Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Con đường bền vững cho bán đảo Cà Mau – Kỳ 1: Cỏ năn tượng có là giải pháp cho xung đột mặn ngọt?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

LTS: Không gian phát triển sinh thái vùng ĐBSCL đã được thể hiện khá rõ trong quy hoạch thuỷ lợi, quy hoạch vùng ĐBSCL, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là cơ sở cho các địa phương tổ chức lại quy hoạch để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, bán đảo Cà Mau cùng với ĐBSCL đã có những thay đổi phù hợp, thích ứng có sự kiểm soát nhằm đã tạo ra những giá trị sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh. Từ kết quả thực tế cho thấy, vẫn cần có những cơ chế mang tính đặc thù và những ý tưởng sáng tạo, đột phá nhằm thúc đẩy nguồn lực đầu tư mang tính liên kết vùng, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và sinh kế lâu dài của người dân.

(KTSG Online) – Cỏ năn tượng hay còn gọi là hến biển (có tên khoa học là Scirpus Littoralis Schrab) là hướng đi mới cho vùng Bán đảo Cà Mau. Loại cây này không chỉ “hoá giải” xung đột lợi ích mặn ngọt vốn diễn ra từ nhiều năm qua, mà còn hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế dựa vào lợi thế hiện có của cư dân địa phương.

Mô hình đưa cây Năn tượng xuống ruộng được triển khai đến huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Chánh

Bán đảo Cà Mau là vùng đất cực Nam của đất nước, rộng khoảng 1,6 triệu héc ta gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần của Kiên Giang. Vấn đề mặn ngọt của vùng đất này tồn tại hơn 100 năm qua và câu chuyện đó đã gây ra nhiều tranh cãi. “Không phải sau giải phóng, thời Pháp cũng đã tranh cãi chuyện dẫn ngọt kênh Quản Lộ Phụng Hiệp từ Hậu Giang (kênh Quản Lộ Phụng Hiệp được đào từ năm 1905, bắt đầu từ Ngã Bảy, Hậu Giang đến rạch Quản Lộ, tỉnh Cà Mau - PV) xuống Cà Mau rồi”, TS Dương Văn Ni, Chuyên gia về đa dạng sinh học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chủ tịch Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL (MCF) nhấn mạnh.

Khu vực ven biển của vùng bán đảo Cà Mau đã từng diễn ra cảnh người dân “đốt đuốt” đắp đê ngăn mặn, rồi cũng người dân phát động phong trào “tắt đuốt” phá đê dẫn nước mặn vào. Lúc bấy giờ, chính quyền địa phương ở Cà Mau đã phải huy động lực lượng để ngăn cản người dân cổ xuý chuyện phá đê phát triển thủy sản.

“Lúc đó, tôi và ông bí thư của một ấp ở huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) đã cùng ngồi khóc trong một đêm trăng khi suy nghĩ tại sao dân tộc mình tối ngày cứ xung đột, hết xung đột chiến tranh đến xung đột chuyện sử dụng đất, sử dụng nước”, ông Dương Văn Ni nhớ lại.

Xung đột “mặn ngọt”

Khoảng năm 1984, giống lúa cao sản của Viện nghiên cứu lúa quốc tế- IRRI (The International Rice Research Institute) là IR42 được mang đến trồng thử nghiệm từ khu vực Giá Rai (vùng 2 Minh Hải ngày xưa) dài xuống các huyện phía bên dưới. Trong khi đó, đời sống của người dân nơi đây vào thời điểm lúc bấy giờ phần lớn dựa vào nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên (nước mặn), chứ không nuôi như bây giờ. “Trước đây, khi có gió chướng (nước lớn), người dân chỉ việc đào một con đường dẫn nước vào ruộng, thì những con tôm post (tôm ấu trùng) và cá kèo dưới sông theo nước đi vào rất nhiều”, ông Ni nhớ lại và nói rằng, sau 2-3 tháng từ khi đưa nước vào ruộng, nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên này trở thành nguồn thu nhập chính của người dân.

Khi cây lúa cao sản IR42 xuất hiện cũng đồng nghĩa nhu cầu sử dụng nước ngọt ở đây nhiều hơn và điều này đã dẫn đến xung đột với những người sống dựa vào nguồn lợi thuỷ sản nước mặn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ xung đột chưa gay gắt vì khái thác dựa vào con giống tự nhiên nên phải theo mùa, tức khoảng tháng 2-3 hết giống, người nông dân tự động nghỉ, cho nên, đến tháng 4-5 gần như không còn tôm nữa (đã thu hoạch). “Lúc đó, nông dân chỉ chờ mưa xuống rửa mặn đồng ruộng để cấy lúa”, ông cho biết.

