tế.
Nhiều câu hỏi lớn chưa được giải
Chương trình thí điểm đón khách ở Phú Quốc được kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa để ngành du lịch mở rộng ra các điểm đến khác trong cả nước, như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt... Giới kinh doanh du lịch cũng mong sớm được đón khách trở lại nhưng cho rằng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, về tiêm chủng, điều kiện kỹ thuật, dịch vụ... thì mới có thể mở cửa thành công.
Trước hết, về việc tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2, dường như Phú Quốc khó có thể sẵn sàng để đón khách vào tháng 10, cho dù cơ quan quản lý du lịch trung ương cho biết sẽ kiến nghị để cấp vaccine cho Phú Quốc và địa phương cũng cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Trong hội nghị trực tuyến giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với UBND tỉnh Kiên Giang về kế hoạch thí điểm đón khách, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, cho biết Phú Quốc mới chỉ tiêm cho 35% người dân từ 18 tuổi trở lên. Thành phố cần 250.000-300.000 liều vaccine để tiêm cho người dân trên đảo và người lao động; nếu có vaccine, việc tiêm ngừa sẽ hoàn thành trong vòng 15-20 ngày, kịp đón khách từ tháng 10 tới.
Hiện tại, các loại vaccine mà Việt Nam đang tiêm như Astra Zeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell cần thời gian chờ đến vài tuần giữa hai mũi tiêm và vài tuần để sau đó để phát huy khả năng miễn dịch. Vì thế, giả sử nếu trong vòng tuần này, Phú Quốc có đủ vaccine để tiêm chủng trên diện rộng thì cũng khó để tạo miễn dịch cộng đồng trong vòng một tháng tới.
Trong khi đó, khi thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, Phuket (Thái Lan) đã tiêm ngừa cho hơn 75% dân số trên đảo nhưng vẫn phát sinh ca nhiễm và đã có giai đoạn phải tạm dừng.
Thời gian đón khách đã sát nút nhưng kế hoạch chi tiết cho các vấn đề về hàng rào kỹ thuật, công nghệ như chính sách visa, phương án theo dõi du khách, kịch bản ứng phó với rủi ro vẫn chưa được công bố cho các bên liên quan cùng doanh nghiệp biết để thực hiện.
“Nhiều thị trường, đặc biệt là châu Âu cần đến vài tháng để chuẩn bị. Chẳng hạn, nếu công bố mở cửa vào tháng sau thì đến tháng 3 năm sau mới có thể có khách. Chúng tôi cần có kế hoạch sớm để tính toán với các hãng”, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel nói.
Hiện tại, nhiều khu nghĩ dưỡng ở Phú Quốc vẫn cho nhân viên nghỉ việc, tạm dừng đặt chỗ cho đến cuối năm nay. Doanh nghiệp cần thời gian, cần vaccine, cần những thông tin cụ thể về việc hồi phục đường bay, thị trường để tính toán kế hoạch khôi phục hoạt động, kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ để phục vụ du khách.
“Chúng tôi chưa được cung cấp đủ thông tin và các điều kiện về an toàn, kỹ thuật để đón khách. Vì chưa có thông tin nên chúng tôi cũng chưa thể trao đổi với đối tác để đánh giá phản hồi của thị trường”, một doanh nhân nói.
Theo ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, để mở cửa, ngành du lịch nên đánh giá đầy đủ hơn về những thách thức từ bên ngoài. Hiện tại, các thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang hạn chế du lịch nước ngoài. Úc cấm du lịch nước ngoài tới hết tháng 12 năm nay. Thị trường Mỹ, châu Âu tuy cởi mở hơn nhưng ngành du lịch lại chưa giải quyết được các vấn đề về truyền thông, đường bay...
“Có vẻ như chúng ta mới tính toán để làm sao đón khách an toàn tuyệt đối, không làm bùng phát dịch mà chưa hề trả lời các câu hỏi về nhu cầu, quy mô thị trường để thực hiện chương trình”, ông nói và cho rằng nên có nền tảng dữ liệu rõ ràng hơn để hoạch định chiến lược đón khách.
Ưu tiên cho thị trường nội địa
Trước sự bấp bênh của thị trường quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhiều thời gian hơn nữa để ngành du lịch có thể chuẩn bị kỹ càng cho kế hoạch trở lại. Trong lúc này, sự ưu tiên nên dành cho thị trường nội địa, nơi có nhu cầu du lịch cao, nhiều người đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến thứ Hai (13-9), tỷ lệ đã tiêm vaccine ít nhất là một mũi tại hai thị trường nguồn lớn nhất là TPHCM và Hà Nội rất cao. TPHCM đã tiêm xong mũi một, đang sắp đạt gần đến số lượng mũi tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng; còn Hà Nội có gần 99% dân số tiêm mũi một và đang ráo riết tiêm mũi hai. Độ phủ vaccine ngày càng rộng hơn là điều kiện thuận để ngành du lịch hồi phục thị trường nội địa.
Cũng như thị trường quốc tế, để kết nối lại du lịch, các địa phương cần tạo điều kiện để những người đã tiêm đủ vaccine dễ dàng đi lại, không phải cách ly. Thêm vào đó là quy trình phục vụ nhằm hạn chế lây nhiễm, kế hoạch phản ứng khi có tình huống xấu đi kèm với các chương trình tiếp thị, thúc đẩy người dân đi du lịch.
“Sẽ không hợp lý nếu mảng du lịch nội địa vẫn chưa được mở mà du lịch quốc tế đã kết nối. Theo tôi, việc thúc đẩy mảng nội địa sẽ giúp kết nối lại chuỗi cung ứng dịch vụ, giúp mảng quốc tế hoàn thiện hơn để đón khách”, ông Phước của Outbox Consulting nói và cho biết các điểm đến khác như Thái Lan cũng đã áp dụng cách tương tự, tức mở du lịch nội địa trước khi kết nối lại với thị trường quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã xác định thị trường nội địa sẽ là thị trường chính trong ít nhất là một năm sắp tới và đang chuẩn bị các kế hoạch thu hút khách sau khi đợt bùng dịch lần thứ tư này được khống chế.
Những ngày gần đây, nhiều điểm đến như Đà Lạt, Khánh Hòa, Quảng Ninh... đã cho phép mở lại các hoạt động du lịch nội tỉnh. Có nơi còn tính đến việc sẽ cho phép người từ các địa phương đến du lịch, với điều kiện đã được tiêm đủ vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và đưa ra các chương trình khuyến mãi cho du khách trong nước. Nếu các chương trình của doanh nghiệp, địa phương được kết nối, tạo nên chiến dịch thu hút khách trên quy mô lớn thì cơ hội phục hồi du lịch nội địa sẽ rất cao, giúp doanh nghiệp “sống” được cho đến khi nối lại thị trường quốc tế.
Chính thức lỡ hẹn với … tháng 10 !