(KTSG Online) - Nhu cầu bùng nổ trong thời kỳ dịch bệnh đã gây ra tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu trong hơn hai năm qua. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy 'cơn bão' nhu cầu suy yếu dần, đặc biệt trong bối cảnh doanh số bán máy tính cá nhân (PC) sụt giảm và thị trường tiền ảo suy sụp.
- Các hãng công cụ sản xuất chip cảnh báo khủng hoảng mới trong ngành chip
- Cuộc khủng hoảng chip ô tô trên toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt
Triển vọng kinh doanh bất ổn
Cơn sốt nhu cầu máy xách tay và các sản phẩm điện tử khác trong thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19 đã biến mất khi lạm phát không khuyến khích mọi người nâng cấp thiết bị mà họ đã mua trong vài năm qua.
Cảnh khách hàng ngủ đêm bên ngoài các cửa hàng máy tính để chờ mua chip đồ họa (GPU) sử dụng cho các dàn máy đào tiền ảo và các video game cao cấp cũng không còn khi giá các đồng tiền ảo có vốn hóa lớn nhất thị trường như bitcoin, ether lao dốc.
Căng thẳng vẫn chưa giảm bớt ở một số phân khúc có nhu cầu cao, chẳng hạn như chip sử dụng ở ô tô và trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, một số tên tuổi lớn trong ngành chip như Intel, Nvidia gần đây cảnh báo tình hình kinh doanh trong những tháng sắp tới sẽ rất khó khăn.
David Zinsner, Giám đốc tài chính của Intel, thừa nhận triển vọng kinh doanh trong nửa cuối năm nay đã trở nên thách thức hơn và công ty đang tìm cách điều chỉnh chi tiêu và đầu tư để phù hợp với thực tế đó. Intel đã tạm thời đóng băng hoạt động tuyển dụng cho bộ phận chip PC.
Tuần trước, Sanjay Mehrotra, Giám đốc điều hành hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất Mỹ, Micron Technologies cảnh báo “nhu cầu trong ngành đã suy yếu,” với doanh số PC và điện thoại thông minh (smartphone) đang giảm. Công ty này đang cắt giảm một số kế hoạch chi tiêu để thích ứng với tình hình thị trường.
Lãnh đạo ở các hãng chip, nhà bán lẻ và nhà phân phối máy tính cho biết tình trạng bất ổn của thị trường đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây do lạm phát của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 thập niên, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Nvidia cho biết họ giảm tuyển dụng khi do doanh số chip GPU dành cho khai thác tiền ảo và video game, hai mảng kinh doanh chính của công ty này, suy giảm, khiến giá cổ phiếu của Nvidia giảm 48% trong nửa đầu năm 2022.
Chester Yeung, một lãnh đạo của nhà bán lẻ máy tính cá nhân Central Computers, có trụ sở tại California, cho biết người tiêu dùng đã khổ sở trong hai năm qua vì phải vào sách chờ đợi, tham gia xổ số để có cơ hội mua chip GPU mới nhất của Nvidia. Giờ đây, nhà bán lẻ này đã có đầy đủ nguồn cung trên các kệ hàng và bỏ giới hạn số lượng chip mà khách hàng có thể mua.
Doanh số PC và smartphone được dự báo sụt giảm
Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IDC, doanh số PC trên toàn cầu dự kiến giảm 8,2% trong năm nay, xuống còn 321,2 triệu đơn vị, một sự đảo ngược mạnh mẽ so với thời kỳ cao điểm trong đại dịch Covid-19 khi doanh số PC trên toàn cầu tăng 13% trong năm 2020 và 15% trong năm 2021.
Lisa Su, Giám đốc điều hành hãng chip máy tính Advanced Micro, dự báo nhu cầu PC sẽ gần như không cải thiện trong vài năm tới. Tuy nhiên, bà lưu ý nhu cầu vẫn còn nóng đối với các sản phẩm chip dành cho máy chủ ở các trung tâm dữ liệu. Các nhà sản xuất PC gồm HP và Dell Technologies, cho biết họ đang nhận thấy nhu cầu PC cấp thấp giảm nhẹ.
Thị trường PC không chỉ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu nâng cấp suy yếu mà còn tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng do các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc và tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Giới phân tích đã trở nên bi quan hơn về triển vọng kinh doanh của các hãng chip. Vào tháng 2, họ dự báo Intel sẽ đạt doanh thu khoảng 18,4 tỉ đô la trong quí 2. Hiện tại, họ điều chỉnh dự báo này xuống dưới 18 tỉ đô la.
IDC cũng dự báo doanh số smartphone trên toàn cầu sẽ giảm trong năm 2022, giúp giảm căng thẳng cho nhu cầu chip trong lĩnh vực này. Akash Palkhiwala, Giám đốc tài chính hãng Qualcomm, nhà sản xuất chip hàng đầu cho smartphone, nhận định cung và cầu sẽ cân bằng hơn trong nửa cuối năm nay.
Dù đối mặt với nhu cầu suy yếu trong ngắn hạn, thị trường chip nói chung vẫn bị hạn chế. Lãnh đạo của các hãng chip cho rằng những thay đổi dài hạn trong ngành công nghiệp điện tử, bao gồm cả sự chuyển hướng sang các dòng xe điện đòi hỏi sử dụng nhiều chip hơn, là lý do khiến tình trạng thiếu hụt chip có thể không sớm hạ nhiệt nhanh.
Theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, các nhà máy sản xuất chip trên toàn cầu đã hoạt động gần hết công suất trong quí 1. Trên toàn thế giới, doanh số chip trong tháng 4, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cơ quan thống kê thương mại bán dẫn thế giới (WSTT).
Theo Wall Street Journal