Đến khoảng năm 1987-1988, khi con tôm sú bắt đầu đưa vào nuôi và phát triển mạnh vào những năm 1990, thì vụ tôm được kéo dài đến tháng 5-6, thậm chí đến tháng 7-8 (thay vì kết thúc vào tháng 4-5 như khi khai thác tôm tự nhiên - PV), tức nước mặn được người nuôi tôm giữ lâu hơn trên đồng dẫn đến xung đột mặn ngọt ngày càng gay gắt hơn và lặp đi lặp lại trong nhiều năm.

Khi mang một cái mới vào vùng đất này, nhưng không dựa vào quy luật tự nhiên của nó, mà kỳ vọng vào công trình có thể kiểm soát theo ý muốn của con người nên hàng loạt công trình đã được đầu tư để kiểm soát mặn ngọt. Thế nhưng, cuối cùng điều này chỉ làm trầm trọng hơn mâu thuẫn mặn ngọt trong cộng đồng, giữa người quen sống với ưu thế nước mặn với người quen sống với ưu thế nước ngọt.

Không còn theo quy luật tự nhiên

Sau nhiều năm tranh cãi, đến năm 2017, khi Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ ra đời cũng là lần đầu tiên khái niệm “thuận thiên” được đưa vào chính sách. Khi đó, trong văn bản đã công nhận nước ngọt, mặn, lợ, lũ đều là tài nguyên.

Rất khó mới “dịch chuyển” được nhận thức mới vào trong chính sách, nhưng lại thiếu người lăn xả vào tự nhiên để tìm cái mới thay thế cái hiện có. Chính vì vậy, từ năm 2018, tức sau khi được nghỉ hưu ở Trường Đại học Cần Thơ, ông Ni đã quyết định "rời khỏi diễn đàn" tranh cãi mặn ngọt để ra soát lại hiện trạng vùng bán đảo Cà Mau.

Kết quả, theo ông vùng đất này đã thay đổi hoàn toàn. “Dù đã gắn bó với vùng này 30-40 năm, nhưng tôi đánh giá gần như nó đã thay đổi hoàn toàn và thay đổi rất cục bộ”, ông nhấn mạnh và giải thích, tức có những vùng ông nghĩ theo quy luật tự nhiên là mặn 100% và những vùng là ngọt 100%, nhưng thực tế diễn ra không đúng như vậy, thậm chí mặn ngọt đã “da beo” đan xen lẫn nhau trong cùng một vùng.

Lý do của vấn đề nêu trên là vì con người đã phân cách môi trường trở thành những vùng manh mún trong thời gian dài. “Môi trường bây giờ nó không còn liên thông nên không còn theo quy luật tự nhiên nữa, thành thử nếu chúng ta tiếp tục “mổ xẻ” vấn đề mặn ngọt thì càng đẩy xã hội vào xung đột tiếp tục thôi”, ông nhấn mạnh.

Trước những thay đổi như nêu trên hay nói cách khác nơi sống của người dân ở vùng này đã thay đổi, rõ ràng cần phải có một giải pháp phù hợp mới để 10-20 năm sau sẽ giúp môi trường, đời sống người dân tốt hơn. Đặt biệt, người dân có thể thích nghi với sự thay đổi đó và cố gắng sáng tạo...

TS Dương Văn Ni thí nghiệm cho thấy cây Năn tượng có khả năng bơm oxi giúp thuỷ sản phát triển tốt. Ảnh: Trung Chánh

Cỏ Năn tượng: thúc đẩy môi trường xanh cho tôm cua

Cách đây khoảng bốn tháng, Hội Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã tham quan mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu là cây cỏ Năn tượng của Hợp tác xã MCF Mỹ Quới (xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Từ đó, dưới sự hỗ trợ của Quỹ MCF và Hội Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên, cây Năn tượng đã được đưa từ Cà Mau về trồng thử nghiệm ở vùng đất này để thay thế mô hình lúa- tôm vốn trong tình trạng “hấp hối” (trước đó mô hình trồng cây Năn tượng được triển khai ở Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang - PV).

