(KTSG Online) - Theo Bộ Tài chính, cả nước vẫn còn 21 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ khoảng 16.000 tỉ đồng.
- Đã hoàn thuế VAT hơn 127.000 tỉ đồng, gần 69% dự toán năm
- TPHCM giải ngân vốn đầu tư công tăng hơn 60%
TTXVN dẫn thông tin từ Bộ Tài chính, vốn ước tính thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 11 là 460.980 tỉ đồng, đạt 59,39% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này của cùng kỳ năm 2022 lần lượt đạt 52,43% kế hoạch và đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cả nước hiện còn 21 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao với số vốn chưa phân bổ này là khoảng 16.000 tỉ đồng.
Cũng theo bản tin trên, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá khả năng thực hiện giải ngân đến hết tháng 1-2024, đề xuất số vốn tiếp tục kéo dài theo quy định, tránh trường hợp đề xuất kéo dài nhưng hết thời gian quy định không giải ngân được. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động có phương án phân bổ kế hoạch năm 2024 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao, tránh trường hợp giao vốn thành nhiều lần trong năm.
Tiền tín dụng thì tồn đọng trong ngân hàng, do khách hàng không có nhu cầu, hoặc không đủ điều kiện. Tiền đầu tư công tồn đọng trong ngân khố, do vướng mắc thủ tục hành chính, hoặc lo sợ trách nhiệm pháp lý… Theo quy luật vận hành cung cầu, dòng tiền không trôi chảy thì kinh tế ách tắc, công ăn việc làm ngưng trệ, đời sống dân tình khốn khổ. Giải đáp bài toán này chỉ có một cách duy nhất, hoặc thay đổi hẳn cách nghĩ cách làm, hoặc làm ngược lại những gì đang làm.