Hồi tưởng lại những ngày đầu tiên đưa cây cỏ này xuống ruộng, ông  Trần Văn Mật (ngụ xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên) kể với KTSG Online rằng thời gian qua, việc trồng lúa ở đây đã không còn hiệu quả vì đất đã nhiễm mặn, trong khi đó tôm nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh, khiến cuộc sống gia đình ông bấp bênh.

Chính vì vậy, ông Trần Văn Mật đã nquyết định chuyển đổi sang loại cây trồng mới này. “Mỗi công (1.000 m2) cây Năn tượng cho năng suất khoảng 1 tấn nguyên liệu khô. Như vậy, với giá bán 6.000 đồng/kg, thì thu nhập cũng được 6 triệu đồng, tương đương 12 triệu đồng/2 lần thu hoạch/công mỗi năm”, ông cho biết và nói rằng, nếu trừ chi phí một nửa, thì còn lãi 6 triệu đồng/công/năm, cao hơn làm lúa rất nhiều”, ông tính toán.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của KTSG Online, quá trình sản xuất cây Năn tượng ngoại trừ việc bỏ công thu hoạch, thì nông dân hoàn toàn không sử dụng phân thuốc, cho nên, chi phí đầu tư sẽ thấp hơn rất nhiều so với con số ước tính ban đầu. Như vậy, có thể lợi nhuận sẽ cao hơn con số nêu trên khá nhiều.

Ông Trần Văn Mật bên ruộng trồng cây Năn tượng. Ảnh: Trung Chánh

Chủ tịch Quỹ MCF Dương Văn Ni cho biết, cây Năn tượng phát triển tốt nhất trong điều kiện độ mặn môi trường từ 5-10 phần ngàn (điều kiện môi trường vốn phù hợp cho tôm cua phát triển - PV) và có khả năng sống được khi độ mặn lên đến 15-20 phần ngàn, nhưng khi đó cây không phát triển được.

Đối với ruộng trồng mới (trồng khoảng cách cây với cây là 1 mét), sau 4 tháng có thể thu hoạch phục vụ nhu cầu làm đồ thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, ở đợt thứ hai, chỉ sau 2,5-3 tháng là có thể thu hoạch tiếp. “Cứ như vậy thu hoạch quanh năm, nếu như ruộng không bị quá mặn”, ông nói.

Một điểm nổi bật của cây Năn tượng là cơ chế bơm oxi qua các mô rỗng của thân cây xuống rễ giúp ôxi hoá lớp đất bên dưới, khiến rong tảo không phát triển được trong khi tôm cua lại phát triển tốt. “Chính vì vậy, khi trồng cây Năn tượng kết hợp nuôi tôm cua quảng canh, thì không chỉ giúp những loại thuỷ sản này có đủ oxi tự nhiên để phát triển, mà ngó non của cây còn là nguồn thức ăn quan trọng để tôm cua phát triển tốt hơn”, ông nhấn mạnh và cho rằng, phát triển loại cây trồng này còn giúp “trả lại” mảng xanh trên đồng, thu hút chim cò quay lại nhiều hơn.

Cụ thể, qua các nghiên cứu cho thấy, trồng cây Năn tượng kết hợp nuôi tôm giúp làm giảm độ rủi ro dịch bệnh 30% so với mô hình bình thường. Đặc đặc, nếu bình thường tôm nuôi 3 tháng đạt 40 con/kg, thì với mô hình này có thể đạt cỡ tôm 30 con/kg hay nói cách khác tôm lớn nhanh hơn.

Tuy nhiên, để thuận lợi cho tôm cua phát triển khi nuôi kết hợp với trồng cây Năn tượng, thì khuyến cáo được đưa ra là nên điều chỉnh mật độ loại cây trồng này chiếm khoảng 40-50% diện tích, tức chừa lại khoảng 50-60% khoảng trống mặt nước.

1 BÌNH LUẬN

  1. những năm cuối 80 tôi có mặt ở nơi nóng nhất ngọt-mặn là Bạc liêu …Mình không bàn về kinh doanh lúa tôm ,nhưng các cống ngăn mặn làm ô nhiễm cả nước ngọt ,không nước ra vào ,nước thải từ dân cư quẩn trong kênh ,đặc biệt là kinh Bạc Liêu -Càmau -Quản lộ Phụng hiệp nước đen thui ,có gì đó không ổn với các cống như thế khi không còn chế độ triều trong các kênh nhỏ ….

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới